• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
4
5
9
6
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 23 Tháng Ba 2017 9:25:00 SA

Ngày Nước thế giới (22/3): Cần coi nước thải là tài nguyên


 

 




 

 
Ngày Nước thế giới năm 2017 có chủ đề “Nước thải” hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc phải xử lý nước thải đảm bảo an toàn cho môi trường, tái sử dụng nước thải và coi nước thải là nguồn tài nguyên.
 

Hưởng ứng sự kiện quan trọng này, ngày 22/3, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2017. Trước thềm sự kiện, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Bẩy (ảnh) - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước xung quanh vấn đề nước thải và tái sử dụng nước thải một cách bền vững.

PV: Xin ông cho biết, ý nghĩa của Ngày Nước thế giới 2017? Bộ TN&MT triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm nay?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Ngày Nước thế giới 2017 có chủ đề là “Nước thải” hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và tái sử dụng nước.

“Nước thải” được chọn làm chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2017 nhằm kêu gọi việc giảm thiểu nước thải và tái sử dụng nước, tránh lãng phí và cải thiện vòng tuần hoàn nước cho các sinh vật sống, hướng đến thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể là Mục tiêu thứ 6 (SDG6): “Đảm bảo đến năm 2030 việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người thông qua việc giảm tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý và tăng cường tái sử dụng nước an toàn”. Trong đó, Mục tiêu 6.3 (SDG 6.3): “Xử lý và sử dụng nước thải an toàn góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe và tinh thần”.

 

Để tổ chức sự kiện quan trọng này, Bộ TN&MT tổ chức Lễ Mít tinh quốc gia và các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới từ ngày 17 đến 22/3/2017 tại TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, đồng thời, gửi Công văn phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2017 trên 63 tỉnh, thành toàn quốc. Các hoạt động chính hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2017 gồm: Hội thảo khoa học với chủ đề “Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải – Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững”; Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2017.

 

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền cũng được Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan tổ chức song song như: Phát trailer tuyên truyền, quảng bá Ngày Nước thế giới năm 2017 trên VTV1, VTC14 và các Đài Phát thanh và Truyền hình trên toàn quốc; Phát trailer tuyên truyền, quảng bá Ngày Nước thế giới năm 2017 trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh; Treo băng rôn, phướn, áp phích về Ngày Nước thế giới tại các tuyến đường chính của Bắc Ninh ngày 17 - 22/3; Trưng bày ảnh và sản phẩm công nghệ sử dụng tiết kiệm nước.

 

PV:  Ông có thể đánh giá tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại nước ta hiện nay như thế nào và nguyên nhân do đâu?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Hiện nay, ở nước ta có 108 lưu vực sông (LVS), với khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830 tỷ m3 đến 840 tỷ m3, trong đó, có hơn 60% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài, chỉ có khoảng từ 310 tỷ m3 đến 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng với sự đô thị hóa nhanh và phát triển công nghiệp, các vấn đề môi trường như rác thải, nhất là tình trạng ô nhiễm nước ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng tới hiệu quả, tính cạnh tranh sản phẩm và đặc biệt là sức khỏe của người dân. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT, trung bình mỗi năm, có khoảng 9 nghìn người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm; có trên 200 nghìn trường hợp được phát hiện ung thư, mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

 

Hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều đã và đang ô nhiễm với các mức độ khác nhau, trong đó, ô nhiễm chủ yếu các vùng trung và hạ lưu; khu vực tập trung đông dân cư và các KCN hiện tượng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Ngoài ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như: Nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nước biển Việt Nam cũng có dấu hiệu ô nhiễm do sự ô nhiễm từ các lưu vực sông, do các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển…

 

Hiện, cả nước có hơn 770 đô thị, trong đó, có hai đô thị đặc biệt; 15 đô thị loại một; 14 đô thị loại hai; 53 đô thị loại ba; 65 đô thị loại bốn và còn lại là đô thị loại năm. Tuy vậy, tỷ lệ số dân đô thị hưởng dịch vụ thoát nước mới chiếm khoảng 60% và tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới đạt khoảng 12%. Điển hình như tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phần lớn nước thải sinh hoạt (không được xử lý, đổ thẳng vào các ao, hồ, sau đó, chảy ra các con sông lớn tại vùng châu thổ sông Hồng và sông Đồng Nai – Sài Gòn. Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất, các lò mổ cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải. Ngay cả các bệnh viện, hiện thải khoảng 7 nghìn m3/ngày, chỉ có 30% là được xử lý.

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước do: Ô nhiễm nước thải sinh hoạt, hiện nay, việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình còn hạn chế, chỉ có một số thành phố lớn mới có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung được một phần nhỏ, còn lại hầu hết nước thải từ các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi.

 

Tại các KCN, cụm KCN và các nhà máy, xí nghiệp nhỏ lẻ, việc đầu tư và áp dụng công nghệ xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều KCN, cụm KCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc một số cơ sở sản xuất có xử lý nước thải nhưng không đạt quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, còn một lượng lớn nước thải công nghiệp từ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, từ các hộ sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ gần như đều không được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước tiếp nhận.

 

Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc BVTV, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp; hoạt động nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân thủ quy trình kỹ thuật trong nhiều năm qua, đã gây nhiều tác động tiêu cực tới chất lượng nguồn nước; môi trường nước bị ô nhiễm chất hữu cơ, phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc…

 

Những năm gần đây, các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước được đổi mới, hoàn thiện. Tuy vậy, bên cạnh những hạn chế về nguồn lực thực hiện, nhất là nguồn nhân lực và tài chính, nhận thức và ý thức chấp hành của cộng đồng chưa cao là cản trở lớn nhất trong bảo vệ nguồn nước. Hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về TNN và môi trường, tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm vẫn không ngừng gia tăng về cả mức độ lẫn quy mô.

 

PV: Trong bối cảnh thế giới đang chịu nhiều áp lực về nước gia tăng, quản lý nước thải đang đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu an ninh nước toàn cầu. Vậy, để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Thời gian tới, bên cạnh việc triển khai thực hiện việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nhiều hoạt động khai thác như: thủy điện, sản suất công nghiệp, khai thác nước dưới đất để tưới cây công nghiệp.... như Luật Tài nguyên nước đã quy định và Bộ TN&MT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để xem xét ban hành nhằm thúc đẩy ý thức và tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn, cũng cần đẩy mạnh việc thực thi các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm theo Nghị định đã được Chính phủ ban hành, trong đó, đã quy định cụ thể cả việc ưu đãi đối với việc đầu tư chiều sâu để tái sử dụng nước thải, sử dụng nước tuần hoàn.

 

Đồng thời, một giải pháp đặc biệt quan trọng là phải thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước như Luật Tài nguyên nước đã quy định. Bộ TN&MT đang xem xét, ban hành thông tư quy định cụ thể về việc này. Theo đó, sẽ xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải, nghĩa là các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải... và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do nhà nước đầu tư (bao gồm phần cứng, phần mềm và đường truyền) tạo thành một hệ thống thống nhất giữa Trung ương, địa phương, thậm chí, trên từng lưu vực sông. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương với các phần mềm phân tích, xử lý số liệu trực tuyến sẽ theo dõi thường xuyên, phát hiện và cảnh báo, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật.

 

Qua đó, tôi cho rằng, nếu chúng ta sớm đưa cơ chế giám sát này vào thực thi sẽ có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế mạnh tình trạng không tuân thủ trong việc xả nước thải và việc vận hành bảo đảm dòng chảy tối thiểu, gây ô nhiễm, cạn kiệt các dòng sông như hiện nay.

 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ước tính, trên 80% lượng nước thải toàn cầu không được tái sử dụng hoặc xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý. Mỗi năm, có khoảng 842.000 người tử vong do sử dụng nguồn nước không an toàn và kém vệ sinh. Đến năm 2050, gần 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố, hiện nay, tỷ lệ này là 50%.

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT


Số lượt người xem: 2335    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm