Trong công tác tổ chức thực hiện, hiện nay cấp trung ương đã có 14 quy hoạch cho 40 loại khoáng sản khác nhau; ở cấp địa phương phần lớn cũng đã có quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, hầu hết các quy hoạch (trừ quy hoạch khoáng sản nguyên liệu làm xi măng) chỉ nêu tên mỏ, khu vực mỏ hoặc địa danh có mỏ đưa vào quy hoạch mà không có tọa độ, diện tích cụ thể, gây khó khăn khi xem xét, cấp phép. Phần lớn khoáng sản có tính đa công dụng, nhưng cùng một mỏ khoáng sản có khi lại bị điều chỉnh bởi 2 quy hoạch do 2 bộ chủ trì lập, phê duyệt ở những thời điểm khác nhau...
Trong khi đó, việc thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân chưa được thực hiện nghiêm túc; chỉ có khoảng 30- 40% tổ chức đang khai thác thực hiện. Điều này dẫn đến việc Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Xét trên bình diện quốc gia, Nhà nước không nắm rõ được thực trạng nguồn lực phát triển đất nước là vốn tài nguyên khoáng san. Cũng từ đó, nguồn thu ngân sách từ thuế tài nguyên bị thất thoát.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đặc biệt lưu tâm đến nhận định này và đề nghị nghiên cứu lộ trình đến năm 2015, Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng- EITI để góp phần nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản đất nước trong thời gian tới.
Theo SGGP Online