• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
5
4
9
8
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 21 Tháng Mười Một 2016 8:10:00 SA

Chỉnh trang đô thị để chống ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường

 

 

Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình là mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể người dân thành phố. Vậy đâu là con đường tốt và nhanh để tới đích? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố, người đã trực tiếp tham gia xây dựng nhiều đồ án quy hoạch của TPHCM, về vấn đề này.

 

Áp dụng chính sách “nước chảy chỗ trũng”

- PV: Thưa ông, với rất nhiều khó khăn, trở ngại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lại phải đối mặt với 3 vấn nạn lớn: ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, TPHCM sẽ phải bắt đầu từ khâu đột phá nào để xây dựng thành phố trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình?

 

>> Ông HOÀNG MINH TRÍ: Theo tôi, thành phố nên bắt đầu bằng việc nghiên cứu, sắp xếp toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội làm 2 nhóm. Nhóm 1 bao gồm các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhóm 2 là nhóm đầu tư xây dựng. Với nhóm 1, TPHCM ban hành hoặc đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển. Muốn tập trung đầu tư vào đâu, TPHCM nên áp dụng chính sách “nước chảy chỗ trũng”. Phần còn lại, thị trường sẽ điều tiết. Nhóm 2 cũng cần có những cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển nhưng vai trò định hướng của Nhà nước rất quan trọng. TPHCM đang đối mặt với 3 vấn nạn lớn: ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, TPHCM phải hướng được nguồn lực vào chỉnh trang đô thị. Chỉnh trang đô thị thành công sẽ có vai trò quyết định đến việc giải quyết 3 vấn nạn nêu trên.

 

- Phải chăng ông đang nói tới chương trình đột phá thứ 7 của thành phố: chỉnh trang và phát triển đô thị?

 

Chương trình đột phá thứ 7 của thành phố triển khai thực hiện 4 nội dung: Di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch; Xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp; Chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; Xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại. Tôi muốn nói đến một nội dung rộng hơn trên cơ sở kết hợp đồng bộ nội dung thứ 2 và thứ 3, đó là sửa chữa chung cư cũ kết hợp “khoét lõm” cả khu vực. Công trình xây mới sẽ theo hướng “nén”, giảm mật độ xây dựng, tăng chiều cao công trình để có thêm quỹ đất cho phát triển giao thông và các công trình công cộng khác. Đây cũng chính là phương thức cấu trúc lại thành phố theo hướng văn minh, hiện đại. Một trong những lý do quan trọng gây quá tải giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác khi xây dựng các cao ốc đơn lẻ là cao ốc xây mới, kéo thêm người đến ở nhưng diện tích đất dành cho giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác không thay đối. Một khi có thêm quỹ đất cho giao thông thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ giảm. Thêm đất cho các công trình công cộng khác, đặc biệt là công viên, cây xanh sẽ có tác động tích cực cho việc chống ngập, hạn chế ô nhiễm môi trường. Và không chỉ có việc sửa chữa chung cư cũ, ở những khu vực nhà lụp xụp, bị ngập nước, kẹt xe…, TPHCM cũng nên tiến hành “khoét lõm” chỉnh trang đô thị để giải quyết các tồn tại này. Cải tạo nhà trên kênh rạch phải gắn liền với việc khai thác quỹ đất dọc các tuyến kênh được chỉnh trang, cải tạo. Một phần kinh phí thu được để xây dựng cao ốc, giúp tái định cư tại chỗ cho người dân, phần nữa để cho đầu tư phát triển thành phố. 

 

Gỡ nút thắt về đền bù, giải tỏa cho nhà đầu tư

- Trước đây, TPHCM đã từng tiến hành chỉnh trang đô thị theo hướng “khoét lõm” cả khu vực. Kết quả, những khu vực được chỉnh trang đã thay đổi tốt đẹp đến không ngờ như khu vực Xóm Cải (quận 5) và một số khu vực ở quận 4. Tại sao bài học ấy chưa được phát huy?

 

Theo tôi, có lẽ do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khó khăn. Nhiều nhà đầu tư rất ngại công việc này. Hiện công tác giải phóng mặt bằng trong các dự án kinh doanh bất động sản phụ thuộc hoàn toàn vào việc thương thảo đền bù giữa nhà đầu tư và người dân. Cho nên khi gặp những người dân chưa hiểu mục đích của việc chỉnh trang đô thị, họ không muốn di dời, nhà đầu tư không thể làm gì được. Đã có nhiều trường hợp người dân ở các khu chung cư xuống cấp, không an toàn nhưng vẫn không chịu di dời hoặc đồng ý di dời với yêu cầu bồi thường rất lớn và dự án phải… bất động. Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước cho cơ chế tòa phân giải trong các trường hợp như vậy. Thế nhưng, kiến nghị chưa được chấp thuận. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư. Để giải quyết một phần thách thức này, thời gian qua TPHCM đã tiến hành giải phóng mặt bằng, đấu giá một số khu đất và giao đất cho nhà đầu tư được chọn. Tuy nhiên, số này không nhiều. Nguyên nhân: ngân sách hạn hẹp, hơn nữa cán bộ làm công tác này cũng thiếu nên thành phố đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm khác. Để triển khai rộng rãi công tác chỉnh trang đô thị, TPHCM phải gỡ được những nút thắt này.

 

Một góc quận 4 sau khi chỉnh trang đô thị. Ảnh: CAO THĂNG

 

Phát triển đô thị vệ tinh

- Chỉnh trang đô thị theo hướng “khoét lõm” chỉ có thể dành thêm được đất trong khu vực cho giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Trong khi đó, hệ thống giao thông và hệ thống cống thoát nước chống ngập của từng khu vực phải kết nối được với hệ thống chung của toàn thành phố mới làm giảm ùn tắc giao thông và ngập nước hiệu quả. Mà hệ thống chung của thành phố, có rất nhiều chỗ đã quá tải hoặc xuống cấp…

 

Kết hợp với công tác chỉnh trang đô thị phải là công tác triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch thoát nước, quy hoạch giao thông của toàn thành phố và cả vùng TPHCM, đặc biệt các tỉnh lân cận. Chỉnh trang đô thị là việc giải quyết tình trạng quá tải cho từng khu vực còn thực hiện quy hoạch chung là xây dựng hệ thống kết nối các khu vực lại, tạo thành hệ thống thông suốt. Hiện nay, ở nhiều nơi, nhiều dự án, người ta thực hiện công tác chống ngập, chống ùn tắc giao thông theo kiểu như… “đau bụng thì uống nhân sâm”, nghĩa là họ chỉ xem các đồ án quy hoạch nửa vời… Tôi đơn cử, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 quy định rất rõ: cao độ xây dựng thành phố trung bình là 2m, nhưng tùy điều kiện, đặc điểm địa hình của từng lưu vực mà có chỗ có cao độ trên 2m lại có chỗ có cao độ dưới 2m. Mỗi quận, huyện thuộc lưu vực nào sẽ quyết định cao độ xây dựng cho từng khu vực cụ thể. Như vậy, đâu phải chỗ nào của TPHCM cũng phải đạt cao độ xây dựng là 2m. Nếu hiểu rõ như vậy, sẽ không có chuyện đường Kinh Dương Vương cao lên như con đê biến tầng trệt nhà dân hai bên thành hầm. Đối với giao thông cũng vậy. Hiện nay thành phố tập trung nhiều cho công tác giảm tải cho từng khu vực cụ thể như xây cầu vượt, làm hầm chui. Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước mắt, việc làm này không sai nhưng song song với các biện pháp trước mắt, thành phố phải tiến hành ngay các giải pháp lâu dài. Thành phố cần xây dựng các trung tâm cấp thành phố ở bốn hướng kết hợp với các đô thị vệ tinh, từng bước giãn dân ở các quận nội thành ra hoặc liên kết với các địa phương trong vùng bố trí lại sản xuất, kinh doanh nhằm giảm áp lực cho thành phố. Tiếc là những giải pháp như thế chưa được quan tâm nhiều.

 

- Ông đang nói đến nhiều thay đổi từ trong chính sách cho tới giải pháp thực hiện. Điều này chắc chắn sẽ “đụng” tới rất nhiều cơ chế chính sách, đến phương thức làm việc… chắc chắn không dễ thực hiện?

Đúng là không dễ nhưng nếu không thay đổi thì khó đạt được mục tiêu: TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. TPHCM nên xây dựng kế hoạch hành động vì mục tiêu này thật cụ thể. Vướng mắc nào trong khả năng giải quyết của mình thì thành phố phải có giải pháp tháo gỡ ngay. Vướng mắc nào trong quyền hạn của Chính phủ, Quốc hội, thì thành phố kiến nghị điều chỉnh. Hiện nay, nguồn vốn ngân sách từ Trung ương tới địa phương gặp nhiều khó khăn nên đầu tư như thế nào, theo phương thức nào, cho công trình nào, phải được tính toán hết sức cẩn trọng. Nên ưu tiên các chương trình, dự án có tính đột phá, hiệu quả có tính lan tỏa.

 

- Cảm ơn ông!

NGUYỄN KHOA (thực hiện)


 

Đảm bảo an toàn khi thi công công trình ngầm

Theo Quy định về đảm bảo an toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM mà UBND TP vừa ban hành, nhà thầu chỉ được thi công phần ngầm công trình khi đủ điều kiện khởi công xây dựng, có thiết kế biện pháp thi công được duyệt, đã thực hiện các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho công trình lân cận. Các chủ đầu tư xây dựng công trình phải thuê tư vấn có năng lực phù hợp và thực hiện thẩm tra thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình do nhà thầu lập.

 

Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải kiểm tra thiết kế biện pháp thi công do nhà thầu lập trước khi phê duyệt. Nhà thầu tham gia xây dựng công trình phải tổ chức khảo sát hiện trạng khu vực công trường trước khi lập thiết kế biện pháp thi công. Hồ sơ khảo sát hiện trạng gồm bản vẽ hiện trạng khu vực công trường. Ngoài ra, nhà thầu cũng phải lập thiết kế biện pháp thi công đảm bảo an toàn khi thực hiện.

 

 

Nguồn: Báo SGGPO


Số lượt người xem: 3360    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm