Tốc độ đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số nhanh trong khi hạ tầng đô thị không đáp ứng kịp đã khiến chất lượng môi trường sống ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Điều này tác động lớn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những bước chuyển biến tích cực, nhận thức bảo vệ môi trường cũng được nâng lên đáng kể. Mức độ ô nhiễm, suy thoái về chất lượng môi trường có phần được hạn chế. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo UBND TP.HCM trao giải cho các đơn vị nhận giải thưởng DN Xanh 2012.
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Tại TP.HCM, chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường được xem là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách từ nay đến năm 2015. Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp (DN) có vai trò hết sức quan trọng. Việc giảm thiểu nguồn thải từ mỗi DN góp phần rất lớn trong việc chặn đứng nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.
Lễ trao giải thưởng DN Xanh lần III - 2012 vừa diễn ra tại Nhà hát lớn thành phố. Giải thưởng do UBND TP.HCM chủ trì, Sở TN&MT TP.HCM, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng các sở, hiệp hội khác tổ chức. Mục đích nhằm xác lập, chứng nhận nhãn hiệu xanh, biểu dương, tôn vinh những DN tiêu biểu, có ý thức và hoạt động hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, tôn vinh, lựa chọn các đơn vị đoạt giải để nhân rộng mô hình sản xuất trong khu vực và toàn quốc. Trải qua quá trình xét chọn, 50 DN đã được vinh danh tại buổi lễ. Đại diện ban tổ chức cho biết “Giải thưởng được triển khai từ năm 2006 và cho đến nay đã có hàng trăm DN được chứng nhận DN Xanh. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2012 một lần nữa chúng ta tiếp tục tôn vinh những DN đã và đang thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ môi trường sống xanh, sạch cho cộng đồng”.
Biểu dương những DN điển hình
Kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng khiến việc kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị cố gắng thực hiện tốt trách nhiệm của mình với cộng đồng. Họ tập trung vào việc xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất; có cán bộ phụ trách về môi trường; đảm bảo cảnh quan sạch và xanh; nghiên cứu, triển khai công nghệ tiên tiến; áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn… Đây là thành quả rất đáng trân trọng. Đơn cử như dự án lò hơi đốt bằng Biomass của Unilever Việt Nam. Biomass là sản phẩm sinh khối được nén lại thành viên và tận dụng để đốt thay vì vứt đi. Lợi ích dự án mang lại không những giảm thiểu ảnh hưởng về môi trường mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất. Với hệ thống này, mỗi năm công ty giảm được 276 tấn CO2, 511 kg khí SO2 thải ra môi trường.
Một điển hình khác, Công ty Colgate-Palmolive Việt Nam thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường. Ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn loại B, công ty còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ ngay tại dây chuyền sản xuất để công nhân phân biệt giữa chất thải tái sử dụng và chất thải cần thu gom. Từ đó giảm chi phí xử lý chất thải cuối nguồn. Ngoài ra, công ty còn thiết kế lại hệ thống đèn, tận dụng ánh sáng mặt trời cho hệ thống nhà kho, lắp đặt hệ thống làm mát bằng hơi nước, giảm nguồn nước sử dụng, giảm khối lượng nước thải phải xử lý.
Trường hợp khác, Nhà máy sữa Sài Gòn (thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk) đầu tư hệ thống nước thải, công nghệ tiên tiến. Vấn đề công ty chú trọng hiện nay là kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào chặt chẽ để có sản phẩm xanh, sạch và an toàn. Nguồn sữa tươi cũng phải trải qua các khâu để loại bỏ các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Các mẫu sữa được kiểm tra toàn diện, dựa trên các chỉ tiêu cảm quan, hóa lý, vi sinh, đồng thời được lưu mẫu kiểm tra trong suốt tuổi thọ sản phẩm.
NGỌC CHÂU
(Theo Pháp luật)