• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
3
7
5
8
5
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 13 Tháng Mười 2014 3:55:00 CH

Chất thải và hóa chất nhập lậu: Hậu họa khôn lường

(TN&MT) - Luật Bảo vệ môi trường cấm nhập khẩu chất thải nhưng cho phép một số loại phế liệu đã được làm sạch được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Lợi dụng việc này, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu chất thải bất hợp pháp dưới hình thức khai báo là phế liệu nhập khẩu.
 “Hiện tượng vận chuyển bất hợp pháp chất thải và hóa chất xuyên biên giới đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người tại các quốc gia đang phát triển đặc biệt là các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam”. Đây là phát biểu cảnh báo của Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến tại hội thảo tăng cường năng lực kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất do Tổng cục Môi trường vừa tổ chức tại Hà Nội.
 
Muôn cách “qua mặt” cơ quan chức năng
 
Tại Việt Nam, thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cho thấy, hiện tổng số các doanh nghiệp nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước khoảng 256 doanh nghiệp. Trong đó, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để trực tiếp phục vụ sản xuất là 153 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 103 doanh nghiệp. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu khoảng 10.84 triệu tấn, trong đó, tập trung vào những nhóm phế liệu sắt thép; giấy phế liệu; nhựa, xỉ cát; đồng phế liệu; nhôm và phế liệu khác.
 
Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát và đưa ra những quyết định xử lý kịp thời nhưng nhiều doanh nghiệp do chạy theo lợi nhuận vẫn cố tình nhập khẩu bất hợp pháp  những lô máy móc không đạt yêu cầu, chất thải nguy hại vào Việt Nam và trốn tránh trách nhiệm khi bị phát hiện. TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh là các địa phương đã phát hiện và xử lý nhiều nhất loại vi phạm này.
 
Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), vài năm trở lại đây,  lực lượng này đã phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, phát hiện hơn 2.500 vụ vi phạm về bảo vệ môi trường; trong đó có hơn 200 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; phạt tiền và truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 142 tỷ đồng, buộc tái xuất và tiêu hủy 325 tấn rác thải, hơn 10.000 tấn thép phế liệu, hơn 6.000 tấn ắc-quy phế thải...
 
Lực lượng chức năng thu giữ phế liệu "bẩn"
 
Tính riêng năm 2013, lực lượng cảnh sát môi trường, công an TP Hải Phòng đã phát hiện 13 vụ vi phạm, bắt giữ hàng chục container chứa CTNH gồm ắc-quy thải, dầu thải  máy móc. Điển hình vào tháng 10/2013, lực lượng này đã bắt giữ 2 container phế liệu chứa ô tô cũ ép bẹp, linh kiện điện tử, máy móc tài thủy thuộc danh mục cấm nhập khẩu của công ty CP Thương mại Nga Huy Hà. Đây mới chỉ là những con số sơ bộ, phía sau những con số này là thủ đoạn đối phó hết sức tinh vi của những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
 
 Cần chế tài xử lý nghiêm
 
Các chuyên gia môi trường đánh giá, việc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là một chủ trương đúng của Nhà nước, nhất là trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên trong nước đang dần cạn kiệt. Đây được coi là cơ hội để phát triển mạnh hơn nữa thị trường cung cấp, phân phối phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời cũng là thách thức đối với công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. 
 
Bởi vậy, để quản lý tốt việc xuất, nhập khẩu phế liệu nhằm bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương và các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Đồng thời phải tăng cường giám sát các hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị này. Nếu phát hiện vi phạm, kiên quyết thu hồi giấy xác nhận và thông báo cho Hải quan không cho phép nhập phế liệu, cho đến khi đơn vị khắc phục, xử lý chất thải đảm bảo đúng quy định. 
 
Nhấn mạnh về điều này, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng, việc nắm rõ và thực thi hiệu quả các Công ước quốc tế cũng như các quy định quốc gia về môi trường là một trong những biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, sự phối hợp vào cuộc của lực lượng Hải quan, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường  và Sở TN&MT tại các địa phương có cảng biển, cửa khẩu được xem là yếu tố quan trọng ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả công tác này.
 
Theo bà Wanhua Yang, chuyên gia pháp lý Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương (Chương trình Môi trường Liên hợp quốc) cho biết: Để quản lý, kiểm soát buôn bán bất hợp pháp chất thải và hóa chất, các nhà làm chính sách của Việt Nam cần phải đưa ra những chế tài xử lý mạnh hơn đối với các đối tượng và hành vi buôn bán chất thải nguy hại. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc truyền đạt kinh nghiệm, tư vấn xây dựng chính sách hiệu quả nhằm đối phó với những mối nguy hại trong việc nhập khẩu, buôn bán chất thải nguy hại, phế liệu chưa qua kiểm soát, kiểm duyệt.
 
                                                                                                                                                                       Phương Anh

Số lượt người xem: 3468    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm