 |
Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến phát biểu tại hội thảo |
|
Ngày 11/10 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo” Triển khai Nghị quyết 35/NQ - CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”. Tới dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến và các đại biểu là lãnh đạo các tỉnh khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, trong thời gian qua, các ngành, lĩnh vực đã bước đầu huy động nguồn lực, sự hỗ trợ của quốc tế và từng bước chủ động bảo vệ, cải thiện môi trường. Tuy nhiên, chất lượng môi trường đang có chiều hướng xấu đi và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống nhân dân. Ô nhiễm môi trường tiếp tục gay gắt có nơi ở mức độ trầm trọng gây ra nhiều hệ lụy xấu tới môi trường sinh thái, đời sống xã hội.
Tại Hội thảo lần này, các đại biểu đã được lắng nghe những vấn đề môi trường cấp bách ở nước ta trong giai đoạn hiện nay: Thứ nhất, sự phát triển các KCN không đồng bộ với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường dẫn đến nhiều KCN, CCN chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thứ hai, hoạt động khai thác khoáng sản thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Thứ ba, chất thải rắn, chất thải y tế không được thu gom và xử lý triệt để, nước sinh hoạt và công nghiệp không được xử lý, khí thải, bụi phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, cơ sở sản xuất không được kiểm soát chặt chẽ đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các thành phố lớn, lưu vực sông. Thứ tư, chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh, tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn khó kiểm soát, xử lý và khắc phục, có nơi ngày càng trầm trọng. Thứ năm, tình trạng công nghiệp lạc hậu, chất thải dưới hình thức phế liệu nhập vào Việt Nam diễn biến phức tạp. Thứ sáu, đa dạng sinh học bị suy thoái và đe dọa nghiêm trọng. Các loài, nguồn gen ngày càng giảm sút và thất thoát, số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng cao vẫn tiếp tục gia tăng.
 |
Toàn cảnh hội thảo |
|
Để giải quyết những vấn đề cấp bách trên thì Nghị quyết đưa ra 7 giải pháp thực hiện: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại KCN, CCN, nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu BVMT trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển; chú trọng bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; chỉ đạo quyết liệt, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn và các lưu vực sông; kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu; ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái của các hệ sinh thái, suy giảm các loài; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Các đại biểu dự hội thảo đã tập trung làm rõ những bất cập trong việc cấp phép xây dựng dự án tại các khu công nghiệp. Tại nhiều địa phương, BQL các KCN thường cấp phép đầu tư xây dựng trước khi thẩm định đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dẫn tới tình trạng có nhiều doanh nghiệp không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Nước thải công nghiệp chưa được xử lý đã thải ra môi trường. Một vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm đó là tại nông thôn lượng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan. Lượng rác thải chiếm tới 90% không đảm bảo quy cách vận hành, thiếu công nghệ xử lý gây lúng túng cho các cơ quan chức năng. Trên địa bàn các tỉnh vùng cao, việc xử lý rác thải nông thôn cũng gặp không ít khó khăn do thủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào trong tâm thức đồng bào.
 |
Các đại biểu tham dự hội thảo |
|
Nguyễn Cường