Hệ thống chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được Đảng, Nhà nước trong những năm qua đang đứng trước nhu cầu đổi mới, có hệ tư duy, quan điểm mới, đồng bộ và các giải pháp đủ mạnh, tạo sức mạnh mới để đột phá.
Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT được Ban cán sự Đảng Chính phủ và Ban Tuyên giáo Trung ương giao chủ trì chuẩn bị Đề án Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường đã tập hợp ý kiến của nhiều chuyên gia, các nhà quản lý, các địa phương nhằm tìm tiếng nói chung trong cuộc chiến với thách thức của thế kỷ 21.
Nhận rõ thách thức
Hàng loạt những dự báo đáng báo động về môi trường, biến đổi khí hậu đã được đưa lên để nhìn rõ thực trạng hiện nay. Đó là, nếu không có các giải pháp mạnh và phù hợp thì thoái hóa đất, hoang mạc hóa và ô nhiễm môi trường, suy kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học vẫn tiếp diễn. Một số loại khoáng sản sẽ cạn kiệt. Tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước chậm được giải quyết, sử dụng nước lãng phí, không hiệu quả chưa được ngăn chặn. Nhiều nguồn nước tiếp tục bị ô nhiễm, cạn kiệt. Diện tích rừng tự nhiên tiếp tục bị thu hẹp, chất lượng rừng xuống cấp. Một số loài hoang dã quý hiếm sẽ bị tuyệt chủng. Chưa có chuyển biến lớn trong cơ cấu sử dụng năng lượng. Năng lượng tái tạo, năng lượng mới được quan tâm đầu tư nghiên cứu, phát triển nhưng chưa đủ để thay thế nhiên liệu hóa thạch. Nhu cầu quỹ đất, khoáng sản, sử dụng nước tăng mạnh dẫn đến xung đột giữa bảo vệ với khai thác, sử dụng ngày càng gay gắt.
Với những dự báo về biến đổi khí hậu toàn cầu, biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể diễn biến theo kịch bản cao nhất. Vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ có thể tăng khoảng 4oC, nước biển có thể dâng cao khoảng 1m.
Dự thảo Đề án cũng chỉ ra những thách thức cần giải quyết một cách mạnh mẽ, căn bản. Còn những hạn chế trong nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền; ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các cán bộ lãnh đạo, quản lý và người dân chưa cao; hành vi của từng người dân, thái độ ứng xử của xã hội đối với tài nguyên, môi trường chưa phù hợp, thân thiện.
Mô hình tăng trưởng thiếu bền vững, dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư, đánh đổi môi trường, hàm lượng khoa học chưa cao.
Trình độ phát triển còn ở mức thấp, tiềm lực kinh tế chưa mạnh, tăng trưởng đang chậm lại, nguồn lực tài chính, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu trong khi các vấn đề khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh, biến đổi khí hậu tác động mạnh, phức tạp.
Mặt trái của toàn cầu hóa, kinh tế thị trường, những thay đổi chính sách toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta.
Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng gia tăng, khó lường và mang tính cực đoan hơn, đe dọa quốc phòng, an ninh quốc gia, an ninh lương thực, an ninh sinh thái, an ninh năng lượng.
Quyết liệt trong các chính sách
Trong dự thảo đề án, Ban soạn thảo xác định, cần có những điểm nhấn trong thực thi các chính sách. Nhiều chính sách về bảo vệ môi trường tiến bộ đã có từ nhiều năm nay song việc thực thi lại chưa hiệu quả.
Việc đưa vào đề án những chỉ tiêu cụ thể, làm cơ sở để sau này, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết sẽ nâng mức độ quan trọng, cũng như tăng tính pháp lý hơn.
Sẽ duy trì mức nâng độ che phủ rừng lên 42 - 43% vào năm 2015, lên 44 - 45% vào năm 2020; ổn định diện tích rừng đặc dụng trên 2 triệu ha; phục hồi 0,62 triệu ha rừng tự nhiên; trồng 250.000 ha, khoanh nuôi, tái sinh tư nhiên 750.000 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; cải tạo 350.000 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt.
Việc xử lý ô nhiễm cũng có những mục tiêu cụ thể: không để phát sinh thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường; 80% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; xử lý triệt để 100% cơ sở hiện đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, cần kiên quyết với những chủ trương đã ban hành từ nhiều năm nay. Như thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên, bên cạnh đó phải tính toán để có những chính sách khuyến khích việc chế biến sử dụng gỗ từ rừng trồng và khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học về nuôi dưỡng, phục hồi rừng tự nhiên.
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam cũng cần có hàng rào kỹ thuật về môi trường, nâng quy chuẩn môi trường ngang bằng với các nước trong khu vực, để hạn chế tình trạng nhập hàng hóa là phế liệu trá hình. Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, người sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải khôi phục, hoàn thổ cũng đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Vấn đề là phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc này. Điều này vừa giúp hạn chế hủy hoại môi trường, vừa tạo nguồn kinh phí để tái đầu tư.
Bảo Châu
Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, có ba thách thức cần phải nhận rõ. Một là để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng tài nguyên rất lớn, vì thế kéo theo môi trường bị ô nhiễm. Hai là, nước ta là quốc gia còn nghèo song biến đổi khí hậu lại tác động rất nặng nề, nhu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường rất cấp bách và cần khoản đầu tư lớn. Ba là, đây là những vấn đề lớn và rất mới mà tư tưởng, quan điểm, nhận thức có lúc chưa theo kịp những nảy sinh từ thực tế.
Trong thời gian qua, những kết quả về biến đổi khí hậu – một vấn đề rất mới mẻ và khó - mà chúng ta thực hiện được không hề nhỏ, rất đáng ghi nhận. Môi trường làm tốt. Việc quản lý tài nguyên đất đai và khoáng sản đã được đặt ra, Đảng, Nhà nước đầu tư quan tâm song đôi khi chưa trúng mục tiêu.
Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, theo tôi, cần tính toán để đưa ra các mục tiêu khả thi và đề xuất rõ ràng giải pháp ở từng lĩnh vực. Nhiều vấn đề mới cần được đặt ra như quản lý đất đai trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ làm mất đất; các chiến lược, quy hoạch sản xuất đều phải được điều chỉnh lại theo định hướng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường…
GS. TS. Đặng Huy Huỳnh –Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam
Trong những đột phá trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, cần chú ý đến những kiến thức từ cộng đồng. Ở Quảng Nam, năm nào cũng lụt, có năm Hội An lụt hơn một mét nhưng người dân thích ứng rất giỏi, không ai chết vì lũ dâng mà chỉ do sự cố. Có có kinh nghiệm làm nghe, làm nhà cao, nước dâng đến đâu thu dọn đồ đạc, sơ tán người đến đó…
Những kinh nghiệm, kiến thức bản địa của cư dân từ nhiều năm qua vẫn còn nguyên giá trị trong thời thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đe dọa con người.
Các chính sách hỗ trợ khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu cho người dân địa phương chỉ có thể thành công khi phù hợp với tập quán, sinh hoạt của họ. Những chuyển đổi về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hay triển khai các chính sách, chiến lược đều cần tính đến yếu tố "hài hòa với thiên nhiên" từ bao đời nay ở mỗi một vùng đất.
Ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội:
Nhìn nhận một cách khách quan, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đồng đều. Với những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến môi trường, nhận thức tốt, họ hiểu sâu. Song người dân khu vực nông thôn, chắc không nắm được nhiều thông tin. Bởi thế, giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng cần làm sâu sắc, quyết liệt hơn, bài bản hơn.
Đối tượng cần truyền thông mạnh mẽ là học sinh và giáo viên các trường phổ thông. Việc tuyên truyền không chỉ bằng những buổi sinh hoạt ngoại khóa mà cần biên tập kiến thức, xây dựng thành sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường. Chúng ta nuôi dưỡng một thế hệ trẻ có ý thức, có trách nhiệm với môi trường thì trong tương lai, sẽ chủ động hơn với ngăn ngừa, thích nghi với các sự cố môi trường.
Đối tượng cần truyền thông nữa là doanh nghiệp, bởi hiện nay, lượng doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường khá nhiều. Giáo dục cộng đồng phải làm thường xuyên.
6 quan điểm chính
- Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường có ý nghĩa sống còn.
- Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phải tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ.
- Phải đánh giá đầy đủ, định giá, hạch toán tài nguyên trong nền kinh tế.
- Bảo vệ môi trường phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương.
- Phải tiếp cận phương pháp quản lý tổng hợp, liên ngành, liên vùng, tính đủ lợi ích tổng thể và đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan, giữa các thế hệ.
- Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.
|