• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
9
7
6
2
Thông tin tổng hợp lĩnh vực khác 29 Tháng Mười 2014 9:25:00 SA

Giao lưu trực tuyến: Gần doanh nghiệp, gắn bó với người dân

(TN&MT) - Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, giao lưu trực tuyến được xem là một kênh thông tin thông suốt, nhanh nhạy trong việc tiếp cận các phản hồi, giúp cho cơ quan quản lý có cơ sở điều chỉnh thường xuyên hoạt động của mình. Cũng như tinh thần các lần giao lưu trước, Bộ TN&MT tổ chức đợt giao lưu trực tuyến lần thứ 15 vào ngày 28/10/2014 nhằm đưa việc quản lý Nhà nước về TN&MT tiến tới gần doanh nghiệp, gắn bó với người dân hơn.
Những chính sách mới được đặc biệt quan tâm
 
 
Thứ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo phần giao lưu trực tuyến trong lĩnh vực địa chất khoáng sản (ảnh: Hoàng Minh)
 
Đúng như nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang ngay từ đầu phiên giao lưu rằng, nhiều chính sách mới của ngành được ban hành thu hút sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp, các câu hỏi gửi đến Bộ và các Sở hầu hết đều tập trung vào những vấn đề “nóng” và mới nhất của các lĩnh vực.
 
Trong cả 15 lần giao lưu trực tuyến, lĩnh vực đất đai luôn đứng số 1 về số lượng câu hỏi. Lần này cũng vậy, kết thúc buổi giao lưu sáng 28/10, hơn một nửa số câu hỏi tập trung vào vấn đề đất đai.
 
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, 2 vấn đề được quan tâm là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất. Hầu hết các trường hợp hỏi về cấp Giấy chứng nhận là thiếu hồ sơ giấy tờ hoặc đã có vi phạm trước đó.
 
Số lượng câu hỏi về giao đất, cho thuê đất ít hơn mọi lần. Có thể vì Luật Đất đai 2013 cùng các văn bản hướng dẫn đã giải quyết được những vấn đề căn bản.
 
Một điểm đáng chú ý trong đợt giao lưu này là Bộ nhận được nhiều câu hỏi của cán bộ ngành TN&MT tại các địa phương về Luật Đất đai 2013 và các Nghị định, Thông tư mới ban hành. “Hệ thống văn bản phạm luật về đất đai khá mới và nhiều, nên đây là dịp cán bộ địa chính các địa phương bày tỏ thắc mắc, Bộ giải đáp để thực thi công vụ tốt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nói.
 
Trong lĩnh vực địa chất khoáng sản, vấn đề thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đặc biệt thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, đây là một chính sách mới, ảnh hưởng sát sườn đến các doanh nghiệp nên họ quan tâm là điều dễ hiểu. Chính sách này ra đời giúp tăng thu ngân sách, tránh thất thoát tài nguyên, đồng thời tạo sự công bằng. Với việc áp dụng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, doanh nghiệp sẽ chú ý hơn đến thăm dò trữ lượng một cách chính xác, khai thác triệt để tài nguyên, loại bỏ được doanh nghiệp năng lực yếu kém… Với quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản, đó là những mục tiêu quan trọng.
 
Giải quyết ô nhiễm môi trường – một thách thức của phát triển bền vững – là vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm. Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, câu hỏi gửi đến Tổng cục Môi trường trong đợt giao lưu này đa dạng, rải đều các lĩnh vực trong quản lý môi trường. Trong đó, nhiều câu hỏi tập trung vào ô nhiễm trong hoạt động khai thác khoáng sản, ô nhiễm  môi trường trong hoạt động sản xuất, quỹ phục hồi và cải tạo môi trường.
 
 
Các đơn vị tập trung trả lời câu hỏi của người dân và doanh nghiệp (ảnh: Hoàng Minh)
 
Quy định về ký quỹ phục hồi và cải tạo môi trường sau khai thác khoáng sản trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 có nhiều điểm mới. Thêm nữa, Bộ TN&MT đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sẽ quy định chi tiết vấn đề này. Bởi thế, nhiều cơ quan, doanh nghiệp băn khoăn về các khoản tiền đóng quỹ, thủ tục đóng quỹ và cơ quan có trách nhiệm quản lý quỹ…
 
“Đây là một chính sách đúng đắn, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với nghĩa vụ cải tạo môi trường, nghĩa vụ trả lại cho cộng đồng môi trường sinh thái trong lành. Nếu chúng ta lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp để hài hòa trong chính sách sẽ được doanh nghiệp và người dân ủng hộ”, ông Đồng nói.
 
Biến đổi khí hậu, một lĩnh vực mới dù nhận được ít câu hỏi song đã thấy sự quan tâm của người dân. Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, vấn đề được hỏi là đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này. Đó cũng là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, ở cả trung ương và địa phương.
 
Ở TP. Đà Nẵng, ông Phạm Xuân Thu, Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Đà Nẵng cũng chia sẻ, 2 lĩnh vực được người dân quan tâm tại giao lưu đồng thời là hai vấn đề mà ngành TN&MT Đà Nẵng đang nỗ lực. Đó là giải quyết quyền lợi trực tiếp của người dân trong cấp giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở và quyền sử dụng đất. Hầu hết, người dân mong muốn cắt ngắn lại cải cách thủ tục hành chính. Người dân còn quan tâm đến công tác môi trường vì Đà Nẵng đang xây dựng trở thành thành phố môi trường.
 
Tiếp nhận - phản hồi để quản lý hiệu quả
 
Thường xuyên tổ chức giao lưu trực tuyến, lãnh đạo Bộ TN&MT nhận thấy rõ ưu thế của hình thức này trong quản lý Nhà nước. Đó là tạo ra được một kênh tiếp nhận – phản hồi từ thực tế đến chính sách.
 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: Giao lưu trực tuyến là một kênh tiếp nhận thông tin từ thực tế nhanh nhạy. Cũng từ những câu hỏi này, Bộ và các Sở đã nhận thấy những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, pháp luật của ngành. Từ đó nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Với những vụ việc cụ thể, các đơn vị giải quyết, tháo gỡ ngay.
 
Có thể nhận thấy một thực tế sinh động từ các câu hỏi gửi đến buổi giao lưu này. Từ thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp trồng lúa đến ô nhiễm sông Ba Bò còn tiếp diễn, khó khăn trong thực hiện ký Quỹ bảo vệ môi trường ở Lào Cai… Hay người dân cần thông tin những khái niệm về biển đảo như cách phân biệt về đảo, bãn cạn, cồn…
 
Hiếm có kênh thông tin nào mà Bộ cùng các địa phương có thể tiếp nhận được nhiều ý kiến của người dân, đồng thời ngành TN&MT có thể trả lời, phản hồi được nhiều nội dung trong thời gian ngắn như vậy.
 
“Thực tế là thông qua các đợt giao lưu trực tuyến, đã giảm thiểu tối đa khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành. Chính vì thế, giao lưu trực tuyến trở thành diễn đàn quen thuộc và tin cậy, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp”, ông Phạm Xuân Thu, Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Đà Nẵng nói.
 
9 năm, giao lưu trực tuyến đã trở thành một dấu ấn của ngành TN&MT đối với người dân và doanh nghiệp. Cứ đều đặn mỗi năm 2 lần, ngành TN&MT lại “gặp gỡ” nhân dân trong buổi giao lưu trên mạng internet này.
 
 
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại Bộ TN&MT (ảnh: Hoàng Minh)
 
Hiệu quả từ mỗi cuộc không chỉ nằm ở số lượng câu hỏi, vấn đề được quan tâm mà mấu chốt chính là sự vào cuộc đồng bộ của toàn ngành TN&MT, các cấp, các địa phương trong việc tuyền truyền phổ biến pháp luật và giải đáp vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
 
Dĩ nhiên, giao lưu trực tuyến chỉ là một kênh phục vụ quản lý Nhà nước. Ông Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Bộ nhấn mạnh: Ngoài việc triển khai hệ thống giao lưu trực tuyến, Bộ còn triển khai nhiều hình thức khác để tiếp nhận và giải đáp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân và doanh nghiệp, như thông qua Cổng thông tin điện tử, đường dây nóng và Văn phòng một cửa.
 
Lãnh đạo Bộ TN&MT đã và sẵn lòng chờ đợi những câu hỏi đa dạng của người dân và doanh nghiệp, không chỉ qua hình thức giao lưu trực tuyến.
                                                                                                                                                    Nhóm PV Báo TN&MT

Số lượt người xem: 3307    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm