Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được ban hành nhằm mục tiêu tổng quát là tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Mục tiêu cụ thể là kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng lớn và giao thông, đến năm 2020 đảm bảo 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NOx, CO đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất ximăng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục với các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất ximăng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học…
Kế hoạch cũng xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM 10 và PM 2.5 tại các đô thị đặc biệt và đô thị trực thuộc trung ương; tăng cường năng lực quốc gia về kiểm soát khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Tăng cường công tác giám sát chất lượng không khí xung quanh thông qua việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí xung quanh tự động liên tục tại các đô thị so với năm 2015 theo đúng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia; giám sát thường xuyên các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thông số VOCs, HC.
Quan điểm chỉ đạo là quản lý chất lượng không khí phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả, lấy phòng ngừa ô nhiễm là chính, kết hợp với xử lý, khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí xung quanh. Quản lý chất lượng không khí phải dựa trên phân tích chi phí lợi ích, được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình quản lý phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Quản lý chất lượng không khí là trách nhiệm của chủ các nguồn phát thải và các cơ quan quản lý Nhà nước với sự giám sát của nhân dân.
Các nhiệm vụ và các giải pháp bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng không khí; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực về quản lý chất lượng không khí; phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải; hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý chất lượng không khí; hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý chất lượng không khí; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng không khí.