• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
0
2
6
7
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 15 Tháng Hai 2019 10:15:00 SA

Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia xử lý chất thải cho TPHCM

 

 

 
Gần 13.000 tấn rác/ngày là số lượng rác thu gom được trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, thành phố không chỉ đang chịu áp lực nặng nề về hạ tầng tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt, mà còn cả với rác thải công nghiệp, nguy hại và y tế.     
 

Ô nhiễm gia tăng

Theo phân tích của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trung bình mỗi năm, số dân cơ học của thành phố tăng 200.000 người. Thực tế này đã gia tăng áp lực nặng nề lên nhu cầu đầu tư về hạ tầng. Với lĩnh vực môi trường, sự gia tăng nhanh của dân số đã khiến cho lượng rác thải nói chung cũng tăng nhanh.

Chỉ tính riêng với loại rác thải sinh hoạt, năm 2009, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở mức 6.000 - 6.500 tấn/ngày, thì đến nay, con số này đã tăng lên 9.000 - 12.000 tấn/ngày, cao điểm có thể tăng đến 15.000 tấn rác/ngày.

Rác thải xây dựng cũng tăng từ 500 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày; rác thải nguy hại tăng từ 150 tấn/ngày lên gần 500 tấn/ngày; rác thải y tế cũng tăng từ 13 tấn/ngày lên gần 100 tấn/ngày…

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, khối lượng rác thống kê được chỉ mới là phần đang được các đơn vị có chức năng thu gom và xử lý.

Ngoài ra còn lượng lớn rác thải công nghiệp, sinh hoạt, nguy hại, rác thải y tế của các phòng khám đa khoa, cơ sở y tế vẫn lén lút thải bỏ ra môi trường mà các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát và thống kê hết. 

Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia xử lý chất thải cho TPHCM ảnh 1
Xử lý rác thải sinh hoạt tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
 
Lượng rác thải sinh hoạt gia tăng đã gây sức ép đáng kể lên hạ tầng tiếp nhận cũng như xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Ghi nhận từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy, hạ tầng tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt vẫn tập trung chủ yếu về Đa Phước, chiếm 70%/tổng lượng rác. Số còn lại chia về xử lý tại Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar. Số ít lượng rác thải hồi sau khi tái chế compost thì cũng đang được chuyển sang chôn lấp tại bãi chôn lấp rác Phước Hiệp. 

Ở khía cạnh khác, việc gia tăng dân số cộng với chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây của TPHCM cũng làm gia tăng lượng nước thải, khí thải ô nhiễm từ hoạt động giao thông và công nghiệp.

Hiện chưa có thông kê đầy đủ về nồng độ khí thải ô nhiễm trong không khí, do hệ thống quan trắc tự động đã bị hư hỏng và chưa được đầu tư mới hoàn chỉnh.

Thành phố vẫn phải kiểm soát nồng độ khí thải bằng phương pháp đo đạc thủ công tại một số điểm nghẽn giao thông nhất định, nhưng kết quả chỉ mang tính chất tham khảo, không thể đánh giá cho tổng thể chất lượng không khí trên toàn địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, dựa vào số lượng phương tiện cá nhân là 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và gần 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì hoàn toàn có thể khẳng định nồng độ khí thải ô nhiễm trong không khí trên địa bàn thành phố là rất cao. 

Nhiều cơ hội để xử lý 

Trong bối cảnh sức ép lượng chất thải gia tăng nhanh, cơ sở hạ tầng của thành phố vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể, tính cho đến nay, việc xử lý rác thải sinh hoạt vẫn dựa chủ yếu vào công nghệ chôn lấp. Do vậy, dù nỗ lực tiếp nhận nhưng trong nhiều trường hợp khí thải phát sinh từ bãi chôn lấp vẫn gây ảnh hưởng nặng nề chất lượng môi trường sống của người dân.

Riêng với khí thải và rác thải công nghiệp thì cho đến nay vẫn chưa được kiểm soát chặt. Với chất thải công nghiệp, hiện tại các quận ven như Thủ Đức, 12, Bình Tân, Tân Phú và huyện Hóc Môn, Bình Chánh… vẫn tồn tại nhiều bãi chất thải công nghiệp do các cơ sở sản xuất lén lút đổ bỏ ra môi trường.

Còn với khí thải, dù thành phố đã nỗ lực tăng khả năng sử dụng phương tiện công cộng nhưng cho đến nay, số lượng xe cá nhân vẫn tăng “chóng mặt”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết sở đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp tham gia đấu thầu đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt, bùn thải và nước thải; đề xuất UBND TP về việc điều chỉnh mức phí xử lý nước thải.

Những giải pháp này vừa giúp tăng sức hấp dẫn đầu tư hạ tầng môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, vừa giúp giảm áp lực lên nguồn ngân sách phải chi cho các hoạt động xử lý chất thải hiện nay.

Cũng phải nói, từ ngày 1-6-2018, UBND TPHCM đã xóa bỏ cơ chế bao cấp chi phí xử lý rác thải y tế cho những cơ sở y tế ngoài công lập có phát sinh lợi nhuận và chỉ hỗ trợ một phần chi phí xử lý cho cơ sở y tế công lập; còn với chất thải rắn công nghiệp thì chủ nguồn thải sẽ phải chi trả chi phí xử lý. Do vậy, gánh nặng ngân sách ở lĩnh vực này cũng đã giảm đáng kể.  

Liên quan đến việc đầu tư xử lý rác theo hướng hiện đại hơn, ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết, công ty đang đề xuất với UBND TP cho phép chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt phát điện với công nghệ hiện đại của Nhật Bản, đồng thời đề xuất cho phép đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải xây dựng.

Trước đó, Tập đoàn Mitsubishi đã làm việc với UBND TPHCM để tìm hiểu cơ hội đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện. Riêng Công ty cổ phần Tasco, sau khi được UBND TP phê duyệt đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện vào cuối năm 2018, hiện đang nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án để có thể đưa vào hoạt động năm 2020.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, dù TPHCM đã cố gắng cải tiến về thủ tục đầu tư, nhưng nhiều thủ tục hành chính vẫn rất rườm rà, phức tạp, quy trình xét duyệt dự án còn thiếu minh bạch và công khai. Do vậy, thành phố cần sớm giải quyết những rào cản trên để doanh nghiệp không còn e ngại khi mong muốn tham gia vào lĩnh vực này.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, nguyên Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho rằng lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt đang rất hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. TPHCM cần tận dụng tối đa lợi thế này để giảm chi cho ngân sách, đồng thời tăng hiệu quả xử lý môi trường. Riêng lĩnh vực xử lý nước thải và bùn thải vốn cũng hấp dẫn nhà đầu tư, nhưng vì chưa ban hành đơn giá chuẩn cụ thể nên khó cho doanh nghiệp tiếp cận. 

 

 

Nguồn: SGGPO 


Số lượt người xem: 2402    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm