• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
0
1
5
7
1
0
Tin tức sự kiện 02 Tháng Chín 2013 11:15:00 SA

Giải thưởng những thành phố dẫn đầu về thích ứng với BĐKH: TPHCM vào chung kết

TPHCM là một trong 29 thành phố vừa được chọn vào chung kết giải thưởng những thành phố dẫn đầu về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) do nhóm các thành phố dẫn đầu về ứng phó với BĐKH (C40) tổ chức. C40 là một trong những tổ chức quốc tế về thích ứng với BĐKH có uy tín trên thế giới, được sáng lập vào năm 2005 mà TPHCM là một thành viên.

Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước được xây dựng, đưa vào hoạt động tại huyện Nhà Bè nằm trong chiến lược TPHCM phát triển hướng về phía biển. Ảnh: CAO MINH

“Tiến về phía biển…” được đề cử tranh giải

Tháng 4-2013, C40 và Tập đoàn Siemens công bố sự hợp tác mới, trong đó bao gồm một cuộc thi giải thưởng toàn cầu công nhận thành phố sáng tạo thúc đẩy hành động khí hậu.

Giải thưởng những thành phố dẫn đầu về ứng phó với BĐKH là giải thưởng lớn, được tổ chức hàng năm với ban giám khảo là nguyên thị trưởng các thành phố, các kiến trúc sư và đại diện Ngân hàng Thế giới - những người vốn có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực quản lý đô thị. Giải thưởng có 10 hạng mục gồm: giao thông đô thị, quản lý chất thải, phát triển tài chính - kinh tế, đo lường - hoạch định carbon, cộng đồng bền vững, năng lượng xanh, khả năng thích nghi và ứng phó, sử dụng năng lượng hiệu quả, chất lượng không khí và cơ sở hạ tầng thành phố thông minh. “Mặc dù mới gia nhập tổ chức C40 từ năm 2009, song TPHCM đã vinh dự được đề cử vào chung kết giải thưởng ở hạng mục: thích nghi và ứng phó do đã có những nỗ lực không ngừng trong việc thích ứng với BĐKH” - Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Thích ứng với BĐKH TPHCM, cho biết.

29 thành phố lọt vào chung kết năm nay đều là những thành phố “nặng ký” trong những hoạt động thích ứng với BĐKH. Ở châu Phi, có 2 thành phố: Johannesburg và Lagos. Châu Á - Thái Bình Dương có 7 thành phố: Bangkok, TPHCM, Melbourne, Seoul, Thượng Hải, Singapore, Tokyo. Châu Âu có 10 thành phố lọt vào chung kết gồm: Amsterdam, Barcelona, Berlin, Copenhagen, London, Munich, Oslo, Paris, Rotterdam, Stockholm. Bắc Mỹ có 5 thành phố: Chicago, Houston, Los Angeles, New York City, San Francisco. Và khu vực Nam Mỹ cũng có 5 thành phố lọt vào chung kết: Bogota, Buenos Aires, Mexico City, Rio de Janeiro, Sao Paulo.

TPHCM được Tổ chức C40 chọn để trao giải với nghiên cứu “TPHCM phát triển hướng về phía biển - thích ứng với BĐKH”. Đây là một đề án nghiên cứu khoa học được thực hiện công phu bởi các chuyên gia của thành phố Rotterdam (Hà Lan) và TPHCM. Đề án đã đưa ra được những khuyến cáo hữu ích cho TPHCM trong việc phát triển đô thị cùng các dịch vụ cảng biển và sản xuất công nghiệp về phía biển - vùng đất thấp trũng nhất thành phố. Dự kiến, lễ công bố giải thưởng sẽ được tổ chức vào ngày 4-9 tại TP London, Anh Quốc.

Và nhiều thành tựu khác

Không chỉ có đề án nghiên cứu TPHCM phát triển hướng về phía biển - thích ứng với BĐKH, TPHCM còn có rất nhiều hoạt động có ý nghĩa khác, nhằm thích ứng với BĐKH. Một trong những việc làm có ý nghĩa rất lớn, rất quan trọng, đó là tích hợp các nghiên cứu về BĐKH vào quy hoạch xây dựng thành phố. Đây là bộ nguyên tắc “cái”, có tính chất cơ bản trong việc phát triển thành phố. Song hành với nó, các nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị thích ứng với BĐKH cũng đã được 2 sở: Quy hoạch - Kiến trúc và Xây dựng thực hiện. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cho công bố 2 bộ tài liệu mang tính chất cẩm nang trong việc lập quy hoạch phát triển đô thị thích ứng với BĐKH. Sở Xây dựng hướng dẫn sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Trong lĩnh vực giao thông, TPHCM đã mạnh dạn kiến nghị Chính phủ cho Công ty Xe khách Sài Gòn được ưu đãi trong việc nhập khẩu hơn 20 xe buýt chạy bằng khí CNG thân thiện với môi trường thay cho xăng, dầu. Sự quyết tâm của thành phố đã được Chính phủ ủng hộ và… từ hơn 20 xe buýt CNG ban đầu này, hiện TPHCM có đã hơn 30 xe sử dụng khí CNG lăn bánh trên đường. Không dừng ở đấy, TPHCM đã giao cho Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Sài Gòn (Samco) nghiên cứu sản xuất 200 xe buýt chạy bằng khí CNG để thay thế dần số xe buýt đang sử dụng nguyên liệu hóa dầu không thân thiện với môi trường của thành phố. Trong lĩnh vực tái chế, xử lý rác, Sở TN-MT đã xã hội hóa thành công công tác xử lý rác hợp vệ sinh cho toàn thành phố. Hiện Sở TN-MT đang triển khai công tác phân loại rác từ nguồn và từng bước nâng chất hoạt động xử lý rác lên một bước. Thay vì chôn lấp là chủ yếu, TPHCM sẽ tăng dần tỷ lệ tái chế rác nhằm tiết kiệm và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Là một thành phố lớn, đất đai dành cho phát triển nông nghiệp không nhiều nhưng TPHCM cũng đã có nhiều chương trình thích ứng với BĐKH dành cho lĩnh vực nông nghiệp. TPHCM đã giao Sở NN-PTNT nghiên cứu, phát triển những giống cây, con mới phù hợp với sự thay đổi của khí hậu. Công tác quản lý nguồn nước được tập trung mạnh mẽ: hệ thống nước ngầm được hạn chế khai thác, nước mặt được bảo vệ… Đặc biệt, để chống ngập, ngoài các giải pháp xây dựng công trình thoát nước, TPHCM còn phát triển thêm hệ thống hồ điều tiết nước gắn với việc xây dựng thêm các khu đô thị mới. Hệ thống sông, kênh, rạch đã được bảo vệ nghiêm ngặt hơn trước. Công tác tuyên truyền giáo dục người dân và các hoạt động phù hợp thích ứng với BĐKH đã được triển khai rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

 
 
Theo báo cáo mới nhất của C40, trên một nửa dân số thế giới sống trong các đô thị, nơi tiêu thụ 75% năng lượng toàn thế giới và thải 80% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Dự kiến đến năm 2030, khoảng 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở đô thị.
 
 

AN NHIÊN


 


Số lượt người xem: 4065    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm