Chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải
Thành phần của các loại bùn này rất khác nhau, bùn thải từ mạng lưới thoát nước và bùn nạo vét kênh rạch chứa chủ yếu là cát và đất (70 - 90 % trọng lượng khô), trong khi bùn thải từ các trạm/nhà máy xử lý nước thải và từ bể tự hoại chứa chủ yếu là các chất hữu cơ (55 - 80% trọng lượng khô). Tất cả các loại bùn trên (trừ bùn thải từ các trạm xử lý nước thải công nghiệp nguy hại) có nồng độ chất độc hại thấp hơn ngưỡng cho phép. Khối lượng bùn tổng cộng khoảng 3.000 - 4.000m³/ngày (tương đương 5.000 - 6.000 tấn/ngày), không kể lượng bùn thải sinh ra từ các nhà máy xử lý nước cấp (được thu gom và xử lý riêng).
Hiện nay TP mới chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải đô thị (hỗn hợp của các loại nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải nhà hàng khách sạn, nước thải các cơ sở y tế,… kể cả nước mưa giai đoạn đầu) tập trung (Bình Hưng Hòa công suất 30.000m³/ngày đêm và Bình Hưng công suất 141.000m³/ngày đêm). Theo quy hoạch, trong tương lai gần, TP sẽ có thêm 7 - 9 nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các lưu vực khác nhau với công suất mỗi nhà máy xử lý dao động từ 100.000m³/ngày đêm đến 500.000m³/ngày đêm. Hai nhà máy xử lý trên đều áp dụng quá trình sinh học bùn hoạt tính hiếu khí (Bình Hưng Hòa - hệ thống hồ sinh học hiếu khí; Bình Hưng - bùn hoạt tính hiếu khí tăng trưởng lơ lửng) nên lượng bùn sinh ra khá lớn (Bình Hưng 30 - 40 tấn (trọng lượng ướt)/ngày). Hai nhà máy có lắp đặt các thiết bị làm khô bùn (giảm độ ẩm đến 30 - 40%). Hàm lượng chất hữu cơ (VS) của bùn chiếm 55 - 80% trọng lượng khô và thường có nồng độ các chất độc hại thấp hơn nhiều ngưỡng cho phép.
TPHCM còn có hàng ngàn trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu dân cư mới, chung cư các loại, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, các cơ sở y tế (bệnh viện, trạm y tế, phòng khám…) với công suất từ vài m³/ngđ đến vài trăm (ngàn) m3/ngày đêm. Tuy nhiên hầu hết các trạm xử lý đều không có thiết bị làm khô bùn (bùn nguyên thủy có độ ẩm từ 96 - 98%).
Thiếu tiền... xử lý bùn
Hiện nay, chỉ có bùn thải từ hoạt động nạo vét cống rãnh, kênh rạch và bùn bể tự hoại được vận chuyển bằng xe chuyên dụng và xà lan (bùn nạo vét kênh rạch).
Sở Tài nguyên và Môi trường đang kêu gọi đầu tư từ các nguồn tài chính khác nhau với mục tiêu xã hội hóa hoạt động xử lý bùn. Phương án đầu tư thích hợp nhất là BOO (Build - Operation - Own = Xây dựng - Vận hành - Sở hữu) và thành phố sẽ trả chi phí xử lý (vốn đầu tư và chi phí vận hành) cho chủ đầu tư với các loại bùn thải từ các công trình công cộng. Chi phí xử lý các loại bùn khác do chủ nguồn thải chi trả theo nguyên tắc “người hưởng dịch vụ phải trả tiền cung cấp dịch vụ”.
|
Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM và công ty TNHH MTV dịch vụ công ích các quận huyện chịu trách nhiệm thu gom và vận chuyển bùn cống rãnh. Trước đây toàn bộ lượng bùn thải từ hệ thống thoát nước được vận chuyển và đổ lên bãi chôn lấp Đông Thạnh (quận 12). Từ nhiều năm nay (sau khi bãi chôn lấp Đông Thạnh đóng bãi) lượng bùn thải này không có chỗ đổ xác định. Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh được UBNDTP giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án đầu tư “Xây dựng trạm tiếp nhận, chế biến và xử lý bùn Đa Phước, công suất: 3.000m³/ngày đêm” rộng 42,05ha tại Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh) từ nhiều năm trước đây (2008). Báo cáo dự án đầu tư đã hoàn thành và chuyển sang Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét từ năm 2009, nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan và công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị vẫn chưa tìm được nguồn vốn đầu tư.
Bùn thải từ các trạm/nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt/đô thị tập trung sau khi tách nước (làm khô) được vận chuyển đến các bãi chôn lấp vệ sinh/các địa điểm “không xác định” hoặc được xử lý bằng phương pháp sinh học hiếu khí, sản phẩm được sử dụng để chế biến phân hữu cơ. Tuy nhiên công nghệ chế biến phân hữu cơ của Nhật Bản áp dụng tại nhà máy Bình Hưng chưa hoàn thiện, gây mùi hôi thối nặng nề đến môi trường xung quanh. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất phương án xử lý kết hợp với thành phần hữu cơ trong chất thải rắn sinh hoạt/đô thị của thành phố nhằm sản xuất compost.
Bùn thải từ các hệ thống thoát nước công nghiệp do công ty đầu tư và kinh doanh khu công nghiệp hoặc các chủ nhà máy/cơ sở sản xuất ký hợp đồng với các công ty có chức năng xử lý thu gom, vận chuyển và xử lý. Bùn thải nguy hại được xử lý bằng phương pháp đốt kết hợp hóa rắn tro sau đốt.
Một vấn đề lớn (nếu không nói là lớn nhất) hiện nay là TPHCM không dự trù bất cứ khoản kinh phí nào để xử lý các bùn thải phát sinh từ dịnh vụ công (bùn thải từ hệ thống thoát nước và bùn thải hoạt động nạo vét kênh rạch). Vì vậy, bùn thải các loại trên thường “đổ xá” để có chi phí thấp nhất mà không xử lý. Ước tính, chi phí xử lý các loại bùn trên khoảng 300.000 đồng/tấn và trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm.
|
Bùn hầm cầu được thu gom và vận chuyển bằng xe chuyên dụng (150 - 164 xe) có tải trọng 3 - 5 tấn/xe (dung tích 3 - 5m³). Hiện nay toàn bộ lượng bùn hầm cầu thu gom được đều xử lý bằng phương pháp cơ học kết hợp sinh học hiếu khí (tự nhiên) và sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ tại nhà máy xử lý bùn Hòa Bình, Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh). Bùn thải từ các nhà máy xử lý nước cấp hoặc đang xả trực tiếp vào nguồn nước (nhà máy xử lý nước Thủ Đức) hoặc đang lưu giữ trong các hồ chứa để xử lý (các nhà máy xử lý nước còn lại). Sau khi lưu giữ trong các hồ chứa để tách nước, bùn thải được chở đến các địa điểm đổ “không xác định”. Bùn thải từ các công trường xây dựng được các công ty xây dựng chuyên chở và đổ bỏ ở bãi chôn lấp Đông Thạnh (trước đây - 2007) và các địa điểm “không xác định” (hiện nay). Như vậy, trừ bùn hầm cầu được xử lý và sử dụng làm phân bón 100%, các loại bùn khác chỉ được xử lý sơ bộ hoặc không xử lý và đổ trực tiếp vào các bãi chôn lấp hoặc các địa điểm “không xác định” với tỷ lệ tái chế rất thấp.
NGUYỄN TRUNG VIỆT
Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM
 |
Xử lý bùn nạo vét dưới các kênh tại TPHCM tốn kinh phí lớn. Ảnh: DIỄM THY
|