“Nhìn đi nhìn lại tôi thấy nhà xây được hay không được là do vấn đề quy hoạch. Có nhiều địa phương quá chậm trễ quy hoạch nên không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Chậm như vậy là kìm hãm sự tiến bộ. Làng hiện nay đã lên phố nhưng cái áo vẫn quá cũ kỹ. Mà nói thật, TP.HCM muốn giữ lại làng cũng không được vì quy luật phát triển nó thế. Giờ không nói nhiều nữa, TP cần tập trung trí tuệ nhằm rà soát, lập quy hoạch cụ thể đâu là khu dân cư, đâu là khu kinh tế thương mại, công nghiệp... để người dân sớm ổn định chỗ ở” - bạn đọc Lương Ngọc Quyến (quyenngocluong_11@...) đặt vấn đề.
Bạn đọc Ngọc Vân (quận Tân Phú, TP.HCM) đồng tình: “Hai năm nay lên quận xin xây nhà mà có được đâu. Cán bộ bảo đất tôi phải chuyển mục đích sang đất thổ thì mới được. Tuy nhiên, ở đây chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 nên cũng không thể làm gì được. Tôi chờ mãi giờ vẫn chưa thấy có quy hoạch gì. Tiền có, đất có mà tôi phải ở nhà lụp xụp, rất bực”.
Bạn đọc khanhnguyen (nguyenkhanh5100@...) nêu thêm ý kiến khác: “Kính gửi ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh. Trước tiên cảm ơn ông có ý kiến tại tọa đàm ngày 12-9 rất hay. Huyện cần kiểm tra xem những khu vực đất nông nghiệp không còn phù hợp để sản xuất nông nghiệp để đề xuất chuyển đổi thành đất ở để tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở. Cũng mong ông cải cách việc cấp giấy chứng nhận (GCN) cho dân về đất, nhà ở cùng tại sản gắn liền đất đã có quy hoạch. Tôi cũng kiến nghị TP.HCM phải thay đổi chính sách, tạo điều kiện cho người dân xây nhà ở hợp pháp trên đất nông nghiệp, xen kẽ trong khu dân cư đã có quy hoạch như qua tọa đàm ngày 12-9 do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức. Theo tôi thấy các đại biểu nêu rất đúng, phải cải cách mạnh hơn để dân và cán bộ, viên chức nơi khác tới TP công tác, cống hiến về tri thức, trí thức nhiều hơn. Các huyện như Bình Chánh, Thủ Đức... nhanh chóng tạo điều kiện cho người thu nhập thấp và dân lao động có chỗ ở hợp pháp, nhất là việc cấp sổ đỏ thuận lợi, dễ dàng”...
Thủ tục hành chính có vấn đề
Để xảy ra tình trạng xây nhà không phép rồi buộc tháo dỡ, ngoài cái sai của người dân thì phải nhìn nhận có sự yếu kém, chậm trễ không có tầm nhìn về quy hoạch của cơ quan chức năng. Mặt khác, cũng do thủ tục hành chính quá rườm rà, chồng chéo khiến người dân ngán ngại. Hầu hết các thủ tục hành chính đều không có quy định rõ ràng và dứt khoát các loại giấy tờ, tài liệu cần phải có. Thậm chí có nhiều thủ tục hành chính sau khi liệt kê một loạt các loại giấy tờ còn quy định thêm “các giấy tờ, tài liệu khác...” để cán bộ lợi dụng kẽ hở này nêu ra nhiều yêu cầu hết sức vô lý.
Thời gian hoàn tất thủ tục hành chính thường là quá dài và không có thời điểm cuối cùng, không có cơ chế chịu trách nhiệm nếu để quá thời gian quy định... Ngoài ra còn có khuyết tật của nền hành chính lâu nay là mối quan hệ “trên bảo dưới không nghe”, về chiều ngang cũng vậy. Bằng chứng là người làm quy hoạch cứ làm, người cấp phép xây dựng cứ cấp… Cuối cùng, hậu quả như chúng ta đã thấy, xây rồi đập gây quá nhiều lãng phí.
DIỆP VĂN SƠN, chuyên gia cải cách hành chính
|
Nguồn: phapluattp.vn