• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
3
6
7
5
7
Tin tức sự kiện 05 Tháng Chín 2012 1:50:00 CH

Thực trạng ô nhiễm kênh rạch TPHCM: Đáng lo ngại

Xả rác ra đường đã và đang trở thành thói quen đáng lo ngại của người dân TPHCM. Không chỉ vậy, số doanh nghiệp cố tình lén lút xả thải chưa qua xử lý nhằm tiết giảm chi phí xử lý môi trường vẫn còn khá phổ biến. Điều này minh chứng rõ bằng thực tế đáng lo ngại chất lượng nguồn nước kênh rạch khu vực nội thành bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải ngập các dòng kênh, hệ thống hố ga gây nghẽn dòng chảy, đẩy tình trạng ngập lụt tại TP ngày càng gia tăng và diễn biến khó lường.

Rác ngập gây ô nhiễm kênh Tân Hóa, quận Tân Phú. Ảnh: Diễm Thy

Rác và nước thải độc chiếm kênh rạch

Ông Huỳnh Lê Khoa, Phó phòng Khai thác tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết, kết quả khảo sát của sở đã cho thấy phần nước thải sản xuất thải ra tập trung khu vực nội thành và dọc hệ thống sông Sài Gòn. Điều này được chỉ ra dựa trên thống kê địa chỉ các doanh nghiệp được cấp phép xả thải. Phần lớn lưu lượng nước thải sinh hoạt và sản xuất tồn lưu quanh khu vực xả thải hoặc bị áp lực thủy triều đẩy ngược về phía thượng du. Không chỉ vậy, hệ thống kênh rạch TP đang phải đối mặt với vấn nạn rác thải do người dân vứt xuống.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP bức xúc, hiện thành phố có 10 triệu dân đang sinh sống nên mỗi ngày thải ra hàng triệu mét khối nước thải sinh hoạt. Mặt khác, TP đang có khoảng 2.000km kênh thoát nước, hơn 100.000 hố ga và 800 cửa xả thải. Thế nhưng, nạn xả rác bừa bãi của người dân đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ hệ thống thoát nước trên của TP. Không chỉ thế, tình trạng lấn chiếm kênh diễn ra khá phổ biến trong khu dân cư.

Thống kê đến cuối tháng 7-2012 có đến 41 vị trí kênh bị lấn, thậm chí có những nơi không còn sự tồn tại của con kênh vì người dân đã tự ý san lấp làm nhà ở.

Ông Bùi Văn Trường, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị cho biết thêm, hiện có rất nhiều kênh bị thu hẹp quá nhiều diện tích đến nỗi không thể sử dụng phương tiện máy móc để thực hiện vớt rác hay nạo vét lòng kênh. Thay vào đó công ty phải thực hiện rất thủ công vừa gây nguy hiểm cho công nhân lao động vừa hạn chế hiệu quả thực hiện. Thậm chí, có những con kênh bị bao vây trọn trong khu dân cư không thể cải tạo được và trở thành những ổ chứa ô nhiễm.

Ngân sách TP mỗi năm bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nạo vét kênh rạch nhưng vừa nạo vét xong thì chỉ trong một thời gian ngắn chuyện đâu lại vào đó, rác vẫn ngập kênh. Trao đổi thêm về vấn đề này, đại diện UBND quận 4 khẳng định, trường hợp phường 3, 5 là điển hình. Người dân xây nhà sàn lấn ra kênh rạch khiến cho lòng kênh bị thu hẹp gần hết. Hiện khu này rác dày đặc tràn vào dưới sàn nhà dân nhưng quận rất khó cải thiện vệ sinh do không thể đưa máy móc vào nạo vét được.

Hệ lụy khôn lường

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh nhấn mạnh, hầu hết nước kênh khu vực nội thành đều có màu nâu đen, mùi hôi rất nặng. Đặc biệt những tuyến kênh có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất hoặc kênh tiêu thoát nước gần khu vực khu chế xuất, khu công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp.

Điều đáng nói, những nhóm bệnh phát sinh cho cộng đồng từ việc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm rất khó lường trước. Có thể tạm thống kê như nhóm các bệnh do vi sinh vật gây ra bao gồm các bệnh về đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt, giun sán, bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh về mắt…

Nhóm các bệnh khác không do sinh vật gây ra mà do có khoáng chất vượt quy định như các bệnh về da (asen), hệ thần kinh (thủy ngân, chì), chất thải hóa học khác có nồng độ cao có thể gây ngộ độc… Đáng lo ngại là các bệnh do hóa chất thường không xuất hiện tức thời mà độc tính của các hóa chất tích lũy lâu dần gây nên các bệnh mãn tính. Phổ biến nhất là tình trạng gia tăng người mắc các chứng bệnh về ung thư, dị tật thai nhi, khuyết tật thần kinh…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 80% bệnh tật ở nước ta có liên quan đến nước và vệ sinh môi trường bị nhiễm bẩn. Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định, mỗi năm có hơn 20.000 người Việt Nam chết do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm và mất vệ sinh.

Ông Huỳnh Lê Khoa khẳng định, phải dừng ngay việc cấp phép hoạt động những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh ô nhiễm cao; xây dựng chính sách hỗ trợ, định hướng doanh nghiệp chuyển đổi sang hoạt động ngành nghề ít phát thải hơn và đầu tư cải thiện hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo chất thải được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường; nên có biện pháp cấp chỉ tiêu xả thải sao cho hạn chế đối với những doanh nghiệp có lượng xả thải ô nhiễm lớn nhưng hiệu suất kinh tế không cao như dệt nhuộm, xi mạ, chế biến thực phẩm…

Theo TS Trần Thị Mỹ Diệu, Đại học Văn Lang TP, để ngăn người dân không xả rác xuống kênh cần xem xét lại giải pháp tuyên truyền. Theo đó, nên đầu tư sâu và phải thực hiện thường xuyên hơn nữa công tác tuyên truyền; tăng cường xử phạt những trường hợp ném bỏ rác xuống kênh rạch.

Ông Bùi Văn Trường nhấn mạnh thêm, cần sửa đổi cách phối hợp giữa các đơn vị quản lý kênh rạch. Hiện có rất nhiều đơn vị đồng quản lý kênh rạch nên khó tránh khỏi trường hợp “cha chung không ai khóc” và “bắt cóc bỏ dĩa”. Trên thực tế đã có trường hợp quận này xử phạt thì người vi phạm lại chạy qua địa phận của quận khác. Như vậy nếu không có sự phối hợp tốt giữa các quận huyện và các đơn vị liên quan, đành bó tay với hành vi xả rác của người dân.


Số lượt người xem: 9209    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm