|
 |
Sử dụng nguồn kinh phí hợp lý giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường |
|
Việt Nam đã và đang dành nguồn chi thường xuyên cho hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do là nguồn chi thường xuyên, dựa vào Nhà nước nên kinh phí từ nguồn này không thể bố trí để đầu tư giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc ngày một gia tăng.
Chi không đúng, ô nhiễm là đương nhiên
Chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường hàng năm đã đạt 1% tổng chi ngân sách Nhà nước nhưng còn dàn trải. Tại một số địa phương, việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả. Tỷ lệ đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường từ các nguồn thu liên quan đến môi trường còn thấp.
Trong khi đó, môi trường đất, không khí, nguồn nước ở nhiều nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, một số nơi còn ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và những tác động tiêu cực khác. Việt Nam hiện có khoảng 7,5 triệu ha đất đã và đang chịu tác động mạnh bởi sa mạc hóa; 30.000 ha bị nhiễm mặn, phèn; 300.000 ha đất khô hạn theo mùa hoặc cả năm. Các nguồn gây ô nhiễm gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu lên môi trường.
Cả nước có 289 khu công nghiệp trong đó có 179 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút gần 5.000 dự án đầu tư. Tuy nhiên, chỉ có 143 khu công nghiệp đã vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT), trong đó chỉ có 84 khu công nghiệp đã hoàn thành việc đấu nối nước thải từ tất cả các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp vào HTXLNTTT, chiếm tỷ lệ 59%.
Rất nhiều khu công nghiệp đã lấp đầy 70-100% nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng HTXLNTTT, kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng các vùng xung quanh. Tại một số khu công nghiệp cũng có các cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động trước khi hoàn thiện HTXLNTTT. Các cơ sở này đã có công trình xử lý nước thải riêng nên không muốn đấu nối nước thải vào HTXLNTTT của khu công nghiệp.
Tăng nhưng… vẫn thấp
Từ năm 2006 đến nay, ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được bố trí thành một nguồn riêng với qui mô không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm. Nguồn chi này đã hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường ở các Bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, với mức đầu tư là hiện nay được các nhà quản lý đánh giá là quá thấp so với yêu cầu thực tế của nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Năm 2006 đạt 2.900 tỷ đồng, năm 2012 đạt 9.050 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2006-2011, vốn đầu tư phát triển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã tăng khoảng 2 lần, từ 1.429 tỷ đồng năm 2006 lên 2.954,3 tỷ đồng vào năm 2011. Bình quân trong cả giai đoạn 5 năm (2006-2011), vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường đạt khoảng 2% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước. Trong đó, nguồn vốn Trung ương bình quân đạt khoảng 19%, địa phương đạt khoảng 81%. Nhờ đó, một số Chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung bảo vệ môi trường được triển khai như nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trồng 5 triệu ha rừng, cải thiện nhà vệ sinh cho hộ nghèo. Kết quả đã giải quyết, xử lý, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương và trên phạm vi toàn quốc.
Đa dạng hóa nguồn lực tài chính
Kinh phí sự nghiệp môi trường là một bước tiến bộ và là yếu tố quan trọng giúp công tác bảo vệ môi trường có những cải thiện tích cực, nhưng việc phân bổ ngân sách còn dàn trải, phân tán là những đánh giá được các chuyên gia và nhà quản lý thống nhất cao khi nói về hiệu quả sử dụng 1% ngân sách môi trường. Làm thế nào để khoản tiền này thực sự tạo ra năng lực mới đối với công tác bảo vệ môi trường, là vấn đề nan giải?…
Theo các chuyên gia, cần hình thành cơ chế để huy động nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ tài nguyên, môi trường theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả, coi đây là giải pháp đột phá khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực tài chính đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Nhà nước cân đối, bố trí các nguồn vốn ODA, vốn tín dụng trong kế hoạch ngân sách hằng năm cho công tác xã hội hóa về môi trường, tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân tham gia vào các loại hình xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường.
Kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường bao gồm cả ưu tiên vay vốn ưu đãi, huy động tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước và huy động các nguồn lực trong xã hội
Phương Anh