Mỗi tháng đi tuần hai lần
Theo đề án, khi phát hiện công trình xây dựng không phép, “cán bộ phát hiện” phải thông báo ngay cho cán bộ địa chính phường, đội Thanh tra địa bàn của Sở Xây dựng và phòng Quản lý đô thị để lập biên bản xử lý. Ít nhất hai lần/tháng, phó chủ tịch UBND phường phụ trách trực tiếp cùng “cán bộ phát hiện” tuần tra trên toàn địa bàn quản lý, báo cáo kết quả cho chủ tịch UBND phường.

Theo đề xuất của quận Tân Phú, “cán bộ phát hiện” sẽ tuần tra thường xuyên để đảm bảo trật tự xây dựng trong địa bàn. Trong ảnh: Cưỡng chế nhà xây trái phép. Ảnh: HTD
Đề án nêu rõ chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm lập hồ sơ xử lý công trình không phép, đồng thời cũng là người chịu toàn bộ trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm không phép mà không phát hiện kịp thời. Với trường hợp có giấy phép xây dựng, trách nhiệm phát hiện vi phạm và lập biên bản xử lý thuộc về Thanh tra xây dựng (Sở Xây dựng).
Không cấp số nhà, không cho tạm trú
Quận Tân Phú đánh giá: Trong công tác quản lý trật tự xây dựng, khâu áp dụng biện pháp ngăn chặn là yếu tố quyết định. Nếu không được cung cấp điện, nước, Internet, viễn thông hay không được cấp phép kinh doanh… thì công trình vi phạm không thể hoạt động. Do đó, quận đề nghị không cung cấp những dịch vụ trên và không cấp số nhà, đăng ký tạm trú tại các công trình vi phạm.
“Khi có văn bản yêu cầu của UBND quận và phường, các đơn vị ngừng cung cấp dịch vụ, không cấp hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với công trình vi phạm. Khi vi phạm được khắc phục, UBND quận và phường sẽ thông báo để tiến hành cấp lại” - đề án nêu.
Khó từ chối cấp giấy phép kinh doanh?
Theo lãnh đạo một số quận/huyện, một vài giải pháp trong đề án của quận Tân Phú có thể gặp phải khó khăn khi thực hiện. Chẳng hạn, việc lập một “cán bộ phát hiện” có thể khả thi tại các phường thuộc quận nội thành nhưng với các quận/huyện ngoại thành địa bàn rộng thì e rằng không thể phát hiện xuể.
Biện pháp ngăn chặn “không cấp giấy phép kinh doanh cho công trình vi phạm” cũng gặp trở ngại dù đây là ý kiến chung của rất nhiều địa phương. Ngày 9-9, Sở KH&ĐT có văn bản cho biết: Vừa qua, Sở Xây dựng và UBND các quận/huyện phản ánh có một số cá nhân lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp (DN) để đăng ký thành lập DN tại công trình vi phạm xây dựng, gây khó khăn trong xử lý vi phạm. Tuy nhiên, Sở KH&ĐT không có căn cứ để thực hiện yêu cầu “không cấp giấy phép kinh doanh cho công trình vi phạm”.
“Theo Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành, khi giải quyết cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Sở không có quyền kiểm tra địa chỉ được DN đăng ký làm trụ sở có vi phạm xây dựng hay không. Trong hồ sơ đăng ký kinh doanh cũng không quy định DN phải nộp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với trụ sở đăng ký. Giấy chứng nhận đăng ký DN cũng không phải là giấy tờ xác định địa chỉ trụ sở là có thật hoặc hợp pháp” - Sở KH&ĐT giải thích.
Theo Sở KH&ĐT, sau khi DN được cấp phép kinh doanh, các cơ quan chức năng như UBND quận/huyện, quản lý thị trường, công an… nếu phát hiện DN đăng ký trụ sở không thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp thì có thể xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 53/2007. Theo đó, ngoài việc phạt tiền thì DN còn bị buộc phải đăng ký cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
“Trách nhiệm của Sở KH&ĐT là hằng tháng cung cấp danh sách các DN, đơn vị phụ thuộc thành lập mới cho UBND quận/huyện kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm về đăng ký trụ sở. Cùng đó, phối hợp UBND quận/huyện yêu cầu DN đăng ký cấp lại giấy chứng nhận đăng ký DN khi có quyết định xử phạt” - Sở KH&ĐT cho hay.
Nguồn:phapluattp.vn