• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
3
2
6
0
2
Tin tức sự kiện 24 Tháng Ba 2015 7:55:00 SA

Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2015

Sáng 20/3, tại thành phố Bắc Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng ngày Nước thế giới 2015. Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang,Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Tham dự buổi lễ còn có sự tham gia của khoảng 3.000 đại biểu đại diện các Bộ, Sở ban ngành Trung ương, địa phương và đông đảo người dân tỉnh Bắc Giang.

 






Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ

 


Ngày Nước thế giới được tổ chức vào ngày 22 tháng 3 hàng năm nhằm để kêu gọi sự quan tâm của tất cả mọi người trên toàn thế giới về vai trò, tầm quan trọng của nước, đồng thời vận động thực hiện các chính sách nhằm quản lý, khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước. Năm 2015 này được toàn thế giới đánh dấu là một cột mốc trọng đại để ghi nhận những nỗ lực của các quốc gia tiến tới Mục tiêu thiên niên kỷ được Liên Hợp quốc đề ra vào năm 2000; đây cũng là khởi điểm để đưa ra những định hướng cho Khung chiến lược phát triển mới cho các quốc gia từ sau năm 2015.


Với chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững” năm nay, Liên hợp quốc tiếp tục khẳng định vị thế của nước đối với phát triển bền vững trên toàn thế giới. Ngày Nước thế giới năm 2015 hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát triển bền vững và tài nguyên nước. Theo dự báo đến năm 2025, hành tinh của chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ khoảng 1,8 tỉ người dân sống tại nhiều khu vực “hoàn toàn khan hiếm nước” và 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước. Chính vì thế, yêu cầu phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, hơn bao giờ hết yêu cầu này phải mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu. Trong đó, tài nguyên nước đóng một vai trò then chốt và không thể tách rời khỏi phát triển bền vững. 


 

Nước là nguồn tài nguyên quý giá và là chìa khóa để phát triển bền vững

Phát biểu chỉ đạo buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sáng kiến của Liên Hợp Quốc lấy ngày 22/3 hằng năm là “Ngày Nước thế giới”, đồng thời biểu dương Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tổ chức tốt chuỗi các sự kiện truyền thông hưởng ứng Ngày nước thế giới, thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo nhân dân và toàn xã hội, có ý nghĩa và sức lan tỏa, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen trong sử dụng tài nguyên nước.


Phó Thủ tướng cho rằng, nước cần được nhìn nhận không chỉ ở khía cạnh là một nguồn tài nguyên quý giá, mà còn là chìa khóa để bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Tài nguyên nước là nền tảng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường. Nước là cốt lõi của sự phát triển bền vững vì nước có mối liên hệ chặt chẽ với các thách thức mà toàn cầu đang phải đối mặt. Nước không chỉ tác động đến an ninh lương thực, năng lượng, sức khỏe con người và môi trường, nước còn góp phần cải thiện phúc lợi, phát triển toàn diện, cũng như tác động đến sinh kế của hàng tỉ người.


Chính vì vậy “Nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà là một trong những nguồn tài nguyên chiến lược, cần được quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp, hiệu quả, phát huy những mặt lợi, hạn chế những tác hại của nước” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Theo số liệu điều tra, Việt Nam có 3.450 sông, suối tương đối lớn với tổng lượng nước trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng gần 2/3 phụ thuộc vào nguồn nước quốc tế. Về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng, các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác và tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trong khi việc sử dụng nước còn lãng phí, kém hiệu quả. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò, giá trị của nước trong mối quan hệ với phát triển bền vững, từ đó xây dựng chính sách hợp tác giữa các ngành có liên quan, nhằm đảm bảo nhu cầu về sức khỏe con người và hệ sinh thái, an ninh lương thực và năng lượng, phát triển công nghiệp và đô thị, các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội và bình đẳng giới cũng như phát triển bền vững tài nguyên nước.


Phó Thủ tướng kêu gọi mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân hãy tiếp tục phát huy các sáng kiến nhằm quản lý, khai thác và sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, cùng nhau hợp tác để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước, giảm thiểu các tác hại của nước, rủi ro thiên tai, ô nhiễm môi trường, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, góp phần đạt được mục tiêu thiên niên kỷ “đảm bảo bền vững về môi trường”.


 

Các đại biểu tham dự buổi lễ

 


 

Ngân hàng Thế giới sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam sử dụng tài nguyên nước hiệu quả

Đó là nhấn mạnh của bà Victoria Kwaka, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về sự hợp tác phối hợp của Ngân hàng Thế giới với Chính phủ Việt Nam về vấn đề khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Bà Victoria Kwaka cho rằng, muốn phát triển bền vững phải đảm bảo an ninh nước. Tuy nhiên, đảm bảo an ninh nước lại là một trong những thách thức khó khăn nhất đối với thế giới hiện nay. Khai thác nước ngọt đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua tại Việt Nam. Chất lượng nước mặt ngày càng kém khiến cho người dân phải chuyển sang khai thác nước ngầm, nhưng làm như vậy lại dẫn đến ngấm mặn và sụt lở đất. Nhìn chung, người nghèo là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu an ninh nước không được đảm bảo. không gói gọn trong biên giới quốc gia hay trong từng ngành. Muốn giải quyết vấn đề này cần hợp tác đa ngành từ tài chính đến kế hoạch, nông nghiệp, năng lượng, môi trường, du lịch, giáo dục và y tế từ cấp độ quốc gia, quốc tế và địa phương.


 “Ngày nước thế giới là cơ hội tuyệt vời để chúng ta tìm hiểu mối quan hệ giữa nước và phát triển bền vững, và tham gia đóng góp thảo luận các vấn đề về nước và bền vững. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nhà hoạch định chính sách thấy được sự cần thiết phải có cách tiếp cận đồng bộ đối với các vấn đề về nước để nâng cao hòa nhập xã hội và tăng trưởng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng” - Bà Victoria Kwakwa nói.


 




Cần sử dụng tổng hợp và hiệu quả hơn nguồn nước trong mọi ngành lĩnh vực

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng luôn đóng vai trò trọng tâm trong các khía cạnh của phát triển bền vững. Nước đã dần trở thành nhân tố cốt lõi, mang tính quyết định sự tồn tại và phát triển của nhân loại trên toàn cầu. Từ những năm cuối thế kỷ 20, nước đã dần chiếm những vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của các diễn đàn quốc tế.


Tuy nhiên, hiện nay nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức lớn an ninh nguồn nước. Theo dự báo của các nhà khoa học, sang Thế kỷ 21 loài người ngoài việc phải đối phó với nhiều mối đe dọa khác, còn phải đối phó với hiểm họa thiếu nước. Nước, nguồn tài nguyên tưởng như vô tận trong thế kỷ tới sẽ quý giá không kém gì dầu lửa và có thể là nguyên nhân dẫn đến những xung đột ngoại giao, xung đột vũ trang giữa nhiều quốc gia. Việc nhận thức đầy đủ, toàn diện giá trị của nước sẽ giúp chúng ta có được sự phát triển bền vững đất nước.


 “Việt Nam không phải là quốc gia giàu về nước. Việt Nam là quốc gia đông dân số, nhu cầu sử dụng nước không ngừng gia tăng. Nếu chúng ta không đảm bảo khai thác, bảo vệ các nguồn nước một cách hợp lý thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nước trầm trọng. Vì vậy, một mặt chúng ta cần tiếp tục đầu tư để phát triển tài nguyên nước, mặt khác phải đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.


Nhận thức rõ được giá trị của nước đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của đất nước, ngay từ những năm cuối của thế kỷ trước, Luật Tài nguyên nước năm 1998 đã xác định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”. Hiến pháp sửa đổi của Việt Nam cũng tiếp tục khẳng định tài nguyên nước là tài sản công. Luật Tài nguyên nước sửa đổi năm 2012 cũng đã quy định các yêu cầu, biện pháp cụ thể để quản lý nguồn tài nguyên này như một loại tài sản. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quan trọng này.


Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu


Là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung đưa Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống, triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định trong Luật Tài nguyên nước, các Chương trình, Kế hoạch hành động của Chính phủ, với các nhiệm vụ trọng tâm sau:


Một là, tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả Luật tài nguyên nước năm 2012; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

Hai là, tập trung xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên các lưu vực sông; đồng thời rà soát các quy trình đã ban hành đi đôi với kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ Quy trình.


Ba là, tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời có chính sách phù hợp để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.


Bốn là, nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước nhằm cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời để xử lý những vấn đề về ô nhiễm, cạn kiệt dòng sông, trước hết tập trung vào hệ thống sông xuyên biên giới và khu vực miền Trung và Tây Nguyên.


Năm là, thành lập các tổ chức lưu vực sông để triển khai cơ chế điều phối chung trên từng lưu vực nhằm huy động sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề chung trên phạm vi toàn lưu vực.


Sáu là, chủ động đề xuất các giải pháp trong hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề về khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công; đặc biệt là nghiên cứu, đánh giá tác động tích lũy của hệ thống thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, qua đó có những giải pháp ứng phó phù hợp. Xây dựng kế hoạch để triển khai hiệu quả Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy mà Việt Nam mới gia nhập. 


Nhân ngày nước thế giới 2015, thay mặt Bộ TN&MT Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị mọi tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên cả nước hãy có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững hơn trong mọi lĩnh vực. Đây là yêu cầu nhất quán và thống nhất trong các chính sách điều phối, phối hợp của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương; hãy cùng chung tay để trả lại sự trong lành vốn có của các dòng sông không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.


Chung tay bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước

Thay mặt Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy, kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng và trên toàn quốc nói chung hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu, giảm dần sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường; nâng cao  hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước nhằm hướng đến việc quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường bền vững; đẩy mạnh thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo nguồn thủy sinh dồi dào của các con sông và vận hành an toàn các hồ chứa, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh, của đất nước và trên hết là cuộc sống của người dân.


Kết thúc buổi lễ, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã phát động cuộc thi Mùa hè nước 2015 và cuộc thi Tìm hiểu lịch sử và giá trị sử dụng các dòng sông ở Bắc Giang.



Theo Website Bộ TNMT.


Số lượt người xem: 3115    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm