SRI (System of Rice Intensification) là kỹ thuật thâm canh đầy triển vọng vì thỏa mãn được cả 2 mục tiêu là đạt hiệu quả kinh tế cao và phát triển nông nghiệp bền vững trong tình hình khí hậu có nhiều biến đổi.
Vụ lúa đông xuân 2011 - 2012 tại Trà Vinh, mô hình được triển khai trên diện tích 1,2 ha của 5 hộ dân ở ấp Hoà Thành, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần. Đến nay, đã triển khai trình diễn mô hình trên địa bàn trọng điểm lúa thuộc 4 huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long và Cầu Ngang. Kết quả qua 3 vụ lúa (đông xuân, hè thu và thu đông) cho thấy mô hình này đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhiều vùng đất trồng lúa ở Trà Vinh trong điều kiện khí hậu biến đổi như hiện nay.
Tại Hội thảo đánh giá hiệu quả của mô hình trình diễn sản xuất lúa SRI theo hình thức cấy 1 tép bằng giống lúa cấp nguyên chủng OM 4900 trong vụ lúa thu đông năm 2012 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Dự án PARA- GIZ Trà Vinh (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức) tổ chức, các hộ tham gia mô hình đều cho rằng, sản xuất lúa SRI đơn giản và hiệu quả; nhu cầu nước tưới, giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều giảm so với biện pháp thâm canh truyền thống. Cụ thể: phân bón giảm khoảng 700.000 đồng/ha, lượng thuốc bảo vệ giảm khoảng 50 - 60%, lượng giống giảm từ 50-80 kg/ha… Trong khi đó, áp dụng cách thức quản lý, chăm sóc lúa theo hướng dẫn cán bộ kỹ thuật, cây lúa có bộ rễ chắc khỏe, đẻ nhiều chồi hiệu quả, cho hạt chắc… Năng suất đạt 7,2 tấn/ha, chi phí sản xuất chỉ khoảng 1.942 đồng/kg; nếu so với ruộng đối chứng, năng suất tăng 0,7 tấn/ha, chi phí giảm 950 đồng/kg…
Kỹ sư Nguyễn Văn Việt, Trưởng Phòng Tư vấn - Dịch vụ (Sở NN&PTNT) khẳng định: Mô hình SRI được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tập huấn kỹ thuật sản xuất theo Chương trình “3 giảm, 3 tăng” nên năng suất, lợi nhuận cao hơn so với diện tích lúa cùng khu vực, được người nông dân chấp nhận. Tuy nhiên, nông dân ngại nhất là khâu cấy 1 tép vì nếu cấy 1 công (1.000 m2) phải tốn 3 ngày công. Tuy vậy, nếu tính về hiệu quả kinh tế lúa cấy lợi hơn nhiều so với gieo sạ. Hơn nữa, theo cách thức quản lý SRI sẽ tiết kiệm tối đa vật tư đầu vào, tiết kiệm nguồn nước tưới, ruộng lúa thông thoáng, cây lúa khỏe hơn, ít bị ngã đổ… Đây là lợi thế đặc biệt trước nguy cơ hạn, mặn, tài nguyên nước cạn kiệt, lượng mưa thay đổi trong suất mùa vụ như hiện nay.
Bà Lê Tuyết Hồng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trà Vinh cho biết: Do nguồn kinh phí của Dự án PARA - GIZ Trà Vinh có hạn nên vụ lúa đông xuân 2012- 2013, ngành giao Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư triển khai trình diễn trên tổng diện tích 20 ha. Sắp tới, Sở NN&PTNT sẽ đưa mô hình sản xuất lúa SRI vào chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh để nông dân tiếp tục phát huy, vận dụng hiệu quả nhằm nâng hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo Trà Vinh trong điều kiện thị trường, thời tiết, khí hậu đang gặp nhiều bất lợi.
Tuy nhiên, cái khó nhất trong việc nhân rộng mô hình sản xuất lúa SRI là các hộ tham gia thực hiện đều được hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn..., trong khi các hộ lân cận lại có ý trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía nhà nước khi nhân rộng mô hình. Đây là vấn đề đáng quan tâm, đòi hỏi các ngành, các cấp ở Trà Vinh sớm vào cuộc cùng ngành nông nghiệp địa phương nhân rộng mô hình để thích ứng với biến đổi khí hậu vì Trà Vinh được đánh giá là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do nước mặn xâm nhập và hạn hán.
Huy Hoàng