• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
1
7
1
0
1
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 27 Tháng Mười Một 2014 5:20:00 CH

Giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai: Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn

  

Tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: Hoàng Minh

 
Thời gian qua, việc tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp, đặc biệt là liên quan tới vấn đề như: Thu hồi, định giá, đền bù. Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc này ít được giải quyết dứt điểm và nếu có giải quyết thì mức độ hài lòng của người dân vẫn chưa cao.
 

Tranh chấp hành chính về đất đai cao

Theo thống kê, giai đoạn 2004 - 2012, tổng số vụ việc khiếu nại các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận và giải quyết là 528.401/612.115 vụ việc, đạt 86%, trong đó, hàng năm, khiếu nại hành chính liên quan đến đất đai luôn chiếm khoảng 70%. Riêng ngành TN&MT, từ năm 2004 đến năm 2011, đã tiếp nhận 59.751 lượt đơn của 29.671 vụ việc, trong đó khiếu nại hành chính về đất đai là 17.7113. Về khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài, tại thời điểm ngày 2/5/2012, các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát còn 528 vụ, đến ngày 11/7/2014, còn 34 vụ việc đang được tập trung giải quyết dứt điểm.

Các số liệu trên cho thấy, số tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai phát sinh và được các cơ quan hành chính Nhà nước thụ lý, giải quyết hàng năm là rất lớn. Số vụ việc tồn đọng, kéo dài trong lĩnh vực đất đai cũng được các cơ quan hành chính Nhà nước quan tâm giải quyết với tỷ lệ đáng kể. Tuy nhiên, qua việc xử lý, giải quyết các tranh chấp cho thấy có nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Một trong những nguyên nhân cơ bản phát sinh tranh chấp gay gắt trong giai đoạn vừa qua là do Luật Đất đai trước đây còn nhiều điểm chưa phù hợp trong việc thu hồi, định giá, đền bù, hỗ trợ tái định cư... Đây cũng là những nội dung mà trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đề nghị sửa đổi và có những thay đổi then chốt. Song, việc Luật Đất đai năm 2013 cụ thể hóa một phạm vi rộng các trường hợp được phép thu hồi đất và tùy thuộc vào quy mô sẽ cần có sự chấp thuận của Hội đồng nhân dân. Nếu việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện không tốt, có thể lại dẫn đến tình trạng lạm quyền, thu hồi đất tràn lan, tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là do đối tượng của các tranh chấp là các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong quản lý về đất đai, nhưng việc phân biệt giữa quyết định hành chính và hành vi hành chính trong các cơ quan có thẩm quyền đôi khi còn lúng túng. Đặc biệt, do chưa có đạo luật nào quy định về việc ban hành quyết định hành chính trong quản lý Nhà nước nói chung, trong quản lý về đất đai nói riêng nên việc ban hành các quyết định hành chính trong việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất còn có hiện tượng sai đối tượng, thiếu căn cứ, không tuân thủ trình tự thủ tục, thiếu công khai, dân chủ, công bằng, không thẩm tra xem xét xem người được giao có nhu cầu sử dụng đất hay không...

Cần hướng dẫn thi hành cụ thể

Để hạn chế những vấn đề đã nêu trên, một số chuyên gia cho rằng, cần hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 một cách cụ thể, tránh áp dụng tùy tiện vấn đề thu hồi đất theo hướng: Khẳng định rõ và rất hạn chế các trường hợp được coi là “thật sự cần thiết” mới được thu hồi, theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cần làm rõ hơn vai trò của Hội đồng nhân dân như là tiếng nói của người dân trong việc kiểm soát những quyết định thu hồi đất của UBND cùng cấp.

 Về xác định giá đất, cần quy định thành phần bắt buộc trong hội đồng thẩm định giá đất, không chỉ có UBND, đại diện ban, ngành liên quan, tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập, mà còn cần tới nhiều thành viên là các chuyên gia cao cấp về định giá đất mới đảm bảo việc định giá có cơ sở khách quan.

Bên cạnh đó, đổi mới về mô hình tổ chức bộ máy giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai như: Xác định rõ chế độ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, xử lý nghiêm những người vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại.

Đồng thời, hoàn thiện về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hành chính trong lĩnh vực đất đai: Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức đối thoại; luật sư tham gia quá trình giải quyết khiếu nại; công khai, minh bạch các tài liệu, chứng cứ của các bên; tăng cường việc “tranh tụng” để phá vỡ tính “khép kín” trong quá trình giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, quy định thẩm quyền, căn cứ, thủ tục xem xét lại khiếu nại khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật.

 

Trường Giang


Số lượt người xem: 4057    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm