• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
8
5
2
5
3
0
Thông tin cần biết 04 Tháng Sáu 2015 8:00:00 SA

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là một trong những ưu tiên của Chính phủ hiện nay.Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao về những chuyển biến tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường.Đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các thủ tục hành chính về đất đai, môi trường, khoáng sản,... Để hiểu thêm về những nỗ lực của ngành tài nguyên và môi trường trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cũng như phương hướng thực hiện trong thời gian tới, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 


Thưa Bộ trưởng, tại buổi làm việc mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, qua đó đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Vậy, Bộ trưởng có thể cho biết về những kết quả nổi bật đạt được cũng như các giải pháp đột phá của Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác này trong thời gian qua?
 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT. Nhiều đạo luật, nghị định cơ bản về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây như: Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014,… Một số dự thảo luật cũng đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua như: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn. Các văn bản này đã tạo nên hành lang pháp lý khá đầy đủ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT. Việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có quy định thủ tục hành chính (TTHC) bảo đảm sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm tối đa chi phí tuân thủ TTHC. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiến hành rà soát, chuẩn hóa TTHC thực hiện tại 4 cấp chính quyền.

 

Song song với xây dựng, ban hành và chuẩn hóa các TTHC, Bộ TN&MT cũng đặc biệt quan tâm tới việc thực thi các TTHC trong thực tiễn cuộc sống. Hiện tại, Bộ đã đẩy mạnh kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng một cửa tại trụ sở Bộ và các đơn vị có trụ sở ngoài Bộ.Do vậy, việc giải quyết TTHC về đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường... đều được theo dõi, giám sát, quản lý thống nhất, bảo đảm tính minh bạch và rút ngắn được thời gian giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, Bộ cũng thường xuyên tiếp nhận và giải quyết các vướng mắc của các tổ chức, cá nhân qua nhiều kênh thông tin khác nhau như điện thoại đường dây nóng, thư tín, thư điện tử, Cổng thông tin điện tử của Bộ. Đặc biệt, giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp là một trong những hoạt động ưu tiên được thực hiện từ nhiều năm nay và đã trở thành nhịp cầu chính sách quan trọng giữa Bộ với người dân.

 

Nhìn chung, công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực TN&MT đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm đầy đủ khung pháp lý cho việc quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của Bộ. Cơ chế, chính sách cũng như các quy định TTHC ngày càng được hoàn thiện, đơn giản hóa; đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí tuân thủ TTHC cho tổ chức, cá nhân; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư.

 

 


 

 

Theo Bộ trưởng, đối với các lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến đời sống an sinh xã hội như đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước,…, Bộ đã có những cải cách cơ bản nào trong thời gian qua?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:Tài nguyên và môi trường là lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực, liên quan trực tiếp tới đời sống người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, các lĩnh vực như đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước,… có nhiều TTHC được thực hiện tại cả 4 cấp chính quyền. Do vậy, việc cải cách TTHC đối với các lĩnh vực này luôn được Bộ quan tâm chỉ đạo, hoàn thiện trong thời gian qua.Các cải cách TTHC tiêu biểu phải kể đến như:

 

Đối với lĩnh vực đất đai, sau khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội ban hành, Bộ đã khẩn trương trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn; đồng thời hoàn thành việc công bố bộ TTHC về đất đai bao gồm: 41 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 30 thủ tục); 62 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 9 thủ tục). Nhiều TTHC không cần thiết được rà soát, bãi bỏ nhất là những quy định thuộc thẩm quyền của cấp xã trước đây, thườnggây nhiều ách tắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Đối với lĩnh vực môi trường, căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn đã ban hành, hiện nay lĩnh vực môi trường có 65 TTHC (tăng 14 TTHC so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005). Các TTHC được quy định mới nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường trong các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải (nước thải, chất thải rắn, nhập khẩu tàu biển về phá dỡ, xả khí thải, ..); bảo đảm phù hợp các quy định hội nhập quốc tế, cũng như các quy định về bảo vệ môi trường trong Hiến pháp năm 2013. Một số TTHC xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp và các sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

 

Đối với lĩnh vực địa chất và khoáng sản, hiện công bố, công khai 30 TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (chuẩn hóa và cắt giảm trên 20 TTHC so với trước đây. Không chỉ giảm mạnh về số lượng TTHC trong lĩnh vực khoáng sản (tổ chức cá nhân có nhu cầu khai thác khoáng sản không phải thực hiện TTHC về khảo sát, chế biến khoáng sản), Bộ TN&MT còn thực hiện cải cách mạnh mẽ trong từng TTHC như: quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trình tự thực hiện, cách thức thực hiện TTHC; bãi bỏ một số thành phần hồ sơ không cần thiết; đặc biệt đã từng bước xóa bỏ cơ chế “xin- cho”, hướng tới việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản công khai, minh bạch cho tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện TTHC.

 

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, theo quy định tại Luật tài nguyên nước năm 2012, Bộ đã công bố công khai 27 TTHC so với 22 TTHC (thống kê theo Đề án 30). Các TTHC về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước được tiếp tục rà soát, hoàn thiện; đồng thời bổ sung thêm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; các quy định nhằm giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện dự án, tăng tính công khai, minh bạch đối với những tác động của dự án,..

 

 

 

Thưa Bộ trưởng, đất đai là một lĩnh vực phức tạp, liên quan đến hầu hết người dân, việc cải cách TTHC đã được tiến hành như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quang Minh: Đây là lĩnh vực hết sức trọng yếu, liên quan đến quyền sử dụng đất đai của đại bộ phận người dân và doanh nghiệp, nên khối lượng văn bản pháp luật rất lớn. Sau khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội ban hành, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định; Bộ đã ban hành 23 Thông tư (trong đó có 4 Thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành Luật Ðất đai; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành 362 quyết định quy định về các nội dung được Quốc hội, Chính phủ và Bộ giao trách nhiệm.

 

Như trên đã nêu, TTHC đối với lĩnh vực đất đai đã được rà soát, cải cách cơ bản. Nhất là đối với các địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, các tổ chức sử dụng đất được nộp hồ sơ tại các chi nhánh gần nhất (đối với địa phương chưa có Văn phòng đăng ký một cấp, tổ chức phải nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở TN&MT), qua đó đã giúp tiết kiệm được chi phí đi lại trong quá trình thực hiện thủ tục. Về thời gian, thành phần hồ sơ được rà soát, cắt giảm đáng kể; đặc biệt bổ sung thêm các quy định về giao dịch điện tử; tăng cường sự phối hợp giữa Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế và kho bạc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; liên thông thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất,…

 

Trên cơ sở kết quả công bố TTHC, Bộ đã phối hợp với các địa phương rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền theo hướng cải cách, đơn giản hóa TTHC, thực hiện quy trình liên thông giữa các cơ quan hành chính trong quá trình thực hiện. Theo báo cáo từ các địa phương, có 41/63 tỉnh, thành phố công bố bộ TTHC tại địa phương.Điển hình như tỉnh Khánh Hòa đã cắt giảm 1/3 thời gian thực hiện TTHC; Ðà Nẵng cắt giảm 5 -10 ngày đối với thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận; Ðồng Nai thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp thực hiện trong ngày, ...

 

Bên cạnh hệ thống các TTHC về đất đai, Bộ cũng rất quan tâm tới việc kiện toàn các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai (Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất); xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối cơ sở dữ liệu đất đai nhằm đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện TTHC. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai.

 

 

 

Theo Bộ trưởng, bên cạnh những nỗ lực đạt được trong thời gian qua, công tác cải cách TTHC của ngành còn gặp những hạn chế, khó khăn gì? Bộ cũng có những định hướng và giải pháp gì để tháo gỡ?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Mặc dù công tác cải cách TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đạt được một số kết quả tích cực song vẫn còn có những hạn chế nhất định; đặc biệt ở những lĩnh vực có tính nhạy cảm, phức tạp.Tiến độ và hiệu quả cải cách TTHC vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân và doanh nghiệp.Chẳng hạn như đối với lĩnh vực đất đai là việc chậm công bố TTHC về đất đai của địa phương so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (hiện còn 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành bộ TTHC về đất đai); kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ chức phát triển quỹ đất một cấp tại các địa phương. Lĩnh vực khoáng sản là các khó khăn về thị trường, về giá tính thuế và khung thuế suất tài nguyên.Lĩnh vực môi trườnglà yêu cầu cần bảo đảm tính liên ngành, liên vùng trong xây dựng, tham vấn và hoàn thiện các VBQPPL, đặc biệt các văn bản có quy định về TTHC. Lĩnh vực tài nguyên nước là việc thiếu thông tin, dữ liệu, số liệu về tài nguyên nước, cũng như chưa có được hệ thống giám sát liên tục, tự động, trực tuyến đối với việc khai thác, sử dụng nước của các công trình khai thác, việc xả nước của các hồ chứa,…

 

Để tháo gỡ những khó khăn và khắc phục những hạn chế nêu trên, tới đây, Bộ TN&MT sẽ tập trung triển khai các nhóm giải pháp cơ bản sau đây:

 

Một là, tiếp tục đẩy mạnh và ưu tiên thực hiện cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách TTHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện cải cách TTHC gắn chặt và đi đôi với công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, nâng cao chất lượng và hiệu quả đánh giá tác động TTHC; rà soát, đánh giá TTHC trong hệ thống pháp luật về TN&MT hiện nay; đề xuất bãi bỏ một số TTHC không cần thiết hoặc lồng ghép, gộp một số TTHC có tính chất tương đồng; giảm thời gian, cắt bỏ một số trình tự thực hiện TTHC và đơn giản hóa hồ sơ, thành phần hồ sơ trong thực hiện TTHC.

 

Hai là, bảo đảm công bố, công khai  kịp thời, đầy đủ và chính xác các TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ TN&MT; thực hiện chuẩn hóa TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT. Tăng cường sự hướng dẫn, phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện, thực thi pháp luật và cải cách TTHC, hợp nhất, liên thông trong quy trình xử lý các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TN&MT.

 

Ba là, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện, giải quyết TTHC tại các cơ quan có thẩm quyền; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức tự ý quy định thêm TTHC, thành phần hồ sơ và các cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Tăng cường lắng nghe, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về các quy định hành chính và thực thi TTHC tại các địa phương; nâng cao hiệu quả các đợt giao lưu trực tuyến, đối thoại về TTHC và giải quyết vướng mắc trong thực hiện TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

 

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong lĩnh vực TN&MT; thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của Văn phòng “một cửa” tại Bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đặc biệt trong giải quyết TTHC.

 

Năm là, tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực công chức làm công tác xây dựng pháp luật và kiểm soát TTHC; ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí thỏa đáng cho công tác cải cách, kiểm soát TTHC ở Trung ương và địa phương.

 

 

 

Được biết, ngày 4/6 này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức giao lưu trực tuyến với người dân và doanh nghiệp đợt 1 năm 2015 về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường”. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết thêm về hiệu quả của kênh thông tin này?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:Giao lưu trực tuyến được BộTN&MT triển khai thực hiện từ năm 2005, đây là một kênh thông tin hiệu quả giúp Bộ TN&MT và 63 Sở TN&MTtiếp nhận, giải đáp các kiến nghị của nhân dân và doanh nghiệp; tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đồng thời góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của ngành TN&MT. Cho đến nay, Bộ đã tổ chức thành công 15 đợt giao lưu trực tuyến với nhân dân và doanh nghiệp; trong đó có tới gần 530.000 lượt người truy cập vào Hệ thống giao lưu trực tuyến của Bộ và gần 580.000 lượt người truy cập vào các trang Giao lưu trực tuyến của các Sở TN&MT; riêng Bộ TN&MT nhận và trả lời được 13.930 câu hỏi.

 

Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của kênh Giao lưu trực tuyến giữa Bộ và nhân dân, năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách TTHC cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ TN&MT lựa chọn chủ đề giao lưu trực tuyến đợt này là: “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường”. Tôi cho rằng, đây sẽ là diễn đàn, là cầu nối để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan và tổ chức có thể chia sẻ, phản hồi, đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn khi thực thi các TTHC về TN&MT; đồng thời đề xuất, giúp Bộ và ngành TN&MT hoàn thiện các quy định TTHC, đưa các chính sách pháp luật của ngành TN&MT thực sự đi vào cuộc sống.

 

          Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

 

 

Theo Website Bộ TNMT.

                                                              


Số lượt người xem: 2852    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm