Ông Lau Yew Hoong, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Môi trường quốc gia Singapore cho biết, một trong những yếu tố giúp Singapore sạch đẹp được như ngày hôm nay đó chính là trao quyền hành động bảo vệ môi trường cho cộng đồng. Theo đó, người dân sẽ làm việc một cách độc lập, còn chính quyền chỉ hỗ trợ, hướng dẫn và đối thoại cùng cộng đồng. Để phát huy được tính độc lập của người dân, cần phải trao quyền hợp pháp cho cộng đồng để khởi động các dự án; thúc đẩy quyền làm chủ dự án. Song song đó, cung cấp thông tin cần thiết cũng như công bố giải pháp thu nhận sáng kiến từ cộng đồng và nhất là phải có chính sách khen thưởng cho việc triển khai dự án của cộng đồng thành công.
 |
Người dân Bến Ghe, phường 2, quận Bình Thạnh dọn rác bỏ vào sọt để xe thu gom rác mang đi xử lý, góp phần bảo vệ môi trường.
|
Trên thực tế, giải pháp này đã và đang được thử nghiệm khá thành công tại các xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), phường 2 (quận Bình Thạnh), phường Hiệp Tân (quận Tân Phú), xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh)… của TPHCM. Bà Phạm Hoàng Thủy Nguyên, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh chia sẻ, khu vực Bến Ghe phường 2 quận Bình Thạnh là nơi lên hàng của các ghe chở trái cây từ các tỉnh thành khác về bán cho những người bán lẻ tại TPHCM. Người dân sinh sống ở đây hoặc khách vãng lai mua bán thường xuyên xả rác xuống bến ghe và ven rạch cầu Bông. UBND phường 2 đã nhiều lần tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động và tổng vệ sinh, vớt rác trên rạch nhưng rất khó cải thiện.
Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã vận động cộng đồng dân cư tại đây thành lập tổ tự quản môi trường Bến Ghe. Tổ tự quản là cầu nối giữa người dân với chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng để chủ động huy động sức mạnh tổng hợp của toàn thể cộng đồng nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực. Sau khi tổ tự quản được thành lập, họ đã chủ động sắp xếp lịch tổng vệ sinh khu vực. Mặt khác, tổ phối hợp với Công ty Công ích quận khảo sát, chọn địa điểm tập kết rác tại bến trước, bến sau và xác định số tiền thu gom rác hàng tháng. Sau đó, một mặt tổ tự quản tổ chức họp thống nhất với người dân về số tiền thu gom rác hàng tháng. Mặt khác, vận động từng hộ dân cam kết để rác đúng nơi quy định. Hiện tình trạng xả rác gây ô nhiễm môi trường tại Bến Ghe gần như không còn nữa.
Đồng thuận với cách làm trên, bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 13, quận 5 khẳng định, để cải thiện chất lượng môi trường khu dân cư và hệ thống kênh rạch, vai trò của cộng đồng là rất quan trọng. Thực tế việc cải tạo kênh Hàng Bàng quận 5 là một điển hình. Chính cộng đồng là lực lượng chính tham gia hoạt động quét dọn, hốt rác dọc bờ kênh và lòng kênh; phối hợp giữa ban công tác mặt trận với các đoàn thể khu phố xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường tại từng khu vực; tham gia giám sát, phát hiện những đối tượng cố tình có hành vi vi phạm môi trường nhiều lần. Từ đó, đưa vào buổi sinh hoạt tổ dân phố để kiểm điểm, nhắc nhở. Cách làm này không những góp phần nâng cao nhận thức của chính cộng đồng mà còn góp phần ngăn chặn được những hành vi gây mất mỹ quan đô thị trong cộng đồng.
TS Trần Thị Mỹ Diệu, Trường Đại học Văn Lang TPHCM cho biết, phương pháp huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia trong nhiều lĩnh vực như quản lý nguồn nước, vệ sinh môi trường đô thị, đánh giá tác động môi trường… đã được áp dụng từ thập niên 70 tại nhiều nước trên thế giới và phát huy hiệu quả rất tốt. Đây là phương pháp lấy cộng đồng làm trọng tâm trong việc quản lý môi trường, bằng cách tiếp cận với người dân và các thành phần liên quan qua các buổi họp, thảo luận cộng đồng. Theo đó, những ý kiến đóng góp của người dân sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương đưa ra các tiêu chí về bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình phát triển của từng địa phương và tạo được đồng thuận trong thực hiện của đa số cộng đồng.
Kết quả cuộc khảo sát lấy ý kiến cộng đồng trong việc cùng tham gia bảo vệ môi trường do Trung tâm ETM phối hợp với Khoa Công nghệ và quản lý môi trường Trường Đại học Văn Lang vừa thực hiện đầu năm 2012 cho thấy, đa số người dân đánh giá cao chương trình tham vấn cộng đồng và sẵn sàng tham gia cùng chính quyền địa phương cải thiện chất lượng môi trường. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Ngụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hiệp Tân quận Tân Phú, để nâng cao hiệu quả từ việc tham gia của cộng đồng, về phía người dân cho rằng cần có nhiều đợt tập huấn kiến thức và phải tổ chức thường xuyên, định kỳ; tài liệu tập huấn phải có minh hoạt rõ; đưa chương trình tập huấn vào các trường học, nhất là cấp tiểu học. Đặc biệt là phải duy trì và phát huy tổ tự quản về môi trường trong khu phố.
TS Trần Thị Mỹ Diệu nhấn mạnh, ngoài ra cũng cần có thêm các biện pháp chế tài. Cụ thể, cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi xả rác xuống kênh rạch, bỏ rác không đúng quy định; có văn bản quy định tổ chức, cá nhân được quyền xử phạt, hình thức và mức độ xử phạt; có cơ chế cụ thể để có thể bắt quả tang hành vi xả rác làm cơ sở chuyển cho đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử phạt; thông báo rộng rãi mức phạt cho cộng đồng… Có như vậy mới sớm cải thiện thực trạng xả rác, nước thải bừa bãi, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống hiện nay.