• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
2
1
3
9
3
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 10 Tháng Mười Hai 2014 9:20:00 SA

TPHCM kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm

Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm phải di dời là chủ trương đã được TPHCM thực hiện từ năm 2003. Điển hình cho chủ trương này là đã có hơn 1.300 doanh nghiệp sản xuất đã phải di dời khỏi khu vực nội thành hoặc chuyển đổi ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, hiện nay, việc tái ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất lại đang diễn biến khá phức tạp.

 

Các cơ sở sản xuất ô nhiễm tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Tái lập kịch bản di dời ô nhiễm cũ

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Chủ tịch UBND quận 12, TPHCM cho biết thời điểm triển khai di dời doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường năm 2003 - 2007, toàn quận có 9 doanh nghiệp bị buộc di dời. Đến năm 2007, đã có 8 doanh nghiệp chấp hành việc di dời, 1 doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề. Thế nhưng, những năm gần đây tình hình sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Cao điểm nhất là từ năm 2011, quận tăng cường kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất của 180 doanh nghiệp thì có đến gần 40 trường hợp vi phạm môi trường.

Đến năm 2012, số lượng doanh nghiệp vi phạm tăng lên gần 50 trường hợp. Và đến năm 2013, số doanh nghiệp vi phạm môi trường bị phát hiện và xử phạt tăng lên gần 80 trường hợp. Không chỉ vậy, còn có 200 doanh nghiệp vi phạm môi trường khác do quận phối hợp với Thanh tra môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an TPHCM phát hiện và xử lý. Điều đáng nói, tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên là sự tái diễn tình trạng doanh nghiệp hoạt động sản xuất gây ô nhiễm xen cài trong khu dân cư khu vực nội thành trước đây. Các doanh nghiệp gây ô nhiễm này cũng chính là những doanh nghiệp đã từng gây ô nhiễm khu vực nội thành bị buộc phải di dời. Điểm nóng nhất hiện nay là khu phố 4, 5, phường Đông Hưng Thuận. Khu vực này tập trung chủ yếu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt, nhuộm, giặt, chế biến thực phẩm, tái chế giấy…

Tương tự, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, sau thời điểm năm 2007 trên toàn địa bàn quận cũng phát sinh hàng loạt doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm khác. Điển hình là từ năm 2008 đến nay, quận đã phải xử lý và cưỡng chế 144 doanh nghiệp vì có hành vi vi phạm môi trường. Hiện toàn quận mới thống kê thêm 164 doanh nghiệp thuộc ngành nghề nhạy cảm với môi trường, như: nhuộm, giặt tẩy vải, xi mạ, xeo giấy, xay nhựa phế liệu và đang lên kế hoạch kiểm tra tiếp theo.

Du di hay kiên quyết?

Lý giải thực tế trên, UBND quận 12 thừa nhận, những điểm nóng ô nhiễm trên địa bàn quận hiện nay được hình thành từ giai đoạn khi thành phố thực hiện chủ trương di dời. Thời điểm này, quận 12 vừa mới thành lập, sản xuất công nghiệp chưa phát triển cộng với việc thành phố chưa ban hành quyết định cấm cấp phép kinh doanh cho 17 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Do vậy, lãnh đạo quận có chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về đầu tư nhằm phát triển kinh tế. Điều đáng nói là sự khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhưng thiếu quan tâm đến yếu tố an toàn môi trường, thiếu nhất quán từ chủ trương chung của thành phố nên đã vô tình tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm từ khu vực nội thành di dời ra đây. Song song đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh, các khu dân cư phát triển xung quanh các cơ sở sản xuất ngày càng nhiều. Và kịch bản sản xuất gây ô nhiễm khu dân cư một lần nữa lại tái diễn. Đây chính là thực trạng chung mà các quận huyện khu vực ngoại thành như Hóc Môn, quận 12, Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh đang gặp phải.

Để có thể giải quyết vấn đề này, theo ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết sở đã trình UBND TP cho phép tái thành lập Ban chỉ đạo di dời. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là Ban chỉ đạo di dời đã được thành lập, nhưng không biết phải di dời số doanh nghiệp gây ô nhiễm này về đâu. Phần lớn các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời đợt này là doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, rất nhỏ. Bản thân họ không đủ sức để tự xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Họ cũng không thể vào khu chế xuất, khu công nghiệp vì không đảm bảo diện tích thuê. Còn di dời vào cụm công nghiệp thì hiện các cụm công nghiệp chưa kêu gọi được nhà đầu tư hạ tầng nên không thể an toàn môi trường.

Trước thực tế trên, UBND TP vừa giao Sở Công thương nghiên cứu và đề xuất giải pháp xử lý. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Sở Công thương cho rằng không thể mãi du di cho doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường được. Nếu các doanh nghiệp sản xuất nhưng không đảm bảo các điều kiện tối thiểu về an toàn môi trường, hoặc không đảm bảo được các điều kiện cần thiết để di dời vào khu sản xuất tập trung thì phải chấp nhận bị buộc ngừng hoạt động. Có thể việc buộc ngừng hoạt động những cơ sở nhỏ này sẽ gây nên những tổn thất kinh tế nhất định. Thế nhưng, nếu du di thì về lâu dài những lợi ích kinh tế thu được từ những cơ sở này sẽ không đủ để tái đầu tư cho các dự án cải thiện chất lượng môi trường. Đến lúc đó thì không những thành phố chịu tổn hại do chi phí ngân sách đầu tư cải thiện môi trường cao hơn mà người dân chịu thiệt thòi hơn khi chất lượng môi trường sống bị suy giảm nghiêm trọng.

Theo SGGP Online


Số lượt người xem: 3247    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm