• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
9
2
2
2
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 03 Tháng Mười Hai 2018 7:30:00 SA

Không phân loại rác, bị phạt đến 20 triệu

 

 


Không phân loại rác, bị phạt đến 20 triệu
(PL)- Từ ngày 24-11, nhiều người dân ở TP.HCM phải phân loại rác tại nguồn trước khi giao cho đơn vị thu gom nhưng đến nay rất nhiều người chưa biết cách phân loại rác.
 

 

Quyết định 44/2018 của UBND TPHCMquy định người dân, đơn vị tiếp nhận rác phải phân loại rác tại nguồn, nếu không phân loại rác thì có thể bị xử phạt từ 15 triệu đến 20 triệu đồng (theo Nghị định 155/2016).

Tuy nhiên, trên thực tế người dân còn rất thờ ơ với việc phân loại này vì chưa thấy chính quyền phổ biến cụ thể. Bên cạnh đó, các đơn vị thu gom rác cũng mới chỉ nghe phong phanh thông tin này.

Dân: Phải đọc báo mới biết

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại phường Trường Thạnh, quận 9, hầu hết người dân chưa biết thông tin và vẫn gom rác chung một loại đổ như mọi ngày.

Chị Tống Thị Phương, phường Trường Thạnh, chia sẻ: “Tôi cũng nghe báo chí nói phải phân loại rác hữu cơ, vô cơ nên cũng lên mạng tìm hiểu. Đáng lý chính quyền phải hướng dẫn người dân cách phân biệt các loại rác, dán nhãn các túi rác như thế nào”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, quận 9 cũng nôn nóng: “Không hiểu sao Quyết định 44/2018 đã có hiệu lực nhưng chính quyền vẫn chưa triển khai đến từng hộ dân. Tôi đi ngang qua đường thấy họ căng băng rôn quá trời thì mới biết. Tôi cũng thắc mắc không biết việc phân loại này có bắt buộc không nữa”.

 
 
 

Không phân loại rác, bị phạt đến 20 triệu - ảnh 1
Người dân chưa biết rõ cách phân loại rác vì mới nghe thông tin qua báo chí. Ảnh: ĐÀO TRANG

Phường: Đường còn xa lắm!

Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, cho biết ngay khi báo chí đưa tin về Quyết định 44 của UBND TP.HCM, ông đã lên mạng tải xuống để nắm thông tin và triển khai cho người dân trên địa bàn phường nắm trước. Đồng thời, tiếp tục đợi kế hoạch triển khai cụ thể từ UBND quận.

Theo ông Sơn, theo như Quyết định 44 đưa ra thì thời gian triển khai quá gấp (ký ban hành ngày 14-11-2018; có hiệu lực ngày 24-11-2018). “Vì thế, chúng tôi chú trọng hướng dẫn người dân biết cách phân loại, dán nhãn phân biệt rác trước. Việc xử phạt các trường hợp vi phạm để tính sau vì cần có lộ trình triển khai” - ông Sơn nói.

Đại diện UBND xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè cho biết hiện nay xã này chưa được triển khai thông tin về việc phải phân loại rác tại nguồn. Trong khi đó, cả huyện Nhà Bè mới làm thí điểm phân loại rác ở xã Phú Xuân nhưng cũng chưa mang lại hiệu quả.

Do xã Phước Lộc có địa hình cách trở bởi sông, mang đậm chất nông thôn nên việc thu gom còn khó khăn. Hiện nay UBND xã cũng chỉ tuyên truyền, vận động người dân tự phân loại rác tại nhà.

Đơn vị trung chuyển rác: Nơi biết, nơi không

Ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) đầu tư xây dựng công trình (quận 12, TP.HCM), khá bất ngờ khi nghe PV hỏi về việc các đơn vị thu gom, tổ chức, cá nhân phải phân loại rác. Ông Chánh cho rằng mình chỉ là đơn vị trung chuyển nên không nắm rõ điều này.

Ông Vũ Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận Thủ Đức, thông tin rằng đến nay trên địa bàn quận Thủ Đức mới chỉ triển khai thực hiện trên các phường Bình Thọ, Linh Tây và Linh Chiểu.

Theo ông Bảo, hiện nay trên địa bàn quận đang tập trung vào công tác vận động, tuyên truyền, đến năm 2019 mới triển khai đồng bộ. Thực tế, phân loại rác đang diễn ra thí điểm nhưng có hộ tự giác, có hộ không làm. Đến khi thu gom lại thì toàn bộ rác lại đổ chung một chỗ, như vậy việc phân loại hết sức lãng phí. Nếu theo Quyết định 44/2018, người dân không tuân thủ quy định phân loại rác thì đơn vị thu gom không nhận rác và xử phạt, việc này chưa có nơi nào từng làm.

Lý giải về khó khăn trong công tác triển khai, ông Bảo cho biết đường dây rác dân lập có lẽ là đơn vị khó thay đổi nhất vì họ không đủ điều kiện để trang bị xe mới.

Đơn vị gom rác dân lập: Có nghe đâu đó

anh Lâm Quốc Thẳng, đơn vị thu gom rác dân lập ở một số phường ở quận Tân Bình và quận 3, chia sẻ: “Đến nay tôi vẫn chưa nghe thấy ai nói gì đến chuyện phân loại rác dân lập. Xe thu gom rác của tôi vẫn thu gom bình thường như trước kia. Nhữngở quận  người dân trước khi vứt rác cũng có phân loại gì đâu. Nay nghe chị (PV) nói thì tôi mới biết đến chuyện phân loại rác, phải nâng cấp xe và xử phạt nếu không phân loại,… Việc này khó thực hiện quá. Nếu người dân tự có ý thức phân loại và đơn vị thu gom chỉ tiếp nhận thì sẽ nhanh hơn rất nhiều. Còn vấn đề nâng cấp các dòng xe cho phù hợp với tiêu chuẩn đặt ra thì tôi nghĩ từ từ làm vì đa số thu gom rác dân lập đều là dân nghèo”.

Tương tự, chị CTTN, một người thu gom rác dân lập ở Thủ Đức, cho biết: “Quận Thủ Đức có mời các đơn vị rác dân lập đến để phổ biến việc thu gom và phân loại rác dân lập nhưng buổi sáng chúng tôi còn bận việc nên không dự họp được. Các phường cần chỉ cụ thể cho người dân phân loại rác trước đã, vì đi đến đâu tôi cũng thấy khẩu hiệu hô hào, song tôi có thấy người dân nào tự phân loại đâu. Khi chúng tôi thu gom thì phải phân loại lại từ đầu nên rất mất thời gian. Tôi nghĩ rằng chuyện phân loại rác cần phải làm đồng bộ, có lộ trình tiến từ gốc lên đến ngọn thì mới khả thi”.

Không phân loại rác, bị phạt đến 20 triệu - ảnh 2
Các xe thu gom rác dân lập cũng chưa có thùng ngăn để phân loại các loại rác. Ảnh: ĐÀO TRANG

Làm ở các chung cư trước

Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch quận Gò Vấp, cho biết hiện nay UBND phường mới triển khai kế hoạch, kinh phí, vốn ngân sách tới các địa phương về việc phân loại rác tại nguồn. Theo ông Khang, khó khăn hiện nay không phải là việc tuyên truyền người dân mà là làm sao để vận động các đơn vị thu gom rác dân lập hoạt động như các công ty dịch vụ công ích thì việc phân loại rác mới mang lại hiệu quả.

Để làm việc này đầu tiên quận sẽ triển khai ngay ở các chung cư, các khu dân cư có ban quản lý, khu phố tự quản trước. Những nơi này làm hạt nhân để nhân rộng ra toàn địa bàn quận. Song song đó, quận yêu cầu các phường phải tuyên truyền sâu, rộng đến người dân về công tác phân loại rác. Đối với đơn vị thu gom rác dân lập thì cần chuyển đổi có lộ trình, không thể ép họ phải trang bị ngay xe mới mà cần từng bước để họ cơ giới thùng (có những thùng đụng các loại rác riêng). Các trạm trung chuyển, đơn vị tiếp nhận cũng cần xây dựng các bô chứa rác các loại. Nếu đơn vị thu gom rác không phân loại thì các điểm tập kết rác có quyền không tiếp nhận rác.

 

 

Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh


Số lượt người xem: 2086    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm