• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
8
6
6
0
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 27 Tháng Ba 2015 1:50:00 SA

TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo xử lý an toàn các loại chất thải

(TN&MT) - Hiện tại, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải y tế trên địa bàn TP HCM được thu gom, vận chuyển và xử lý an toàn. Sở TN&MT cũng đang hoàn thiện Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Bộ Xây dựng thẩm định.

 Thu gom, xử lý 100% rác thải

Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày trên địa bàn TP.HCM được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi – huyện Củ Chi và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước - huyện Bình Chánh. Tổng khối lượng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt năm 2014 là 3.1 triệu tấn (trung bình 7.154 tấn/ngày); 100% được thu gom, xử lý. Trong đó, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ các hộ dân trong nội thành khoảng 95%, khoảng 5% còn lại các hộ dân không chuyển giao trực tiếp mà để rác dọc theo tuyến đường các thùng rác công cộng, vớt rác trên kênh. Hằng ngày, thành phố vẫn có lực lượng thường xuyên quét dọn, thu gom các chất thải phát sinh trên vỉa hè, dọc theo hai tuyến đường, trong các thùng rác công cộng và các bô rác. Ở khu vực ngoại thành, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ các hộ dân khoảng 70% - 80 %, do khu vực ngoại thành còn nhiều khu đất trống như ao, vườn nên một bộ phận nhỏ người dân khu vực ngoại thành tự xử lý tỷ lệ rác còn lại trong khu đất của mình.

Về chất thải nguy hại, khối lượng phát sinh trong năm 2014 khoảng 350 - 400 tấn/ngày; có 42 đơn vị tham gia dịch vụ thu gom vận chuyển; 10 đơn vị hành nghề xử lý chất thải nguy hại (giảm 3 đơn vị so với năm 2013). Hiện nay, việc thu gom, phân loại chất thải rắn công nghiệp – chất thải nguy hại được thực hiện tại nhà máy ngay từ lúc phát sinh, và được lưu chứa trong thiết bị an toàn, tập trung vào một khu vực lưu giữ tại nhà máy. Khi đủ số lượng hay khối lượng, sẽ tiến hành thu gom vận chuyển về các nhà máy xử lý. Ngoài ra, một số chất thải công nghiệp không nguy hại có thể tái chế được ngay tại nhà máy sản xuất như nhựa, giấy, thủy tinh… Một số khác được thu gom lưu giữ và chờ chuyển về nhà máy tái chế. Như vậy, tỷ lệ thu gom, lưu giữ hoặc xử lý chất thải nguy hại an toàn đạt 100%. Trong đó: các cơ sở xử lý chất thải nguy hại hoạt động tại TP HCM xử lý ước khoảng 30 - 40%, phần chất thải nguy hại còn lại được thu gom, vận chuyển về các tỉnh thành khác để xử lý hoặc lưu chứa tại các chủ nguồn thải.

Một góc khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước
Một góc khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước

Đối với chất thải y tế, khối lượng thu gom, xử lý trung bình năm 2014 trung bình 16,6 tấn/ngày. Công nghệ xử lý bằng phương pháp đốt tiêu hủy và được thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố với 2 lò đốt đang hoạt động hiện nay, bao gồm: 7 tấn/ngày hoạt động tại Bình Hưng Hoà (Bình Tân) và 21 tấn/ngày tại công trường Đông Thạnh (Hóc Môn). Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế được đánh giá 100% đối với chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, các trung tâm lớn. Riêng chất thải y tế phát sinh tại các phòng khám nhỏ lẻ thu gom trực tiếp đúng tuyến đạt 85 - 90%, còn 10 - 15% thải bỏ chung với chất thải rắn sinh hoạt và được vận chuyển về bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Sở TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan  thực hiện công tác vớt lục bình, rong cỏ và rác thải đảm bảo khơi thông dòng chảy, vệ sinh môi trường trên các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm và kênh Đôi - Tàu Hủ, Tẻ - Bến Nghé. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường trên các tuyến kênh rạch và phối hợp với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Dương thực hiện công tác vớt lục bình trên thượng nguồn sông Sài Gòn - Đồng Nai nhằm hạn chế lục bình trôi dạt vào các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP HCM.

 Mở rộng chương trình phân loại rác tại nguồn

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, trong năm 2015, Sở sẽ tiếp tục rà soát và hoàn chỉnh các quy định chuyên ngành liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn: Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố, chỉ thị về tăng cường công tác quản lý chất thải rắn y tế... Triển khai lập đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ Xây dựng thẩm định sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Xây dựng dự thảo chỉ thị “Tăng cường công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập trên địa TP HCM”, trình các cấp có thẩm quyền để sớm  ban hành trong đầu năm 2015.

Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục công tác chỉ đạo điều hành để duy trì thực hiện tốt  việc  thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải y tế... đảm bảo 100% khối lượng phát sinh hàng ngày đạt tiêu chuẩn môi trường. Sở sẽ từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố; xây dựng mạng lưới và truy xuất dữ liệu để xác định đúng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Sở TN&MT sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố: Tập tuấn cho các chủ nguồn thải trên địa bàn các quận dự kiến thí điểm chương trình bao gồm quận 1, quận 3, quận 5, quận 6, quận 12 và quận Bình Thạnh và tại các trường trung học cơ sở; triển khai tập huấn cho các khu công nghiệp – khu chế xuất còn lại trên địa bàn thành phố và cho Khu A – Khu đô thị Phú Mỹ Hưng; tiếp tục triển khai và duy trì công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn phường 12, quận 6. Đặc biệt, sẽ hướng tới thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn theo hướng tái sinh, tái chế năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp nhằm giảm chi phí xử lý.

(Theo Báo Tài nguyên và Môi trường).


Số lượt người xem: 5056    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm