Ngày 23/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành. Tuy nhiên, một số nội dung trong Dự thảo Luật như cơ chế giao, thu hồi đất; cơ chế đền bù... vẫn chưa được làm rõ. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ mức giá chênh lệch tối đa không quá cao giữa các loại đất sử dụng. Vì hiện nay ở một số nơi giá đất nông nghiệp và giá đất ở (đất thổ cư) chênh lệch cao, nên khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư để xây dựng nhà ở thì người dân không đủ khả năng để chuyển mục đích sử dụng, từ đó xảy ra tình trạng nhiều người dân xây dựng nhà trái phép (xây nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển sang đất thổ cư).
Về cơ chế giá đền bù đất, hiện vấn đề thu hồi đất có 2 dạng: Phục vụ lợi ích quốc gia và giao các doanh nghiệp. Đối với trường hợp đền bù để giao đất cho doanh nghiệp thì phải có thỏa thuận về giá, nếu phục vụ lợi ích quốc gia thì áp dụng theo khung giá của Nhà nước. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa thực sự chú ý đến cuộc sống, sinh kế của người dân sau tái định cư. Thực tế, khi người dân thay đổi chỗ ở là kéo theo những đảo lộn về cuộc sống, nếp sinh hoạt, văn hóa, phong tục, tập quán. Do đó, quy định về bồi thường cần chú ý hơn đến những khía cạnh này, đồng thời bổ sung nguyên tắc : Trước khi thu hồi đất, phải lập phương án tái định cư rõ ràng để tránh những vướng mắc trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Công Phong