• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
0
2
8
4
2
Thông tin tổng hợp lĩnh vực khác 15 Tháng Sáu 2015 8:40:00 SA

Bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH - những kinh nghiệm đa chiều

Trong khuôn khổ diễn đàn “Quảng Ninh trước thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu - đối thoại luật bảo vệ môi trường 2014” diễn ra ngày 12/6/2015 tại Quảng Ninh do Báo TN&MT tổ chức, hàng chục diễn giả đã có bài tham luận nêu bật nội dung, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đối với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ở Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Báo TN&MT xin lược ghi những ý kiến quan trọng này để độc giả tham khảo.

 

 





Các tập thể cá nhân xuất sắc thuộc Hội Nông dân Việt Nam nhận Bằng khen của Bộ TN&MT tại Lễ trao giải thưởng môi trường Việt Nam. Ảnh: MH

 
 
 

 Cần nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông

(TS. Nguyễn Minh Phong- Phó Vụ trưởng - Phó Ban tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân)

Những năm gần đây, sự phát triển của báo chí càng làm tăng vai trò và ảnh hưởng của báo chí đến đời sống mọi mặt của đất nước. Báo chí không chỉ đơn thuần truyền tải các nội dung chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xanh, bền vững, mà còn là cầu nối tập hợp, thu hút, chuyển tải và có ảnh hưởng lan toả cao trong xã hội về những sự kiện, vấn đề, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, ý kiến đa chiều của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học và doanh nghiệp, hiệp hội với chính phủ, cơ quan hữu quan và giúp định hướng, điều chỉnh nhận thức và hành vi các đối tượng có liên quan. Các thông tin thị trường và tình hình biến động của chính sách, môi trường và kinh nghiệm kinh doanh được phản ánh trên báo chí đã, đang và sẽ giúp doanh nghiệp và nhà quản lý nắm bắt cập nhật, đầy đủ và chính xác hơn, từ đó góp phần định hướng và hoàn thiện chiến lược, chính sách và cách thức kinh doanh, quản lý phù hợp, nhạy bén hơn với các nhu cầu và triển vọng thị trường theo yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững.

 

Để củng cố vị thế, phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm và tăng cường năng lực của các cơ quan báo chí truyền thông trong công tác tuyên truyền phát triển kinh tế xanh, bền vững của đất nước thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn, tôi cho rằng, các cơ quan báo chí cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông có nội dung trọng tâm, chuyên đề, chuyên mục dung lượng lớn, thường xuyên, với các hình thức tuyên truyền đa dạng thích hợp, kiểu “Hội nghị bàn tròn”, “Diễn đàn khoa học”, “Gặp gỡ hàng tháng, hàng năm” và “Giao lưu trực tuyến” với bạn đọc về các chủ đề nóng, bức xúc trong nước và quốc tế theo nội dung và yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững cho từng nhóm đối tượng trong xã hội, phù hợp với chủ trương, chính sách và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước và khu vực trong từng thời kỳ.

 

Ngoài ra, báo chí Việt Nam nói chung và công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế xanh, bền vững nói riêng cũng đòi hỏi phải được đổi mới; khắc phục tình trạng một số báo và nhà báo bị “ép khuôn” cương cứng thái quá, với sức ỳ, tính ỷ lại cao, thiếu bản lĩnh chuyên môn, “quán tính” từ thời bao cấp; hoặc “lực bất tòng tâm”, trở nên khô khan, chậm và đôi khi sai nhịp so với thực tiễn cuộc sống và cả so với các mô thức, kỹ năng báo chí trong nước và thế giới đang ngày càng phát triển nhanh chóng, hiện đại hơn; giảm thiểu tình trạng độc quyền, truyền tải thông tin một chiều, thiếu tranh biện và áp đặt, cũng như tình trạng bôi đen hoặc tô hồng thái quá, dễ gây nhiễu loạn giá trị và méo mó thực tiễn...

 

Nhanh chóng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật

(PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh- Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường -  Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Đối với chính sách phát triển “kinh tế xanh” chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào, nhưng nội hàm của nó liên quan đến kinh tế xanh như “Kinh tế Cac bon thấp”, “Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu”, “tăng trưởng xanh”, “công nghệ xanh”, “việc làm xanh”... chúng ta đã triển khai và đang quá trình hoàn thiện. Chúng ta cũng đã nhìn nhận ra xu hướng phát triển mới, không thể duy trì kiểu phát triển cũ dạng “kinh tế nâu”, chỉ chú trọng nhiều tới tăng trưởng kinh tế mà giảm nhẹ bảo vệ môi trường.

 

Chính vì vậy, đáng chú ý ngoài những chủ trương thể hiện trong Nghị quyết 24-NQ/TW về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, sự triển khai kịp thời của Chính phủ về Chiến lược tăng trưởng xanh, theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, tiếp theo là chương trình hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014. Trước đó Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 về “phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”, liên quan đến tăng trưởng xanh, đã đưa ra chỉ tiêu giám sát PTBV, trong số các chỉ tiêu tổng hợp có chỉ tiêu GDP xanh.

 

Để đạt được mục tiêu chính sách kinh tế xanh và bảo vệ môi trường, cần phải chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, hướng tới phát triển “nền kinh tế xanh” là hướng tiếp cận mới, tuy nhiên xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Hơn nữa Việt Nam là quốc gia phát triển sau, do vậy để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, văn minh và phát triển bền vững cần hướng tới một “Nền kinh tế xanh”. Tuy nhiên, mô hình phát triển và cơ cấu ngành nghề thế nào phù hợp với “Nền kinh tế xanh” trong điều kiện phát triển của Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, học tập cách thức tiến hành của các quốc gia đã thực hiện trước để từ đó có lộ trình và bước đi phù hợp.

 

 

TKV đa dạng nguồn lực bảo vệ môi trường

(Kỹ sư Nguyễn Mạnh Điệp- Trưởng ban Môi trường TKV - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam)

Để có nguồn vốn thực hiện các dự án, công trình khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác khoáng sản trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh, ngay từ khi mới thành lập, TKV đã thành lập Quỹ Môi trường tập trung bằng 1,0% - 1,5% chi phí sản xuất, đồng thời cho phép các đơn vị thành viên trực tiếp chi 0,3% - 0,5% chi phí sản xuất cho các hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên.

 

TKV đã xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường trong nội bộ (Quy chế bảo vệ môi trường, Quy chế sử dụng Quỹ Môi trường tập trung, cơ chế ưu tiên sử dụng dịch vụ của các đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường trong TKV...) làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường chung trong toàn TKV.

 

Để có lực lượng chuyên nghiệp, nắm vững thực tế sản xuất làm nòng cốt thực hiện các công tác bảo vệ môi trường, TKV đã thành lập các đơn vị chuyên ngành làm công tác bảo vệ môi trường (Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường chuyên nghiên cứu, tư vấn trong lĩnh vực môi trường; Công ty TNHH MTV Môi trường chuyên đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình môi trường khu vực phía Bắc; Công ty CP xây lắp môi trường Nhân Cơ chuyên thực hiện các công trình môi trường khu vực Tây Nguyên).

 

TKV thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao hiểu biết, nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác môi trường; hợp tác trong và ngoài nước nghiên cứu công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (RAME - Đức, MIRECO - Hàn Quốc, JOGMEC - Nhật). Với việc triển khai thực hiện những công việc trên, TKV đã tạo tiền đề thuận lợi để thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

 

Đặc biệt, TKV luôn chủ động di dời các công trình sản xuất khỏi trung tâm các khu đô thị góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan các đô thị và khu đông dân cư.

 

Tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm của TKV hiện nay gần 1.000 tỷ đồng, trong đó 70% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 30% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên.

 

Với việc chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong những năm vừa qua, TKV đã bước đầu khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác khoáng sản trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh, vì vậy chất lượng môi trường, cảnh quan các khu vực có hoạt động khoáng sản của TKV và các khu vực dân cư, đô thị lân cận đã được cải thiện, nâng cao một bước.

 

 

Tăng trưởng xanh và phát triển theo mô hình "Thành phố tương lai" không phải là một điều dễ dàng. Ảnh: T.Thuyên

 

Định hướng các hoạt động của ngành TN&MT nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

(PGS. TS Phạm Văn Lợi- Viện Khoa học Quản lý Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Ngành tài nguyên và môi trường có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu và giải pháp Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đề ra, với 6 trên 7 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tăng trưởng xanh như: Môi trường, tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, biến đổi khí hậu, biển và hải đảo. Vì vậy, việc định hướng các hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường trong bối cảnh tăng trưởng xanh là rất cần thiết.

 

Ngày 23/4/2015, Bộ trưởng Bộ TN&MT ký Quyết định số 965/QĐ-BTNMT về việc ban hành Chương trình hành động của ngành tài nguyên và môi trường thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên với giá trị gia tăng cao và bảo vệ môi trường;

 

Với chương trình này, ngành TN&MT góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính, ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường góp phần hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, các bon thấp.

 

Căn cứ vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chương trình đưa ra 5 Nhóm nội dung thực hiện và 4 Nhóm giải pháp nhằm cụ thể hóa các và triển khai thực hiện nội dung, yêu cầu, mục tiêu và các giải pháp của Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

 

Định hướng Nhóm các nội dung trọng tâm thực hiện Chiến lược bao gồm: Kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; Tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Khuyến khích và hỗ trợ phát triển nhanh các ngành sản xuất sản phẩm sinh thái và phát triển dịch vụ môi trường; Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển các nguồn vốn tự nhiên

 

Ngoài ra, Chương trình đưa ra 4 nhóm các giải pháp thực hiện như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích hỗ trợ thực hiện tăng trưởng xanh; Hoàn thiện pháp luật, tăng cường năng lực thực hiện tăng trưởng xanh; Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho tăng trưởng xanh và Tăng cường hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh.

 

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, sẽ tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên sau: Xây dựng Khung chính sách về tăng trưởng xanh của ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020; Lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Xây dựng Đề án huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; Đề án quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong các khu đô thị đến năm 2020; Nghiên cứu ban hành quy chế chi tiêu công xanh cho ngành tài nguyên và môi trường; Kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn vốn tự nhiên...

 

Cần có chiến lược truyền thông về môi trường mang tầm quốc gia

 (Lê Ngọc Hân - Phó TBT Báo Quảng Ninh)

Phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Bảo vệ môi trường trong thời gian tới có ý nghĩa sống còn, là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Để việc tuyên truyền về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường hấp dẫn hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, tôi cho rằng, trước hết cần có chiến lược truyền thông về môi trường mang tầm quốc gia để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể người dân trong đấu tranh bảo vệ, cải tạo môi trường. Trong đó cần quan tâm nhiều hơn đến đối tượng là người ra chính sách, lãnh đạo quản lý các cấp, bởi có chính sách tốt, có quy hoạch và quản lý tốt sẽ có môi trường tốt.

 

Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan báo chí trung ương, địa phương với các tỉnh, cơ quan hữu quan trong việc tuyên truyền về tài nguyên và môi trường. Đồng thời cần đổi mới cách thức, kỹ năng nội dung, hình thức nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác này, đáp ứng đòi hỏi công chúng đặt ra hiện nay. Tuyên truyền phải cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mọi người dân làm theo, tránh đưa ra các thông điệp “đao to búa lớn” nhưng chẳng biết thế nào để áp dụng.

 

Đặc biệt, theo tôi cần quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách tuyên truyền về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường cũng như người làm báo nói chung. Chúng ta cần tạo dư luận báo chí và áp lực xã hội lên án nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời khuyến khích, biểu dương những cách làm hay, nhưng tấm gương điển hình để nhân rộng, tạo sự lan toả...

 

Cần biểu dương điển hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường

(PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa - TBT Báo Đại biểu Nhân dân)      

Những năm gần đây, ngày có càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến bảo vệ môi trường (BVMT) đã phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với lợi thế về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý, đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường được các Bộ, ban, ngành của Việt Nam cũng như xã hội công nhận; một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động áp dụng các giải pháp xử lý chất thải và đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất…

 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế và trong nước, xây dựng được một thương hiệu “sản phẩm xanh”… Sau khi thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến đổi mới công nghệ, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch, sản phẩm của các công ty không những chiếm lĩnh thị phần trong nước mà còn tăng nhanh về khối lượng xuất khẩu, được bạn hàng quốc tế đánh giá cao, đồng thời đem lại niềm tin cho xã hội và cộng đồng dân cư… Vì vậy, tôi cho rằng, cần có nhiều bài báo tuyên truyền, biểu dương điển hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường.

 

Từ hoạt động báo chí, truyền thông về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho doanh nhân, doanh nghiệp, chúng tôi thấy cần có một số giải pháp điều chỉnh để nâng cao hiệu quả truyền thông như: Thứ nhất, cần có thêm những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về môi trường và phát triển bền vững cho doanh nhân. Thứ hai, cần kết hợp lồng ghép truyền thông về môi trường và phát triển bền vững cho doanh nhân khi cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, hướng dẫn luật thuế…

 

Biện pháp thứ ba, theo tôi là cần tăng cường truyền thông về các sáng kiến bảo vệ môi trường, các công nghệ bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện doanh nghiệp hiện nay. Và thứ tư, cần tránh thái độ nôn nóng, phê bình gay gắt, miệt thị quá mức hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Cần nhận thức đây là một quá trình, cần quan tâm đến điều kiện, nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp để tìm giải pháp phát triển  bền vững và bảo vệ môi trường…

 

Thành phố tương lai – Chiến lược tăng trưởng xanh mới của Nhật Bản

(Ichiro Adachi - Chuyên gia Chính sách và Quản lý Môi trường - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản -JICA)

Tháng 6/2010, Chính phủ Nhật Bản xác định Sáng kiến "Thành phố tương lai" (Sau đây gọi là "Sáng kiến") là một trong những Dự án chiến lược quốc gia trong "Chiến lược Tăng trưởng mới" của mình. Mục tiêu của sáng kiến này nhằm xác định những vấn đề chung mà con người gặp phải và đi tiên phong trong việc đề xuất các giải pháp kiểu mẫu nhằm giải quyết những vấn đề đó. Mục tiêu cuối cùng là đạt được một xã hội hồi sinh và bền vững với hệ thống kinh tế xã hội mới. Thành phố hướng tới trọng tâm là con người để từ đó tạo ra các giá trị mới nhằm giải quyết thách thức về môi trường và lão hóa.

 

Trong bối cảnh này, thành phố Yokohama được chọn là một mô hình kiểu mẫu. Yokohama tập trung giải quyết 5 nhóm vấn đề chính bao gồm "hàm lượng carbon thấp và bảo tồn năng lượng", "nước và môi trường", " xã hội siêu lão hóa", "sáng tạo" và "thách thức". Tận dụng các tác động tổng hợp để phát triển mọi lĩnh vực, Yokohama đang phấn đấu phát triển một thành phố cân bằng và tràn đầy sức sống.

 

Mặt khác, việc áp dụng công nghệ tiên tiến đối với Tăng trưởng xanh và phát triển theo mô hình "Thành phố tương lai" không phải là một điều dễ dàng. Thách thức đầu tiên phải đề cập là khó có thể thay đổi được suy nghĩ và điều kiện của người dân trong khu vực. Tại Nhật Bản, tiến trình hướng tới khái niệm "Tăng trưởng xanh" là cả một chặng đường dài về quản lý môi trưởng thông qua giải quyết ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dựa vào kinh nghiệm này, Nhật Bản đã cân bằng giữa "môi trường" và "phát triển". Khái niệm về "phát triển bền vững" bắt nguồn từ đây.

 

Bên cạnh đó, việc lắp đặt công nghệ tiên tiến đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng cơ bản. Vấn đề khó khăn thách thức lớn nhất là công nghệ tái tạo không ổn định. Để giải quyết vấn đề này, cần phải xây dựng mạng lưới phân phối năng lượng phù hợp.

 

Cuối cùng, công nghệ tăng trưởng xanh cũng có một số hạn chế. Công nghệ tiên tiến đòi hỏi kinh phí cao và một số đặc điểm đặc thù để có thể áp dụng vào thực tế. Kết quả là, công nghệ này không được chấp nhận rộng rãi trên thị trường.

 

 

 

Theo Website Bộ TNMT.


Số lượt người xem: 3466    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm