• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
5
8
1
6
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 21 Tháng Sáu 2019 9:05:00 SA

Bảo vệ nguồn tài nguyên nước trước biến đổi khí hậu

 

 

TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Những biểu hiện bất thường của thời tiết như mưa nhiều hơn, đỉnh triều cường luôn lập kỷ lục mới và các vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước đã và đang hiện hữu. 
 

Bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang là yêu cầu cấp bách

Bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang là yêu cầu cấp bách

Tài nguyên nước ngày một suy giảm 

Theo Phòng Tài Nguyên nước và Khoáng sản (Sở tài nguyên và Môi trường TPHCM), quá trình đô thị hóa và phát triển của thành phố cùng với những tác động của BĐKH đã khiến công tác quản lý nguồn nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như chất lượng nguồn nước có xu hướng xấu đi, cạn kiệt và ô nhiễm; khai thác nguồn nước một cách lãng phí; gia tăng sự rủi ro do nguồn nước gây ra. Cụ thể, chất lượng nước của hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và đang bị ô nhiễm nhẹ về dầu mỡ. Nước mặt khu vực sông Nhà Bè, Cần Giờ và chất lượng nước của các kênh rạch trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm vi sinh rất lớn. Hiện nay, mỗi ngày thành phố khai thác gần 600.000m3/ngày đêm. Nguồn nước dưới đất chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu nước của thành phố.

Không dừng lại ở việc bị khai thác quá mức, tài nguyên nước ở TPHCM còn đang bị ảnh hưởng trầm trọng từ BĐKH. Tính toán xâm nhập mặn tại thành phố cho thấy, gần như toàn bộ diện tích huyện Cần Giờ phải chịu ảnh hưởng kéo dài của độ mặn 4% (ranh mặn dành cho nước nông nghiệp). Độ mặn nâng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề cấp nước ngọt cho thành phố. Tình hình nhiễm mặn trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng tăng cao do sự suy giảm dòng chảy từ thượng nguồn, cũng như xâm nhập mặn gia tăng do mực nước biển dâng.

Đồng thời, do lượng nước tích của các hồ trên phía thượng nguồn (Trị An và Dầu Tiếng) có xu hướng giảm vào mùa khô, nên lượng nước xả từ hồ không đủ lớn để đẩy lùi lưới mặn do thủy triều đẩy lên. Việc gia tăng độ mặn tại các điểm thu nước của nhà máy nước đe dọa trực tiếp đến hoạt động của các nhà máy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cấp nước trên địa bàn thành phố.

Theo tính toán, ranh mặn 1% (giá trị giới hạn cho nước sinh hoạt) gần Nhà máy nước Thủ Đức nhất, năm 2030 là 6,5km và chỉ còn 3km vào năm 2070. Đây là một khoảng cách không an toàn cho nguồn nước nhà máy sử dụng. Do đó, việc di dời nhà máy Thủ Đức phải được tính đến trong tương lai. Với Nhà máy nước Tân Hiệp, lấy nước từ kênh Đông (huyện Củ Chi), thì khoảng cách giữa nhà máy và ranh mặn 1% gần nhất là 16,2km vào năm 2030 và 15,3km vào năm 2070. Bên cạnh đó, khả năng trữ nước của hồ Dầu Tiếng ảnh hưởng rất nhiều, với 2 trạng thái trái ngược nhau: mùa khô lưu lượng nước giảm 8% - 12% gây hạn hán; mùa mưa lượng nước lại tăng vọt gây lũ lụt. Ngoài ra, vấn đề nước cũng tác động nhiều đến nông nghiệp, khiến nông nghiệp của thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô và nước bị nhiễm mặn. 

Cần đồng bộ giải pháp công trình và phi công trình 

Theo quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2025, nhu cầu sử dụng nước sạch tại thành phố được dự đoán sẽ tăng mạnh lên 3,7 triệu m3/ngày vào năm 2025. Đồng thời thành phố sẽ phát thải một lượng tương ứng nước thải sinh hoạt, y tế, nông nghiệp và công nghiệp cần được xử lý trước khi xả thải vào các nguồn tiếp nhận. Tình trạng khai thác nước mặt, nước ngầm và xả thải chưa qua xử lý vào các nguồn tiếp nhận trên địa bàn thành phố làm suy giảm số lượng và chất lượng nguồn nước, gây khó khăn cho công tác quản lý tài nguyên nước, cũng như hoạt động khai thác và cung cấp nước sạch đến người dân.

Để hạn chế tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cần phải đồng bộ các giải pháp từ phi công trình đến công trình, chứ không thể thực hiện riêng lẻ. GS-TS Nguyễn Văn Phước, Hội Nước và Môi trường TPHCM, cảnh báo TPHCM có thể bị thiếu nước theo mùa trong tương lai nếu không có hành động cụ thể. Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nhằm thiết lập cơ chế mang tính chất pháp lý trong việc phân phối, chia sẻ nguồn nước cho các ngành, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước trong lưu vực sông là điều mà TPHCM cần chú trọng tới.

Quản lý nhu cầu là một phần quan trọng trong quy hoạch tài nguyên nước vững mạnh và có khả năng ứng phó của bất cứ thành phố nào, chứ không chỉ đối với TPHCM. Các phương pháp “không gia tăng cung cấp, chỉ dựa vào nhu cầu” là rất quan trọng, để TPHCM có thể tận dụng tối đa một nguồn tài nguyên có khả năng suy giảm do tình trạng khí hậu khô hạn hơn trong tương lai.

Cần tăng cường các biện pháp bảo vệ chất lượng nước, chống ô nhiễm nguồn nước, nguồn thải công nghiệp và sinh hoạt, bảo đảm các nguồn nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất có nguồn nước thải, xử phạt nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm quy định về xả thải vào nguồn nước; khai thác và sử dụng nước ngầm một cách bền vững thay thế nước mặt vào thời điểm và khu vực thích hợp

Hiện nay, thành phố đang áp dụng biện pháp đẩy mặn trên sông Sài Gòn là xả thải nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng, dù đạt hiệu quả cao nhưng rõ ràng là tiêu hao nhiều nước ngọt, nguồn tài nguyên ngày càng quý hiếm - nhất là trong bối cảnh BĐKH như hiện nay. Trong khi đó, thành phố có nguồn nước khác đang cần xả thải đến hàng triệu khối mỗi ngày là nước thải đô thị sau xử lý. Nếu sử dụng được nguồn nước này để làm rào cản ngăn nước mặn thì rất “lý tưởng”, thay vì phải xây đê ngăn mặn vừa tốn kém vừa có nhiều nguy cơ đối với sinh thái và ô nhiễm môi trường.

TS Lê Hồng Quân, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), cũng cho rằng thành phố cần có các biện pháp trữ nước, bao gồm các hồ chứa nước, thu gom bổ cập nước ngầm kèm theo giải pháp hạn chế bay hơi. Việc xây các hồ chứa nước này nên được kết nối vào các nhà máy nước hiện hữu, nhằm hỗ trợ cho việc phòng chống nhiễm mặn đỉnh điểm tại các vị trí lấy nước sông, đồng thời thực hiện chức năng điều tiết lũ. Do nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, trong khi nguồn cung cấp nước không theo kịp với nhu cầu gia tăng dân số, thành phố nên tận dụng và thu gom nguồn nước mưa. Nước mưa là nguồn nước sạch, việc thu trữ nước mưa là phương pháp đơn giản không chỉ làm giảm xói mòn, ngập úng mà còn giảm áp lực lên hệ thống nước ngầm.

 

 

Nguồn: SGGPO 

 


Số lượt người xem: 2370    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm