Chương trình Nghị sự thế kỷ 21 đã nhận thức rằng cần một cách tiếp cận mới để ngăn ngừa ô nhiễm công nghiệp: “Một sự thừa nhận đang tăng lên rằng các họat động sản xuất, công nghệ và quản lý sử dụng tài nguyên một cách không hiệu quả hình thành nên các chất thải không được tái sử dụng, thải chất thải có những tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường và sản xuất ra các sản phẩm mà khi sử dụng lại gây ra thêm các tác động và khó tái chế. Các họat động này cần được thay thế bằng công nghệ, kỹ thuật tốt, các thực hành quản lý và bí quyết giúp giảm thiểu chất thả iliên thông trong suốt tòan bộ quy trình sản phẩm. Khái niệm Sản xuất sạch hơn-SXSH (cleaner production) gợi ý phấn đấu cho hiệu quả tối ưu ở từng giai đọan của chu trình sản phẩm. Kết quả nhận được sẽ cải thiện sự cạnh tranh tòan diện của doanh nghiệp…Chính quyền, nhà kinh doanh và nhà máy, bao gồm sự hợp tác ngòai phạm vi quốc gia, nên đặt mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, bao gồm tăng cường họat động tái sử dụng và tái chế chất thải, và giảm số lượng chất thải thải ra trên đơn vị đầu ra kinh tế (unit of economic output)”.[1]
Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme) định nghĩa SXSH như là một sự áp dụng liên tục một chiến lược môi trường ngăn ngừa tổng hợp vào các quy trình, sản phẩm và các dịch vụ để tăng hiệu quả tổng thể và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.
Nói một cách đơn giản, SXSH có thể hiểu như là một cách tiếp cận mới để giảm hoặc hạn chế xả hoặc phát thải vào môi trường, bao gồm tất các các chất ô nhiễm, độc hại hoặc không độc hại, có quy định và không có quy định, liên thông tất cả môi trường và từ tất cả môi trường, và từ tất cả các nguồn. SXSH có thể đạt được bằng cách giảm sản sinh chất thải tại nguồn (giảm tại nguồn) hoặc tái sử dụng chất thải.
Trên thực tế, việc triển khai và áp dụng SXSH không dễ dàng do những thông tin không chính xác khi nói về SXSH. Các doanh nghiệp thường viện dẫn lý do đây là công việc có tiềm năng hạn chế, hoặc cần công nghệ phức tạp và tính chuyên nghiệp; cần nhân lực được đào tạo và có kỹ năng; cần nguồn tài chính lớn; phải dừng họat động sản xuất dài ngày hoặc cần mặt bằng. Đôi khi đó lại là sự e ngại về việc có thể gia tăng chi phí sản xuất; cần tự động hóa tòan bộ dây chuyền sản xuất hoặc chỉ những công ty, tập đòan lớn như Bayer, Dupont.. mới cần áp dụng.
Nhờ sự hỗ trợ về tài chính của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển –SIDA (Swedish International Development Agency) và hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc-UNIDO (United Nations Industrial Development Organization), TP.HCM đã tiếp cận với SXSH từ năm 1996 thông qua việc triển khai dự án “Giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp tại TP.HCM” qua 3 giai đọan và kết thúc vào cuối năm 2004.
SXSH thực sự đem lại hiệu quả rất lớn cho các doanh nghiệp tham gia trong dự án, xét về cả khía cạnh kinh tế, quản lý và môi trường. Doanh nghiệp áp dụng SXSH giúp cho nhà nước giảm gánh nặng về quản lý môi trường, cải thiện môi trường lao động, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường gây ra cho họat động sản xuất. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia về SXSH của UNIDO và khảo sát thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh, hơn 50% chất thải có thể tránh được bằng các biện pháp quản lý đơn giản và các thay đổi nhỏ trong quy trình sản xuất, và hơn 65% rào cản để áp dụng SXSH lại liên quan đến động cơ và thái độ hợp tác của lãnh đạo, nhân viên trong nhà máy!
Tuy nhiên, hiện nay họat động SXSH vẫn chưa phát triển mạnh mẽ như mong đợi của các nhà quản lý cũng như các chuyên viên tư vấn. Để thúc đẩy họat động SXSH, tham luận này xin mạn phép đề xuất một số ý kiến như sau:
(1) Chính sách khuyến khích và hỗ trợ họat động SXSH cần sớm ban hành.
SXSH không còn xa lạ đối với một bộ phận doanh nghiệp, nhà quản lý. Tuy nhiên, để họat động này phát triển nhanh chóng, việc sớm ra đời một chính sách khuyến khích và hổ trợ là cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ và đồng thuận trong việc triển khai và áp dụng SXSH trong xã hội và cho thấy sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố đối với họat động này.
Chính sách này nhất thiết phải có ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tại TP. HCM, đặc biệt là các doanh nghiệp đã được đào tạo cơ bản về SXSH hoặc có tham gia dự án SXSH, áp dụng liên tục các giải pháp SXSH và thu lợi từ SXSH.
Cần có sự phổ biến rộng rãi chính sách này trên các phương tiện truyền thông (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, …) nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng và dễ dàng thúc đẩy phát triển về họat động này hơn.
(2) Cần giảm thuế doanh thu cho các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp SXSH đang trong thời gian hòan vốn; mức thuế giảm có thể từ 1-3% hoặc tương ứng với mức lãi suất doanh nghiệp phải trả cho khỏan vay vốn đầu tư để áp dụng giải pháp SXSH đó.
(3) Các dự án trình diễn về SXSH cần mở rộng đến tất cả các ngành nghề. Số lượng doanh nghiệp làm trình diển không nhất thiết phải nhiều, nhưng kết quả phải thuyết phục và dễ áp dụng, dể nhân rộng.
(4) Kết quả thực hiện SXSH cần được tổng kết, tổ chức hội thảo báo cáo tại doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hội báo chí. Nên có báo cáo điển hình, tổ chức tham quan tại các doanh nghiệp áp dụng thành công SXSH cho các đại biểu tham dự hội thảo.
(5) Tổ chức hội thảo, hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện SXSH ít nhất 1 lần/năm. Cần có sự tham dự của lãnh đạo UBND thành phố để nắm thông tin và ra các chỉ thị kịp thời hoặc điều chỉnh chính sách SXSH cho phù hợp theo các nội dung đề xuất, góp ý trong hội thảo.
(6) Đào tạo chuyên gia SXSH cho nhiều ngành nghề khác nhau. Cần phát triển lực lượng chuyên gia từ các kỹ sư, cử nhân mới ra trường. Hiện nay lực lượng chuyên gia tư vấn SXSH của TP. HCM còn quá mỏng và kiêm nhiệm, hoặc quá bận rộn để có thể làm tòan thời gian cho công tác này. Từ khi họat động SXSH được đưa vào triển khai tại TP. HCM đến nay thông qua Sở KH,CN & MT (nay là Sở TN-MT), hoặc các dự án khác thông qua các tổ chức quốc tế, văn phòng tư vấn tư nhân, các Viện nghiên cứu, trường đại học, sô lượng các chuyên gia SXSH của thành phố tăng không đáng kể, chưa có sự thống kê đầy đủ hoặc tập hợp chính thức trên tòan địa bàn thành phố. Lực lượng này cần tập hợp lại, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đồng thời phát huy năng lực của họ đế phát triển đội ngũ kế thừa.
(7) Tổ chức đào tạo và phát triển họat động SXSH cho đối tượng là nhà cung cấp thiết bị và nguyên vật liệu trong lãnh vực công nghiệp, đặc biệt là các thiết bị điện, lạnh, hóa chất, nguyên vật liệu.
Áp dụng SXSH cũng tạo nên một động lực thúc đẩy để các nhà sản xuất và cung cấp thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu sản xuất nghiên cứu cải tiến sản phẩm của mình để cung cấp các sản phẩm tốt hơn và hiệu quả hơn cho các khách hàng của mình.
Trên đây là một số ý kiến tham luận nhằm đóng góp vào việc thúc đẩy họat động SXSH tại TP.HCM. Hy vọng một ngày không xa, SXSH sẽ đem đến những lợi ích thiết thực và hiệu quả cho tất cả các doanh nghiệp của TP. HCM.
[1] Báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển. Phần 30.1-30.30, Strengthening the role of business and industry. United Nations, 1992.
Thạc sĩ Đỗ Hòang Oanh
Phó trưởng phòng Kế họach-Tổng hợp
Sở Tài nguyên và Môi trường