Ngày 11/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Tái chế chất thải tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Quỹ Hanns Seidel Foundation tổ chức.
Ông Nguyễn Thành Lam, Cục Quản lý Chất thải và Cải thiện Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Hoạt động tái sử dụng và tái chế chất thải mới được triển khai tại Việt Nam, bước đầu đã có nhiều cố gắng nhằm tạo ra được những cơ sở pháp lý ban đầu cho việc hoạch định chính sách và thực thi chính sách. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã xác định quản lý chất thải là một trong những vấn đề trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường, trong đó các giải pháp 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) như phân loại tại nguồn, tái chế chất thải đóng vai trò then chốt.
Hiện nay đã có một số tỉnh, thành phố được đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt để chế biến phân bón compost. Một số tỉnh khác cũng đã bắt đầu triển khai các dự án xây dựng các nhà máy chế biến phân bón từ rác thải rắn sinh hoạt. Các nhà máy này đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc tái chế và giảm thiểu chất thải rắn phải đem chôn lấp tại các tỉnh: giảm diện tích chôn lấp, nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường.
Cho đến nay, vẫn chưa thống kê được lượng chất thải rắn tái chế tại Việt Nam. Hoạt động tái chế tại Việt Nam hiện nay còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở tái chế đa số ở quy mô vừa và nhỏ, đa phần là các hộ sản xuất cá thể tại các làng nghề với công nghệ và dây chuyền sản xuất tái chế lạc hậu, trang thiết bị thô sơ, thủ công. Trong khi đó, các quy định về thông tin, giáo dục, nâng cao nhận thức về tái chế chất thải rắn chủ yếu vẫn nằm trong các nội dung về bảo vệ môi trường mà chưa có những chính sách chuyên biệt riêng hỗ trợ cho hoạt động tái chế.
Chính vì vậy chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 nhấn mạnh chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ dân; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường.
Lý Thanh Hương
(Theo Bộ TNMT)