• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
8
0
6
6
Tin tức sự kiện 16 Tháng Tám 2018 10:05:00 SA

Việt Nam và Nhật Bản: Thúc đẩy cơ chế tín chỉ chung (JCM) trở thành cơ chế toàn cầu

 

 




Toàn cảnh cuộc họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp triển khai cơ chế tín chỉ chung (JCM) ngày 15/8

 
Chiều ngày 15/8, cuộc họp lần thứ 7 Ủy ban Hỗn hợp triển khai cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đánh giá tình hình triển khai cơ chế JCM, tháo gỡ các vấn đề khó khăn trong quá trình triển khai và thảo luận thông qua các phương pháp luận, hỗ trợ đăng ký và cấp tín chỉ cho các dự án JCM.
 

Đồng chủ tịch Ủy ban hỗn hợp cơ chế tín chỉ chung JCM là Thứ trưởng Lê Công Thành và ông Nagai Katsuro, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cùng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Ủy ban hỗn hợp triển khai cơ chế JCM giữa Việt Nam và Nhật Bản.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp

 

Tại cuộc họp, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày 2/7/2013 về tăng trưởng các-bon thấp và xây dựng Cơ chế tín chỉ chung (JCM), hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp để chỉ đạo việc thực hiện cơ chế JCM. Tính đến nay, Ủy ban hỗn hợp đã nỗ lực chỉ đạo công tác hợp tác, triển khai thực hiện cơ chế JCM, đã thông qua 9 phương pháp luận, triển khai 05 dự án và  cấp tín chỉ cho 2 dự án JCM tại Việt Nam.

Tháng 12/2015, thế giới đã thông qua Thỏa thuận Paris và chưa đến một năm sau, ngày 4/11/2016 Thỏa Thuận đã chính thức có hiệu lực thi hành, tạo một bước chuyển biến lớn trong chính sách toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội hợp tác để các quốc gia thực hiện và không ngừng tăng cường các cam kết giảm phát thải khí nhà kính quốc gia. Điều này thể hiện rõ trong Điều 6 của Thỏa thuận Paris về việc theo đuổi hợp tác tự nguyện trong việc thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định để có tham vọng cao hơn trong các hành động giảm nhẹ và thích ứng của mình.

Cơ chế tín chỉ chung JCM do Nhật bản đề xuất là một cơ chế hợp tác tự nguyện, thông qua các hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia đang phát triển. Cơ chế JCM được đánh giá là một trong các cơ chế cụ thể hóa định hướng của Thỏa Thuận Paris, có nhiều tiềm năng thành cơ chế toàn cầu với mạng lưới các quốc gia tham gia ngày càng tăng.

Theo ông Tăng Thế Cường, Việt Nam luôn nỗ lực cùng phía Nhật Bản thúc đẩy, triển khai cơ chế JCM tại Việt Nam và mong muốn cơ chế hợp tác này sẽ sớm trở thành cơ chế toàn cầu, qua đó thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

 

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại cuộc họp

 

Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban hỗn hợp đã trao đổi và đi đến thống nhất về các vấn đề quan trọng. Cuộc họp đã cập nhật tình hình triển khai cơ chế JCM trong thời gian qua, trong đó nhấn mạnh một số thành tựu đáng kể mà Việt Nam đã đạt được trong việc thúc đẩy và phát triển cơ chế JCM.

Ủy ban hỗn hợp đã thống nhất thông qua về tỷ lệ phân chia tín chỉ cho 2 dự án: dự án VN002 về thúc đẩy bệnh viện xanh thông qua tăng cường hiệu quả năng lượng/môi trường tại các bệnh viện quốc gia tại Việt Nam và dự án VN003 về Khách sạn các-bon thấp ở Việt Nam nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà thương mại thông qua ứng dụng thiết bị hiệu năng cao.

Cuộc họp đã thảo luận về các góp ý, thống nhất chỉnh sửa các góp ý và phê duyệt thông qua 06 phương pháp luận. Ủy ban hỗn hợp cũng đã xem xét 4 dự án đề xuất và quyết định phê duyệt đăng ký dự án JCM cho 4 dự án này.

Ủy ban hỗn hợp cũng đã thống nhất với các ý tưởng về xây dựng các quy tắc và hướng dẫn triển khai REED+ theo cơ chế JCM tại Việt Nam, hướng thúc đẩy tăng cường cơ hội hợp tác thực hiện cơ chế JCM tại Việt Nam và chương trình làm việc Ủy ban hỗn hợp trong thời gian tới.

 

Ông Nagai Katsuro, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nagai Katsuro, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Việt Nam là một trong những quốc gia sớm hợp tác với Nhật Bản triển khai cơ chế tín chỉ chung JCM và bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực.” - Ông Nagai Katsuro nói.

Ông Nagai Katsuro mong muốn, Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong triển khai cơ chế tín chỉ chung (JCM) giúp sáng kiến này của Nhật Bản ngày càng hiệu quả hơn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn sự hợp tác tích cực của phía Nhật Bản trong thời gian qua để phát triển cơ chế tín chỉ chung JCM. Thứ trưởng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ phía Việt Nam tăng cường năng lực và thúc đẩy triển khai nhiều dự án JCM tại Việt Nam, trước mắt đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện các dự án JCM.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, đến năm 2030, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Vì vậy, trong thời gian từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần tăng cường triển khai cơ chế JCM thiết thực, hiệu quả. Cục Biến đổi khí hậu cần phối hợp với các cơ quan có liên quan của Nhật Bản và của các nước, tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động JCM tại các diễn đàn quốc tế, thúc đẩy để JCM sớm thành cơ chế toàn cầu.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Nguồn: CTTĐT


Số lượt người xem: 1191    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm