• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
6
8
9
3
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 24 Tháng Năm 2017 8:50:00 SA

Lấy ý kiến góp ý Dự thảo thông tư Quy định về quản lý khai thác cát sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông

 






 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên nước xây dựng Dự thảo “Thông tư quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông”. Hiện dự thảo thông tư đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 64, khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản, cát, sỏi là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, cát sỏi lòng sông là loại khoáng sản có các đặc trưng thường nằm trong các khu vực ranh giới địa giới hành chính các cấp, là đối tượng dễ khai thác, chế biến, có điều kiện vận chuyển linh hoạt (đường bộ, đường thủy). Cát sỏi hiện là vật liệu xây dựng chưa thể thay thế trong tương lai gần, chính vì vậy, nhu cầu sử dụng cát, sỏi không ngừng tăng cao. Về thực trạng quản lý cát sỏi, thời gian vừa qua, số lượng các địa phương có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép có giảm cả về số vụ việc lẫn loại khoáng sản. Tuy nhiên, cát sỏi vẫn là đối tượng bị khai thác trái phép nhiều nhất, phát sinh các điểm nóng, vi phạm pháp luật liên quan đến cát, sỏi, các vụ việc tranh giành quyền lực trong khai thác cát sỏi gây ra các vụ án hình sự ở các địa phương có liên quan (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…).

 

Trước thực trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo (Chỉ thị 29/2008/CT-TTg ngày 02/10/2008, Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 30/3/2015, Công văn số 1338/VPCP-NC ngày 02/03/2016; Công văn số 5375/VPCP-KTN ngày 30/6/2016…, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý cát, sỏi lòng sông. Ở các địa phương có khai thác cát sỏi, tác động tiêu cực dễ nhận thấy nhất của hoạt động này là gây sạt lở bờ sông (kể cả khai thác trái phép và có phép), ảnh hưởng đến hệ thống đê đập, kè chắn, làm mất đất canh tác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các công trình giao thông, đê điều, cuộc sống của người dân. Để khắc phục hạn chế này cần có vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong sự thống nhất quản lý cát sỏi theo lưu vực sông trong cả nước. Nội dung này đã được thể chế hóa tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoáng sản (khoản 3 Điều 26 Nghị định 158).

Luật Tài nguyên nước được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2012, tại Điều 63 của Luật giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đối với các sông là ranh giới giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Nghị định 158/2016/NĐ-CP; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên nước xây dựng dự thảo Thông tư quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

 

Theo đó, dự thảo thông tư quy định quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương và giữa các địa phương với nhau trong quản lý cát, sỏi lòng sông, suối (sau đây gọi là cát, sỏi lòng sông); điều tra cơ bản địa chất về cát, sỏi lòng sông; việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng; cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi, lòng sông; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật về tài nguyên nước.

 

Đối tượng áp dụng gồm: (1) Cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; quản lý về tài nguyên nước; cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp - phát triển nông thôn liên quan đến quản lý khoáng sản, tài nguyên nước; các cơ quan đơn vị khác có liên quan. (2) Tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư khai thác cát, sỏi lòng sông; được phép hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, khoáng sản khác. (3) Tổ chức, đơn vị liên quan đến các hoạt động: a) Nạo vét, cải tạo, mở mới, nâng cấp luồng, lạch, tuyến giao thông thủy; b) Kè bờ, chỉnh trị sông; xây dựng công trình thủy trên sông; cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông; c) Xây dựng công trình thủy (cầu, cảng sông, bến tàu, phà tiếp nhận tàu).

 

Công tác quản lý, bảo vệ, khai thác cát, sỏi lòng sông phải đảm bảo các nguyên tắc sau: (1) Quản lý, bảo vệ tài nguyên cát, sỏi lòng sông chưa khai thác; điều tra cơ bản tài nguyên cát, sỏi lòng sông; quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông phải tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản. (2) Quản lý, bảo vệ tài nguyên cát, sỏi lòng sông phải đảm bảo nguyên tắc thống nhất theo lưu vực sông, kết hợp quản lý theo địa bàn hành chính; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông phải bảo đảm không gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

 

Hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông phải tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản, giao thông thủy, đê điều, phòng, chống thiên tai, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống, sạt, lở bờ, bãi sông như: 1- Không làm thay đổi vận tốc dòng chảy, tạo chênh lệch mực nước trước và sau công trình, giảm khả năng thoát lũ dẫn đến gây ngập úng bãi, vùng đất ven sông, sạt lở bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước. 2- Không gây bồi lắng, xói lòng sông làm đổi hướng dòng chảy chủ lưu, gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước. 3- Thực hiện các biện pháp phòng, chống ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông. 4- Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên nước và các quy hoạch khác có liên quan.

 

Dự thảo thông tư gồm 04 chương, 25 điều. Chương I: Quy định chung; Chương II: Quản lý cát sỏi lòng sông (Mục 1: Điều tra, quy hoạch tài nguyên cát, sỏi lòng sông; Mục 2: Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Mục 3: Cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông); Chương III: Bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Chương IV: Tổ chức thực hiện.

 

Chi tiết nội dung dự thảo thông tư tải tại đây

 

 

Nguồn: CTTĐT

 


Số lượt người xem: 2176    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm