• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
7
3
5
9
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 16 Tháng Mười Một 2016 7:55:00 SA

COP 22: Việt Nam tham gia Ban chỉ đạo Đối tác NDC

 





 
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại lễ công bố

 

Ngày 15/11/2016, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Trưởng đoàn công tác của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 22) đã tham dự và phát biểu tại Lễ công bố Thành lập Đối tác NDC (NDC Partnership).
 


Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) là nội dung cơ bản của Thoả thuận Paris. Các nước đang phát triển có nhu cầu rất lớn trong việc hỗ trợ thực hiện NDC. Đối tác NDC được Bộ Kinh tế và Phát triển và Bộ Môi trường, Xây dựng, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn Hạt Nhân của Đức đồng sáng lập cùng với Viện Tài nguyên Thế giới (World Resource Institute-WRI).


Mục đích của Đối tác NDC là nhằm cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho các quốc gia đang phát triển trong thực hiện NDC. Các hỗ trợ này được thiết kế căn cứ vào nhu cầu của quốc gia. Hiện đã có 42 Bên tham gia. Nguồn vốn chính phủ Đức đã cam kết cho Đối tác NDC là 32 triệu EUR.


Tham gia Lễ công bố có đại diện chính phủ Đức, chính phủ nước chủ nhà Ma-rốc và thành viên cấp Bộ trưởng của các nước tham gia Đối tác NDC. Các quốc gia tham dự lễ  công bố chúc mừng việc thành lập Đối tác NDC, xem đây là cơ hội hợp tác giữa các quốc gia, đối tác phát triển, các tổ chức tài chính, các cơ quan có liên quan để cùng nhau thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu khí hậu.


Đại diện các quốc gia tham dự lễ công bố


Thay mặt đoàn Đoàn công tác Việt Nam, phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, Việt Nam hiểu rằng để phát triển bền vững cần phải giải quyết thấu đáo vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là phương châm cơ bản khi xây dựng Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris tại Việt Nam, trong đó có nội dung  thực hiện NDC.


Để thực hiện NDC, hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực và trao đổi kinh nghiệm giữa các nước là hết sức quan trọng. Việc ra đời của Đối tác NDC sẽ giúp thúc đẩy hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện Thoả thuận Paris. Thứ trưởng tin rằng Đối tác NDC sẽ làm tốt vai trò của mình thúc đẩy việc thực hiện NDC tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam.


Đối tác NDC rất quan tâm đến các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đặc biệt là Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC). Đối tác  NDC bày tỏ mong muốn hợp tác với chương trình SP-RCC và các Bộ, ngành Việt Nam để triển khai Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris. Là quốc gia đi đầu trong hoạt động triển khai NDC nên Việt Nam được chọn là một trong 4 nước đang phát triển tham gia Ban chỉ đạo của Đối tác NDC.


Tại Lê công bố, một số quốc gia đã công bố hỗ trợ ban đầu, ngoài Chính phủ Đức còn có Chính phủ Úc 2 triệu Đô La, Vương quốc Anh hỗ trợ 2 triệu Bảng Anh, Đan Mạch đóng góp 5 triệu Kuron hỗ trợ các bên thực hiện Thoả thuận Paris.  


Đối tác NDC hoạt động dựa trên 2 nguyên tắc chính.


Đầu tiên, chương trình này mở cơ hội cho tất cả các quốc gia và các định chế tài chính, tổ chức có liên quan cung cấp hỗ trợ, kiến thức về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) cấp độ toàn cầu, khu vực hoặc quốc gia. Thành viên tham gia Đối tác đóng góp do quốc gia tự quyết định là tình nguyện.


Nguyên tắc làm việc của chương trình đối tác NDC theo hướng hỗ trợ các nước theo yêu cầu của các nước, thúc đẩy các hành động khí hậu mang định hướng lâu dài, tăng cường năng lực cho các nước, nâng cao công tác điều phối, tăng cường việc lồng ghép vào việc lập kế hoạch cấp quốc gia, nâng cao việc thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

 

Chu Thanh Hương (từ Ma-rốc)

Nguồn: Website Bộ TN&MT

 

 


Số lượt người xem: 3509    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm