• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
7
9
9
0
Tin tức sự kiện 22 Tháng Ba 2019 3:40:00 CH

Tăng cường hợp tác quốc tế giải quyết thách thức trong quản lý tài nguyên nước

 

   

“TN&MT) - Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước luôn là vấn đề hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng nhu cầu sử dụng nước và ô nhiễm nguồn nước ngày càng diễn ra phức tạp như hiện nay. Nhân sự kiện Ngày Nước thế giới năm 2019 với chủ đề "Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” (Water for all – Leaving no one behind), Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về chủ đề này và công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước mà Cục đang triển khai nhằm giải quyết các thách thức về tài nguyên nước Việt Nam.

02Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) Châu Trần Vĩnh trao đổi với phóng viên báo chí về chủ đề này và công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước mà Cục đang triển khai nhằm giải quyết các thách thức về tài nguyên nước Việt Nam

Phóng viên: Ngày nước 22 tháng 3 năm 2019 hướng tới cuộc khủng hoảng nước bằng cách giải quyết những lý do tại sao rất nhiều người chưa được sử dụng nước sạch. Quan điểm của ông về chủ đề như thế này?
Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14/6/1992, LHQ đã ra nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới, và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993. Mỗi năm, Liên Hợp Quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Nước thế giới để phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp trái đất để thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Nước là một phần thiết yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng liên quan đến nguồn nước trên phạm vi toàn cầu mà nguyên nhân chính là do suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Theo thống kê hiện trạng sử dụng nước hiện nay trên toàn thế giới, khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước; 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. Dự kiến, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng khoảng 2 tỷ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể lên tới 30% so với hiện nay. Việc thiếu nước sạch có tác động bất lợi đến các nhóm cộng động dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nan, người bản địa, thiểu số, người khuyết tật và nhiều người khác… Đôi khi họ còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong khi họ cố gắng tiếp cận và quản lý nước an toàn mà họ cần.

Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm nay là “Water for all – Leaving no one behind” “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” hướng đến đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch của cộng đồng nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 về Nước sạch và vệ sinh, theo đó đảm bảo sự sẵn có, quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người. Vì thế, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng - điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.

Phóng viên: Việc tiếp cận về điều kiện vệ sinh, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng. Theo Phó Cục trưởng, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như giải quyết những thách thức về tài nguyên nước hiện nay?

Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Tại Việt Nam, để triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ngày 10 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự đến 2030 vì sự phát triển bền vững. Kế hoạch đã đưa ra 17 mục tiêu, 115 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững đến 2030 cho Việt Nam và các nhiệm vụ, giải pháp. Kế hoạch hành động quốc gia cũng đã phân công các mục tiêu, nhiệm vụ cho các bộ, ngành và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải xây dựng Kế hoạch thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của mình và ban hành trong năm 2018.
 

02 img 0072Các giếng khoan sau khi được thăm dò, nghiên cứu, quan trắc địa chất thủy văn sẽ bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng

Nhằm thực hiện mục tiêu “Đảm bảo việc tiếp cận nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người”, trong bối cảnh lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (310 - 315 tỷ m3/năm), còn lại là xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ; nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất sẽ tăng nhanh đặt ra những thách thức to lớn về an ninh nguồn nước.  
Thời gian qua, tại Việt Nam công tác điều tra tài nguyên nước mặt, nước ngầm được chú trọng và tăng cường. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ ngành liên quan cùng các địa phương tập trung điều tra, đánh giá, tìm kiếm nguồn nước phục vụ chống hạn cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khan hiếm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc tổ chức thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm việc điều tiết khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thông minh các nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng cho sản xuất, giảm lũ và phát điện. 

Ngành tài nguyên nước Việt Nam cũng tích cực triển khai các biện pháp, hướng đến gia tăng hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước; cải thiện chất lượng nước bằng cách giảm ô nhiễm và giảm thiểu việc giải phóng, xả thải các hóa chất và vật liệu nguy hiểm vào nguồn nước; giảm tỷ lệ nước thải chưa được xử lý và tăng đáng kể việc tái chế và tái sử dụng nước an toàn; bảo đảm việc khai thác nước không vượt qua ngưỡng giới hạn khai thác đối với sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước.  

Bên cạnh đó, thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, bao gồm cả thông qua hợp tác xuyên biên giới; thực hiện bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước bao gồm núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ. Ngoài ra, mở rộng hợp tác quốc tế và hỗ trợ tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển về các hoạt động, chương trình liên quan đến nước và vệ sinh bao gồm: thu gom nước, khử muối, hiệu quả nước, xử lý nước thải, tái chế và công nghệ tái sử dụng nước. Hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh môi trường.

Phóng viên: Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện những chương trình, dự án, nhiệm vụ về tài nguyên nước và đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực. Vậy làm thế nào để phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, thưa Phó Cục trưởng?
Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Như chúng ta đã biết, một ngành, một Bộ không thể giải quyết được bài toán tổng thể mang tính chất liên ngành, mang tầm vĩ mô, đặc biệt là đối với lĩnh vực như tài nguyên nước. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều chương trình, đề án, dự án theo sự chỉ đạo của Chính phủ hoặc theo những vấn đề nóng phát sinh trong thực tế nhằm giải quyết các thách thức về tài nguyên nước. Thông qua việc thực hiện các dự án, đế án các đơn vị chuyên môn về tài nguyên nước đã tìm ra được rất nhiều nguồn nước ở các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng biên giới đảm bảo việc cấp nước cho người dân tại các bản làng mà lâu nay hầu như sử dụng nguồn nước bằng tự nhiên như chờ mưa, từ các sông, suối mà không đảm bảo chất lượng. 

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiều chương trình dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước tại các vùng, miền, các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam. Kết quả thực hiện các dự án đã thường xuyên cập nhật, bàn giao các nguồn nước và các công trình phục vụ khai thác, cấp nước sinh hoạt cho các địa phương quản lý, khai thác, sử dụng ngay sau khi có những đánh giá mức độ đáp ứng về mặt trữ lượng, chất lượng nguồn nước.

Liên quan đến việc phát huy hiệu quả hơn nữa việc thực hiện các chương trình, dự án và nhiệm vụ về tài nguyên nước trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn sự tham gia phối hợp hiệu quả tích cực từ các cơ quan liên quan. Đồng thời, thông qua các kênh truyền thông, chúng tôi cũng mong muốn nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên nước, thay đổi tư duy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; nước không phải là “của trời cho”, thay đổi tư duy chúng ta rất nhiều nước và nước rất sẵn mà chỉ cần múc lên.
Phóng viên: Hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước. Xin Phó Cục trưởng cho biết, hiện nay Cục Quản lý tài nguyên nước đang thực hiện hợp tác quốc tế nào trong lĩnh vực tài nguyên nước?

 Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh: Để là tốt công tác quản lý tài nguyên nước thì vai trò của hợp tác quốc tế là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng nhu cầu sử dụng nước và ô nhiễm nguồn nước ngày càng diễn ra phức tạp. 

Về khía cạnh hợp tác nguồn nước xuyên biên giới, Việt Nam chỉ có hơn 30% nước tự sản sinh trong nội địa, còn lại hơn 60% được sản sinh từ nước ngoài chảy vào với 02 dòng chính là sông Hồng và sông Cửu Long.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang làm tương đối tốt trong việc hợp tác với các nước trong  khu vực sông Mê Công. Đặc biệt là Hiệp định Mê Công năm 1995, nhằm giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước hạ du sông Mê Công. Trong thời gia qua 04 nước (Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campu chia) đã hợp tác cùng nhau khai thác, chia sẻ nguồn nước sông Mê Công. Trong thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ phối hợp với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hoạt động trong khuôn khổ Nghị định này. 

 Ngoài ra, trong năm 2014, Chủ tịch nước đã ký Quyết định về việc Việt Nam tham gia Công ước về việc sử dụng nguồn nước cho các mục đích phi giao thông thủy. Theo đó, Việt Nam là thành viên thứ 35 tham gia công ước để đảm bảo công ước có hiệu lực. Triển khai công ước này, có rất nhiều nội dung cần phải thực hiện để đảm bảo được sử dụng các nguồn nước cho mục đích phi giao thông thủy giữa các quốc gia có chung nguồn nước, đảm bảo hài hòa được lợi ích công bằng, chia sẻ giữa các nước thượng du và hạ du.
Về hợp tác với các quốc gia khác, trong thời gian tới chúng tôi đang rà soát, nghiên cứu,  xem xét đề xuất các cấp cao hơn trong việc tham gia  Công ước  về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới (Công ước Helsinki 1992) và các hồ quốc tế của Ủy ban Kinh tế Châu Âu của Liên Hợp quốc (UNECE Water Convention) để có những tiếng nói chung, thúc đẩy việc quản lý chung và bảo tồn các hệ sinh thái của nguồn nước ngọt xuyên biên giới. Trong đó, Công ước cũng yêu cầu các bên ngăn chặn, kiểm soát hoặc giảm thiểu tác động xuyên biên giới, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới theo cách hợp lý và công bằng, đảm bảo quản lý bền vững các nguồn nước này.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển liên quan đến phát triển nguồn nước Việt Nam thông qua các hoạt động quản lý, nghiên cứu, điều tra, đánh giá tài nguyên nước bằng những công nghệ tiên tiến; hỗ trợ cho Việt Nam trong việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước; quan trắc, giám sát, kiểm kê tài nguyên nước.

Hiện nay, Ngân hàng thế giới đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện 02 dự án trong lĩnh vực tài nguyên nước sông Mê Công. Ngoài ra, có rất nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ lớn cho Việt Nam như ADB, JICA, KOICA liên quan đến các hợp tác về tài nguyên nước. Đặc biệt, trong thời gian qua, Chính phủ Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam rất tích cực về các kiến thức, kỹ thuật, chuyên môn về xây dựng kế hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long (Kế hoạch Châu thổ). Đây là một trong những tài liệu rất quan trọng để xây dựng các định hướng phát triển toàn bộ nền kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long xoay quanh vấn đề “thuận thiên” và đáp ứng được nguồn nước. Các chuyên gia Hà Lan đã phối hợp được với các chuyên gia Việt Nam đưa ra được các giải pháp, khuyến nghị mang tính “không hối tiếc” rất được cộng đồng quốc tế cũng như các cơ quan liên quan tại Việt Nam đánh giá cao. Trong thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng sẽ nỗ lực tìm kiếm cũng như tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế có quan tâm đến vấn đề nguồn nước của Việt Nam với mục tiêu cao nhất là đảm bảo được nguồn nước Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về nguồn, chất lượng cũng như trữ lượng để hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ, đúng như chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2019 “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 

 

Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường


Số lượt người xem: 1629    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm