Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng đang trong quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa và hiện đại hóa nhanh. Tất nhiên song hành với nó luôn là nỗi lo âu về vấn đề xử lý rác thải, nhất là rác thải nguy hại.
Chưa đáp ứng yêu cầu
Tại hội thảo Hiện trạng và lựa chọn công nghệ xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế phù hợp với điều kiện Việt Nam, Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam cho biết với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự báo đến năm 2015, tổng lượng chất thải phát sinh sẽ lên đến hơn 35 triệu tấn. Trong đó chất thải rắn từ đô thị chiếm 51%, từ sản xuất công nghiệp chiếm 22%, còn lại là từ nông thôn, làng nghề và y tế. Trong đó chất thải nguy hại chiếm 18%-25% lượng chất thải rắn phát sinh.

Rác thải đô thị ngày càng nhiều và độc hại hơn. Trong ảnh: Công nghệ xữ lý có sinh học MBT. Ảnh minh họa: NM
Do lượng chất thải phát sinh sẽ tăng nhanh theo như dự báo, việc triển khai thực hiện các chương trình nhằm khuyến khích giảm thiểu lượng phát sinh chất thải tại nguồn như ở các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, công nghiệp, bệnh viện… có khả năng làm giảm đáng kể chi phí cần thiết cho việc tiêu hủy chất thải trong tương lai. Hiện nay, công nghệ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế chủ yếu là đốt, hóa rắn, tái chế một phần và chôn lấp an toàn. Theo PGS-TS Lê Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên: Số lượng chất thải nguy hại được thu gom và xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng không được xử lý một cách đồng bộ, một số chất thải chỉ áp dụng công nghệ tiền xử lý; mức độ tự động hóa không cao… Do đó, định hướng đến năm 2020, công nghệ xử lý chất thải nguy hại ở TP.HCM hay cả nước vẫn tập trung giải quyết các loại phổ biến như bùn thải, bao bì các loại, ắc quy… Yêu cầu chung là các công nghệ phải đảm bảo tính khả thi về mặt môi trường, kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Về mặt thực tiễn, chúng phải thích hợp với mục tiêu xử lý chất thải của công ty; nguồn và chủng loại chất thải nguy hại phát sinh; mặt bằng, năng lực tài chính và con người.
Công nghệ cơ sinh học MBT
Tại hội thảo, TS Lê Hùng Anh (ĐH Công nghiệp TP.HCM) chia sẻ: Xử lý rác thải đô thị luôn là vấn đề cần quan tâm hàng đầu về xử lý môi trường tại các thành phố lớn trên thế giới. Điểm đặc thù của rác chưa phân loại là có thành phần phức tạp, độ ẩm cao và khó phân loại tái chế. Do vậy, công nghệ sinh cơ học (MBT) là giải pháp đang được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là hướng đi phù hợp cho việc xử lý rác thải đô thị tại Việt Nam.
Mục đích của công nghệ xử lý cơ sinh học là thu hồi các thành phần có thể tái chế từ dòng rác thải như nylon, nhựa, giấy, bìa, kim loại, thủy tinh… Tận dụng phần hữu cơ cao trong rác thải qua quá trình xử lý sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ (compost) hoặc khí sinh học (biogas) và hạn chế phần rác đem đi chôn lấp. Song song đó là giảm lượng chất thải nguy hại trong rác chôn lấp, chất nguy hại trong nước rỉ rác, giảm nguy cơ ô nhiễm nước ngầm và giảm tải hệ thống xử lý nước rỉ rác.
Hiện nay công nghệ MBT trải qua năm bước làm, đó là: (1) Thu gom rác chưa phân loại; (2) Lên men hiếu khí, rác thải giảm ẩm, mất 30% trọng lượng dưới dạng hơi nước; (3) Phân loại rác thành các thành phần vật liệu nhiệt trị cao, sắt và kim loại khác, thủy tinh, sỏi đá, cát; (4) Sản xuất viên nhiên liệu đốt thay thế; (5) Chôn lấp phần trơ còn lại. Công nghệ này có ưu điểm là lượng rác thải đem đi chôn lấp thấp, chỉ dưới 10%; hiệu quả thu hồi cao, sản xuất được nhiên liệu đốt thay thế là nguồn nguyên liệu của tương lai. Ngoài ra, rác đã được làm khô nên quá trình cơ học thuận lợi, tự động hóa cao, ít phát sinh mùi. Đặc biệt, nhà máy cũng có được lợi ích, nguồn thu chính từ kim loại, vật liệu đốt thay thế và một số nguyên liệu tái chế khác. Về chi phí hoạt động, công nghệ MBT có chi phí thấp hơn so với phương pháp đốt và ít gây ô nhiễm môi trường.