• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
5
3
2
5
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 02 Tháng Sáu 2015 8:15:00 SA

Kiến nghị tiếp tục dừng Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai

(TN&MT) - Đó là một trong hai nội dung kiến nghị, đề xuất được Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ra tại công văn số 2159/BTNMT-TNN ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

 

 

 

Dừng thi công để rà soát các nội dung liên quan đến Dự án

Theo báo cáo, khu vực Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, được động thổ, chuẩn bị mặt bằng thi công từ tháng 9 năm 2014 và khởi công tháng 01 năm 2015. Dự án có quy mô 8,4 ha, trong đó có 7,7 ha do lấn dòng chính sông Đồng Nai, với tổng chiều dài 1,3 km, chiều rộng lớn nhất khoảng 100m.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Việc xây dựng kè bờ lấn ra sông được thực hiện tại đoạn sông có mặt cắt khoảng 800m, là mặt cắt lớn nhất tính từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh.

 

Tại hiện trường, Dự án đã thực hiện việc san lấp khoảng 600m, trong đó khu vực trung tâm hình bán nguyệt có chiều rộng lớn nhất là 100m, dài 500m, khối lượng san lấp đạt khoảng 70%. Cao trình mặt kè cao hơn lòng sông khoảng từ 5m đến 8m. Dự án đã xây dựng một phần cơ sở hạ tầng (cống thoát nước, san nền,...).

 

Nằm trong phạm vi Dự án có trạm bơm của Nhà máy nước cấp cho thành phố Biên Hòa và Trạm thủy văn Biên Hòa. Để phục vụ cho việc phát triển Dự án, vị trí lấy nước của trạm bơm và trạm thủy văn sẽ được di dời. Vị trí xây dựng Dự án cách luồng giao thông thủy khoảng 280m, nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng giao thông thủy.

 

Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Chủ đầu tư Dự án đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép dừng Dự án để xin ý kiến các Bộ, ngành, các nhà khoa học. UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 2212a/UBND-CNN chấp nhận cho Công ty Cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát tạm dừng thi công Dự án từ ngày 28 tháng 3 năm 2015, nhằm rà soát lại các nội dung liên quan đến dự án.

 

Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát đã ngưng hoàn toàn các công việc thi công trên công trường. Duy trì 04 chốt bảo vệ trực 24/24h bảo đảm an ninh công trường và duy trì đội công nhân dọn dẹp vệ sinh công trường, tưới nước mặt bằng để chống bụi.

 

Cần làm rõ thêm một số nội dung về tài nguyên nước và KTTV

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ thành lập Tổ công tác liên ngành với thành viên là đại diện của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, tổ chức kiểm tra thực địa, làm việc với UBND và các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai, rà soát các tài liệu, thủ tục pháp lý liên quan đến quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án. UBND tỉnh đã có Báo cáo (số 2761/BC-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2015) về việc thực hiện Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai kèm theo hồ sơ Dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ nêu trên.

 

Sau khi khảo sát thực tế tại khu vực thực hiện Dự án, Tổ công tác và các Bộ liên quan nhận thấy: Dự án đã tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đất đai, xây dựng, đầu tư, giao thông đường thủy và đã có đánh giá tác động môi trường. Trước đó, năm 2008 UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động đến dòng chảy sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến Cầu Ghềnh trong trường hợp xây dựng kè xa bờ, năm 2009 UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt Báo cáo.

 

Tuy nhiên, còn một số vấn đề Dự án chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành trong các lĩnh vực kể trên, đó là: Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa đã xác định khu đất Dự án lấn sông Đồng Nai khi chưa thực hiện quy trình điều chỉnh cục bộ các nội dung liên quan đến đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 227/2003/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2003 (ý kiến của Bộ Xây dựng).

 

Cụ thể: Trạm thủy văn Biên Hòa đặt giữa khu vực san lấp lấn sông tạo mặt bằng của Dự án. Dự án thực hiện sẽ phải di dời trạm thuỷ văn và như vậy sẽ ảnh hưởng cả chuỗi số liệu đã có trong quá khứ.

 

Theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai ban hành ngày 15 tháng 8 năm 2014, quy định các trạm thủy văn phải dự báo lũ cùng các cấp báo động tương ứng do Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ chịu trách nhiệm dự báo, trong đó có trạm Biên Hòa. Do đó khi trạm di dời sẽ phải tính toán lại các cấp báo động lũ.

 


Bên cạnh đó, Dự án chưa làm rõ sự tuân thủ các quy định tại Điều 9, Điều 63 Luật tài nguyên nước năm 2012 về bảo đảm thoát lũ; sự lưu thông dòng chảy; không gây sạt lở bờ sông. Theo quy định tại Điều 72 của Luật tài nguyên nước và Điều 42 của Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước, Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai thuộc hoạt động gia cố bờ sông, cải tạo cảnh quan, phát triển vùng đất ven sông trên lưu vực sông liên tỉnh phải lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong quá trình triển khai, Dự án chưa lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 


Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án và Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy đều chưa làm rõ hoặc chưa nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để có thể định lượng các tác động của Dự án tới thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông làm cơ sở thực hiện Dự án.

 

Cụ thể: Dự án đặt bài toán chưa đầy đủ, chưa xem xét quá trình diễn biến lòng dẫn trong nhiều năm, nhiều thời kỳ; các phương án công trình đưa ra trong báo cáo chưa xem xét đến việc đánh giá ổn định lòng dẫn trên toàn tuyến, đặc biệt vị trí đoạn bờ đối diện công trình, chưa đánh giá được sự thu hẹp lòng dẫn ở phần chân do vấn đề san lấp gây ra; Chưa xét đến trường hợp tính toán khi có lũ lớn trên sông Đồng Nai kết hợp với triều cường, đặc biệt khi có xả lũ của các hồ chứa phía thượng nguồn…

 

Theo các báo cáo giải trình của UBND tỉnh Đồng Nai, đối với việc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng, trên cơ sở ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai đã điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Biên Hòa giai đoạn đến năm 2030 (Quyết định số 2302/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2014). Đối với việc di dời Trạm thủy văn Biên Hòa Chủ đầu tư đã có Biên bản họp về việc di dời trạm với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã giải trình các vấn đề cụ thể khác, nhất là đối với Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy, Báo cáo đánh giá tác động môi trường. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã xác định nguồn gốc đất đá dùng lấp sông không lấy từ sân bay Biên Hòa.

 

 

Bộ TN&MT kiến nghị tiếp tục dừng dự án

Để thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai là chỉnh trang, tạo điểm nhấn cho thành phố Biên Hòa, xã hội hóa, tiết kiệm ngân sách, hạn chế di dời, bảo tồn di tích lịch sử ven sông, UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động đến dòng chảy sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến Cầu Ghềnh trong trường hợp xây dựng kè xa bờ (50m, 75m và 100m), phê duyệt kết quả nghiên cứu (từ năm 2009). Trên cơ sở đó UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng và triển khai các bước để hình thành Dự án.

 

Mặc dù trong Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy, Tư vấn lập báo cáo và Tư vấn thẩm tra đều kết luận: việc xây dựng các công trình lấn sông ở khu vực từ Cầu Hóa An đến Cầu Ghềnh theo các phương án lấn sông 50m, 75m và 100m không làm thay đổi đáng kể về chế độ thuỷ lực của dòng chảy đoạn sông, không làm ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận, nhưng trong phần kiến nghị, Tư vấn lập Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy cũng cho rằng kết quả tính toán mới dừng ở mức sơ bộ, cần tiếp tục nghiên cứu thêm.

 

Bên cạnh đó, khi thẩm tra Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy, Viện Thủy lợi và Môi trường thuộc Trường Đại học Thủy lợi đã nhận xét: "Các kết quả tính toán của  đơn vị tư vấn mới dừng ở mức nghiên cứu sơ bộ, chưa đưa ra cơ sở, luận cứ lựa chọn phương án tính toán, phần thuyết minh tính toán bằng mô hình cần làm rõ cụ thể theo các bước thực hiện, từ việc xác định lưới, xây dựng miền địa hình tính toán, xác định các điều kiện ban đầu và điều kiện biên, hiệu chỉnh xác định bộ thông số mô hình và kiểm định mô hình. Trên cơ sở đó mới có luận cứ khoa học để đánh giá tính khả thi của các phương án đưa ra. Vì vậy, đơn vị thẩm định đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để nâng cao độ chính xác và các phương án tính toán kiểm tra thêm khi đi vào xây dựng công trình".

 

Như vậy, việc dựa vào kết luận của Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy để triển khai thực hiện Dự án là chưa đủ cơ sở khoa học tin cậy.

 

Trong quá trình chuẩn bị đầu tư và phê duyệt Dự án, Chủ đầu tư đã tổ chức lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án, được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt (tháng 5 năm 2014), trên cơ sở đó UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án (tháng 7 năm 2014). Mặc dù Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án cũng đã đánh giá, dự báo bổ sung về những tác động chính đến chế độ dòng chảy sông Đồng Nai của việc xây dựng kè, nhưng còn sơ sài. Những vấn đề về đặt bài toán, giải bài toán và số liệu đầu vào như đã nêu trên vẫn chưa được bổ sung, hoàn chỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu.

 

Theo Bộ TN&MT, Dự án thực chất có 02 nội dung gồm cải tạo cảnh quan dọc sông Đồng Nai và phát triển đô thị trên phần đất lấn sông. Theo Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 phường Quyết Thắng được phê duyệt năm 1997, toàn bộ khu vực bờ sông Đồng Nai đoạn qua khu trung tâm lịch sử của thành phố Biên Hòa (kéo dài khoảng 2,7km từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh) được quy hoạch thành khu cảnh quan ven sông, bao gồm việc xây dựng kè bảo vệ bờ sông. Năm 2005, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các dự án bờ kè, công viên từ cầu Hóa An đến cầu Rạch Cát. Từ năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung mục đích phát triển đô thị ven sông bên cạnh việc kè bờ và xây dựng công viên được hình thành từ trước đó.


Hiện nay, dư luận quan tâm chủ yếu đến nội dung lấn sông để phát triển đô thị. Như đã trình bày ở phần trên, việc lấn sông để phát triển đô thị sẽ có những tác động đến dòng chảy, mức độ tác động tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu tiếp theo. Để đảm bảo tính khách quan và khoa học của Dự án, làm cơ sở quyết định việc tiếp tục thực hiện hay dừng Dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tiếp tục dừng thực hiện Dự án.

 

Cùng với đó, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án, đặc biệt là vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông.

 

 

Theo Báo Tài nguyên & Môi trường.

 


Số lượt người xem: 2790    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm