Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng phát triển, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và đạt hiệu quả toàn diện cao là nhiệm vụ hàng đầu của Việt Nam trong thời kỳ phát triển sắp tới. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng xanh là mô hình phát triển mới nhằm nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống của người dân, mà còn giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi nền kinh tế xanh là nền kinh tế sử dụng tài nguyên có hiệu quả cao, có mức phát thải thấp và hướng tới công bằng xã hội.
Do đó, xanh hóa nền kinh tế không làm trở ngại đến sự tăng trưởng, trái lại đó là động lực tăng trưởng mới, tạo thêm việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo. Với những đặc điểm đó, tăng trưởng xanh là phương thức tăng trưởng phù hợp với những yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế Việt Nam.
Theo đó, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2020 nhằm thực hiện 3 mục tiêu quan trọng. Đó là tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao; nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến để sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nhất là giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống nhân dân nhờ tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống, thông qua việc xây dựng hạ tầng xanh, lối sống thân thiện với môi trường.
Một trong những nhiệm vụ chiến lược trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức phát thải khí nhà kính của nước ta năm 2000 là 150,9 triệu tấn khí CO2 tương đương, tính trên GDP là 4,84 tấn/1000 USD. Mức phát thải tính trên đầu người còn thấp so với các nước phát triển, song đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua. Từ 0,3 tấn năm 1990 tăng tới 1,3 tấn vào năm 2007. Năm 2010, các ngành chính có phát thải cao của Việt Nam bao gồm năng lượng (chiếm 66,8% tổng lượng phát thải), nông nghiệp (chiếm 38,8%) và số phát thải còn lại do quá trình công nghiệp hóa. Dự báo đến năm 2030, những lĩnh vực này phát thải tới 470,8 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực phát thải 75-80% khí CH4 và N2O.
Với chỉ tiêu trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh là giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP trong những ngành sản xuất chính từ 1-1,5% mỗi năm; giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% so với mức 2010. Trong những năm tới, các ngành chính có mức phát thải cao ở nước ta buộc phải có giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, nâng cao hiệu suất năng lượng để giảm cường độ phát thải trên đơn vị GDP; đồng thời điều chỉnh cơ cấu năng lượng theo hướng giảm tỷ trọng năng lượng hóa thạch (các bon), thúc đẩy phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Văn Hào