 |
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
|
Sáng 27/9, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ cấp sổ đỏ” với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển vàđại diện Tổng cục Quản lý đất đai cùng đại diện lãnh đạomột số địa phương. Đã có rất nhiều câu hỏi của người dân quan tâm đến vấn đề này được gửi tới. Sau đây, PV BáoTN&MT xin tổng hợp một số những nội dung trao đổi gây được sự chú ý cho nhiều tầng lớp nhân dân.
PV: Thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xin ông cho biết đến nay, Bộ TN&MT, các Bộ ngành và địa phương đã triển khai thực hiện đến đâu và kết quả đạt được như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển:Thực hiện Nghị quyết 30, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị 1474 và Chỉ thị 05 định hướng, đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị quyết 30 (NQ). Cùng với đó, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT đã có thư gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy 63 tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết 30.
Bộ TN&MT đã cùng với các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các địa phương và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, Bộ đã kiểm tra, đôn đốc các địa phương, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp đến các địa phương chậm tiến độ hay còn gặp vướng mắc để chỉ đạo giải quyết. Mặt khác, Bộ thường xuyên giao ban với các tỉnh có số lượng tồn đọng còn nhiều (22 tỉnh), tổ chức giao ban 3 tháng, 6 tháng/ lần, trên cơ sở đó giải quyết vướng mắc đồng thời đôn đốc địa phương đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Cùng với đó là tuyên truyền, phổ biến chủ trương để người dân, cán bộ thực hiện tốt Nghị quyết. Mặt khác, Bộ TN&MT đã phối hợp Bộ Tài chính trình Thủ tướng xem xét bổ sung kinh phí cho việc đo đạc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời bổ sung nguồn nhân lực để đáp ứng thực hiện Nghị quyết này.
Các địa phương đã coi công tác này như một nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2013, các tỉnh, địa phương đã có Chỉ thị, thành lập Ban chỉ đạo, nhóm công tác thực hiện Nghị quyết 30. Đặc biệt các địa phương bám sát Chỉ thị 1474 và 05 về việc xác định khối lượng Giấy Chứng nhận còn tồn đọng, trên cơ sở đó phân bổ chỉ tiêu cho từng quận, huyện. Chúng tôi cũng rà soát lại hệ thống văn bản, pháp luật liên quan đến đất đai , tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc mà các văn bản pháp luật đã ban hành trước chưa giải quyết được rốt ráo vấn đề. Các địa phương trích một phần kinh phí để bổ sung nguồn nhân lực, trang thiết bị.
Với sự cố gắng của Trung ương, địa phương, kết quả đạt được theo tinh thần Nghị quyết 30 là tương đối tích cực. Chúng ta đã cấp được 36,5 triệu Giấy Chứng nhận với tổng diện tích 20,36 triệu ha, đạt 84,1% diện tích cần cấp Giấy Chứng nhận của cả nước. Về đất ở đô thị, tỷ lệ cấp đạt 81,1%; còn 29 tỉnh đạt dưới 85%. Về đất ở nông thôn: đã cấp đạt 85,5%; còn 27 tỉnh đạt dưới 85%.
PV: Từ nay đến cuối năm, để cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy Chứng nhận lần đầu theo yêu cầu Nghị quyết số 30/2012/QH13, xin ông cho biết trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội, khi thời điểm phải hoàn thành chỉ tiêu đã rất cận kề?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Trước hết, đây là công việc quan trọng, khó khăn. Vì những trường hợp còn lại hiện nay là hết sức phức tạp cả về nguồn gốc sử dụng đất, không có giấy tờ, một số trường hợp người sử dụng đất vi phạm, chủ đầu tư cũng vi phạm. Phải có sự quyết tâm cao và chỉ đạo quyết liệt mới hoàn thành chỉ tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, đây nhiệm vụ cần thực hiện đảm bảo quyền sử dụng đất và giúp Nhà nước quản lý đất đai có hiệu quả, vì vậy, phải thực hiện bằng được mục tiêu này.
Trong Chỉ thị của Thủ tướng ghi rõ địa phương nào không hoàn thành thì phải xem xét, bình xét trong việc bình xét thi đua hàng năm. Địa phương nào không hoàn thành phải báo cáo giải trình với Thủ tướng, ngay cả Bộ TN&MT nếu chỉ đạo không quyết liệt, không hoàn thành nhiệm vụ thì lãnh đạo Bộ cũng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Song quan trọng hơn, chúng ta phải thấy được trách nhiệm của từng cá nhân, vị trí cụ thể để quy trách nhiệm cũng như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là nhiệm vụ phức tạp, trong thời gian ngắn, số lượng tồn đọng nhiều, nguồn nhân lực có hạn nên chúng ta phải xem xét kết quả đạt được trong bối cảnh thực tế mới đánh giá đúng và quy trách nhiệm.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất của các địa phương trong việc cấp "sổ đỏ" là vấn đề kinh phí, bởi hiện nay việc bố trí kinh phí để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới chỉ đáp ứng khoảng 12% nhu cầu. Ông đánh giá sao về ý kiến này?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch: Vấn đề kinh phí đúng là ảnh hưởng đến tiến độ, tuy nhiên đó không phải nguyên nhân trực tiếp nhưng là nguyên nhân rất quan trọng ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch của các địa phương. Hai năm qua, Chính phủ và UBND các tỉnh rất quan tâm đến công tác cấp Giấy Chứng nhận, đo đạc bản đồ địa chính.
Ngày 18/3/2013, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ TN&MT, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp 1000 tỷ đồng hỗ trợ 42 tỉnh cho công tác đo đạc va cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khối lượng các tỉnh thực hiện được phần lớn trong năm 2012.Nên số tiền này thực chất để giải quyết công việc đã thực hiện từ năm trước.
Trong năm 2012-2013, việc yêu cầu địa phương dành 10% tiền thu từ sử dụng đất cho việc đo đạc, lập hồ sơ, cấp Giấy Chứng nhậncũng đang rất khó khăn. Bởi lẽ nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất suy giảm, ảnh hưởng đến nguồn kinh phí. Vấn đề này, Bộ TN&MT đã có Văn bản đề nghị Bộ Tài chính và báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo, xem xét hỗ trợ các tỉnh có khó khăn về kinh phí để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, hoàn thành kế hoạch cấp Giấy Chứng nhận lần đầu trong năm 2013.
PV: Ông có thể cho biết việc sử dụng và phân bổ số tiền 1.000 tỷ đồng cho các địa phương sẽ được thực hiện như thế nào?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Văn Lịch: Hiện nay, phần kinh phí chủ yếu dành cho các tỉnh khó khăn, không cân đối được ngân sách, chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng duyên hải miền Trung, các tỉnh có khối lượng Giấy chứng nhận chưa cấp được còn nhiều. Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ trong năm 2013, chúng tôi tiếp tục đề nghị cho 30 tỉnh đặc biệt khó khăn, có khối lượng Giấy chứng nhận còn nhiều.
PV: Được biết, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất Chính phủ ra quy định miễn nộp lệ phí trước bạ trong việc đăng ký cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?
Ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai: Thời gian qua, các địa phương tập trung rất cao cho việc chỉ đạo thực hiện cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, tiến độ tại một số địa phương còn chậm. Một trong những nguyên nhân là do việc tổ chức kê khai đăng ký còn nhiều, người dân chậm đếm làm thủ tục đăng ký cấp GiấyChứng nhận theo quy định.
Tại nhiều địa phương, còn tồn động số lượng khá lớn Giấy Chứng nhận đã ký nhưng chưa trao được cho người dân. Các địa phương phản ánh, một trong những nguyên nhân là liên quan tới thực hiện nghĩa vụ địa chính.
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các quy định liên quan đến thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất và cũng đã sửa đổi rất nhiều văn bản quy định xoay quanh vấn đề này, trong đó có vấn đề thu lệ phí trước bạ của người sử dụng đất, đã sửa đổi ban hành Nghị định 45 trong năm 2011 trong đó giảm mức thu lệ phí trước bạ từ 1% xuống 0,5% và cũng miễn thu cho nhiều đối tượng, nhất là cấp Giấy Chứng nhận đối với đất nông nghiệp, các hộ chính sách, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, mức thu hiện tại là 0,5% mà như các địa phương phản ánh, đối với bà con nông dân ở nông thôn thì thông thường phải nộp từ 3 triệu, 5 triệu, 10 triệu đồng cũng còn là cao.
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định 23 đầu năm 2013, trong đó có quy định miễn thu lệ phí trước bạ đối với các đối tượng là hộ gia đình cá nhân mà sử dụng đất ở do nhận thừa kế, nhận tặng, cho của ông bà, bố mẹ, anh em con cháu trong gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định này, một số địa phương phản ánh vẫn còn vướng mắc do sử dụng đất thường theo truyền thống cha truyền con nối mà người dân không làm thủ tục thừa kế theo quy định, cho nên quy định pháp luật đất đai, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu thì chủ yếu dựa trên cơ sở hiện trạng đang sử dụng, phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp là cấp giấy chứng nhận. Cho nên, việc xác định trường hợp nhận thừa kế, nhận tặng, cho khi làm thủ tục cấp giấy lần đầu khó thực hiện. Xuất phát từ thực trạng này, Bộ TN&MT thời gian qua đã phối hợp với Bộ Tài chính, trình Chính phủ phương án sửa đổiNghị định 23 này. Chính phủ đã thống nhất giao cho Bộ Tài chính cùng với Bộ TN&MT để tiến hành rà soát sửa đổi. Hướng sửa đổi là chúng tôi đề nghị quy định cụ thể, khi cấp Giấy Chứng nhận lần đầu thì những trường hợp mà hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc ông cha để lại thì cũng cho miễn lệ phí trước bạ như trường hợp được nhận thừa kế.
PV: Sau câu chuyện hàng nghìn hộ gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương xin trả lại hồ sơ và từ chối Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất do tiền sử dụng đất phải đóng quá lớn bên cạnh đó là khoản lãi phạt chậm nộp lên tới 18% năm. Xin ông cho biết đến nay Bộ đã có hướng điều chỉnh và giải quyết như thế nào đối với những trường hợp trên?.
Ông Lê Văn Lịch: Việc thực hiện Nghị định 120 của Chính phủ có vướng mắc ở vấn đề xác định thu tiền sử dụng đất của các hộ trước 15/10/1993, trong hạn mức nộp 50%, ngoài hạn mức thì nộp 100% sát giá thị trường. Hộ sử dụng sau ngày 15/10/1993 phải nộp 100% theo giá UBND tỉnh quy định đối với trong hạn mức, còn ngoài hạn mức thì phải nộp 100% theo giá thị trường. Có vướng mắc thu tiền sử dụng đất đối với hộ sử dụng đất vượt định mức và phải nộp nghĩa vụ tài chính và lệ phí trước bạ khi cấp giấy lần đầu. Vì vậy một số hộ kêu số tiền quá cao. Bộ TN&MT báo cáo Chính phủ và Bộ Tài chính và Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì để sửa đổi Nghị định 120, trong đó có quy định thu tiền sử dụng đất và chậm nộp tiền sử dụng đất sẽ xử phạt.
Theo quy định của Nghị định 120, hiện nay Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì, trình Chính phủ trong tháng tới và Bộ TN&MT được giao phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính để thực hiện công tác này.
PV: Trong khi chờ Nghị định ra đời thì những trường hợp đã được cấp sổ đỏ những không nhận thì giải quyết như thế nào?
Ông Lê Văn Lịch: Trường hợp đã cấp sổ đỏ và không có tiền nộp vào thì theo quy định có cho ghi nợ tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Trong Nghị định 45 và 23 của Chính phủ, đối tượng ghi nợ chưa được hiểu rõ và thống nhất nên các địa phương còn lúng túng. Về vấn đề này vẫn đang được xem xét và tổng hợp để báo cáo giải quyết.
PV: Về thông tin hạn chế, thủ tục phức tạp, quá trình cấp kéo dài, là một trong những lý do gây khó dễ cho người dân khi làm thủ tục xin cấp sổ đỏ. Chính vì vậy có rất nhiều người dân khi nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ đều chấp nhận “lót tay” cho trung gian vì sợ phức tạp với chi phí có thể lên đến vài chục triệu đồng/vụ. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Lê Văn Lịch: Tình trạng đã xảy ra một số nơi, đặc biệt ở thành phố. Nguyên nhân do đất đai có nguồn gốc phức tạp, bản đồ địa chính ở một số địa phương còn thiếu, và một số cán bộ thoái hóa, năng lực yếu, chưa thực hiện hết trách nhiệm công chức, gây phiền hà, tiếp tay cho cò mồi và trung gian.
Để khắc phục, Bộ TN&MT tập trung chỉ đạo các địa phương, đặc biệt các quận huyện nơi thực hiện trung tâm giao dịch hành chính 1 cửa. Công khai hóa bộ hồ sơ thủ tục và quy trình thực hiện và cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận, có thời gian giao nhận và trả. Thứ hai là tăng cường công tác thanh kiểm tra. Bộ có kế hoạch thanh tra công tác cấp Giấy Chứng nhận diện rộng triển khai ở các tỉnh và thành phố. Cuối năm sẽ có tổng hợp và báo cáo.
PV: Hiện nay một số lượng lớn sổ đỏ đang nằm trong “ngăn kéo” tại các phường, xã ở nhiều địa phương trong cả nước. Lấy ví dụ như tại thành phố Hồ Chí Minh có hơn 40 nghìn trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận hay như tại Đồng Nai hiện có 98% thửa đất trong tỉnh đã có sổ đỏ, nhưng lượng tồn kho chưa phát lên đến hơn 30 nghìn sổ. Xin ông cho biết nguyên nhân cũng như hướng giải quyết trong thời gian tới đối với những trường hợp trên?
Ông Lê Văn Lịch: Có nhiều nguyên nhân vướng mắc như lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất theo Nghị định 120 với mức thu cao hơn so với nguồn thu nhập của người dân, nên tình trạng nhiều người dân không có điều kiện nộp lệ phí trước bạ và vấn đề ghi nợ nhiều người dân chưa hiểu rõ và chưa đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Thứ 3 là có một số hộ dân thờ ơ trong việc nhận Giấy chứng nhận vì cho rằng đất vẫn ở và không có vấn đề gì. Bên cạnh đẩy mạnh tiến độ cấp Giấy chứng nhận cho người dân và sửa đổi, hoàn thiện một số cơ chế chính sách vướng mắc và nâng cao tuyên truyền nhận thức để người dân nhận giấy chứng nhận và được bảo hộ quyền sử dụng đất hợp pháp.
PV: Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, nhất là người mua nhà đất tại các dự án phát triển nhà ở; xin ông cho biết Thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện kết luận này như thế nào, kết quả đã cấp được bao nhiêu Giấy chứng nhận sau khi có kết luận này?.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa: Thông báo 327 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đối với Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành trong cả nước nói chung là điểm nhấn tháo gỡ được rất nhiều khó khăn và vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận, đặc biệt là đối với cấp Giấy chứng nhận các dự án nhà ở.
Riêng với Hà Nội, sau khi tiếp nhận Thông báo 327, chúng tôi đã tổ chức giao ban ngay với các quận huyên để triển khai thực hiện thông báo.
Thứ hai, tinh thần của Thông báo là yêu cầu 2 việc, đồng thời với tổ chức cấp giấy cho các hộ dân phải tổ chức thanh tra kiểm tra các chủ đầu tư của các dự án phát triển nhà ở. Từ đó có xử lý cho phù hợp. Từ đó, thành phố đã có chỉ đạo thành lập ngay đoàn liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra.
Thứ 3, chúng tôi chuẩn bị nhân lực để bố trí triển khai công tác cấp giấy ngay sau khi có Thông báo 327.
Thứ 4 là thông báo trực tiếp cho tất cả các chủ đầu tư có dự án phát triển nhà ở để họ liên hệ với Sở TNMT nộp hồ sơ thực hiện công tác kê khai cấp giấy.
Thứ 5, chúng tôi tiến hành tiếp nhận hồ sơ.
Kết quả sau 1 tháng thực hiện Thông báo 327, chúng tôi đã cấp được gần 6.000 Giấy chứng nhận, trong đó, khoảng 1.600 Giấy chứng nhận thuộc các dự án phát triển nhà ở.
PV: Số tồn đọng còn nhiều không thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Trên địa bàn Hà Nội, hiện có 223 dự án phát triển nhà ở, trong đó đã và đang triển khai tầm 70%. 223 dự án tương ứng với khoảng 220.000 căn hộ gồm cả thấp và cao tầng.
Đến nay đã bàn giao cho người mua nhà khoảng 120.000 căn hộ và cấp giấy 30.000 căn. Còn khoảng 80.000 căn chưa được thực hiện cấp giấy.
PV: Liệu 80.000 căn hộ có được cấp trong 2013 không thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Chúng tôi đang cố gắng tập trung nhân lực, vật lực, trang thiết bị… để cố gắng tập trung giải quyết trong năm 2013. Đương nhiên, ở đây có nhiều yếu tố như đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, có sự phối hợp của chủ đầu tư với cơ quan chuyên môn là ngành TNMT.
PV: Khó nhất hiện nay đối với Quảng Ninh và nhiều địa phương khác trong việc cấp sổ đỏ là các loại đất người dân sử dụng từ năm 1993 đến trước năm 2014 nhưng không nằm trong qui hoạch, theo quy định loại đất này không được cấp giấy, nhưng khi tiến hành giải phóng mặt bằng, loại đất này vẫn phải đền bù giống như đất có sổ đỏ. Vậy tỉnh Quảng Ninh có biện pháp gì để tháo gỡ vướng mắc này?
Ông Vũ Văn Đát, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh: Theo quy định của Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, người sử dụng đất từ 15/10/1993 trở về trước không phù hợp với quy hoạch vẫn được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn những trường hợp sau 15/10/1993 đến nay không phù hợp quy hoạch tại thời điểm cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được cấp Giấy chứng nhận. Đây là một trong những nội dung vướng mắc mà tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo rà soát quy hoạch. Những quy hoạch không còn hiệu lực thì báo cáo UBND tỉnh hủy bỏ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng số lượng này không nhiều.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong trường hợp này đề xuất cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Bộ đã ghi nhận nội dung này và đề xuất đưa trường hợp này trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tỉnh đã có văn bản lần 2 báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép cấp Giấy Chứng nhận quyền sử đụng đất đối với trường hợp từ 15/10/1993 đến nay, trước đây là trước thời điểm có quy hoạch nhưng đến nay không phù hợp với quy hoạch được xét duyệt thì vẫn được cấp giấy và giao dịch nhưng với điều kiện người dân không được tự ý xây dựng, sửa chữa nhà.
Giang Trường (tổng hợp)