• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
9
3
3
4
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 28 Tháng Tư 2014 4:35:00 CH

Cơ sở pháp lý quốc tế để quản lý nguồn nước

(TN&MT) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa có quyết định về việc Việt Nam gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy. Điều này sẽ tạo nền tảng pháp lý thuận lợi để Việt Nam xúc tiến đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương với các quốc gia trong việc hợp tác và giải quyết tranh chấp, bất đồng về bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn nước chung.

 

 
Đảm bảo an ninh nguồn nước Quốc gia
 
Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông đường thủy được Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 41 thông qua ngày 21/5/1997, bao gồm 7 phần và 31 điều. Đến nay đã có 32 quốc gia tham gia, tuy nhiên Công ước vẫn chưa có hiệu lực vì theo quy định phải có ít nhất 35 quốc gia phê chuẩn và gia nhập. Đây là công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia với mục đích bảo đảm việc sử dụng các nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu.
 
Các quy định của Công ước có tính áp dụng bắt buộc đối với các quốc gia là thành viên. Trong trường hợp có một hay một số quốc gia ven nguồn nước không tham gia Công ước thì có thể sử dụng các nguyên tắc, biện pháp của Công ước làm cơ sở để đàm phán, đấu tranh hay thỏa thuận giải quyết các vấn đề phát sinh đối với nguồn nước liên quốc gia.
 
Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, Việt Nam chủ yếu nằm ở hạ nguồn các con sông liên quốc gia lớn với khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm được sản sinh từ nước ngoài. Điều này cho thấy, tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc bảo vệ, khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Do đó, việc giải quyết các vấn đề nguồn nước liên quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những nước đã bỏ phiếu thuận cho Công ước. Ngày 20 tháng 5 năm 2013 tại Hội nghị cấp cao về nước Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức ở Chiềng Mai, Thái Lan, Việt Nam cũng đã tuyên bố sẽ gia nhập Công ước trước năm 2015, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác sớm tham gia Công ước.
 
Các chuyên gia nhận định: Việt Nam gia nhập Công ước là phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm sử dụng các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước liên quốc gia. Việc gia nhập Công ước sẽ góp phần vào quá trình hình thành khuôn khổ pháp lý điều chỉnh việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia tại khu vực châu Á, đồng thời, thể hiện rõ cam kết của Việt Nam đối với nguyên tắc công bằng, hợp lý trong sử dụng các nguồn nước liên quốc gia. Với vai trò là một thành viên tích cực trong khối ASEAN, việc Việt Nam gia nhập Công ước sẽ tạo cơ sở pháp lý cho vận động, thúc đẩy hợp tác khu vực trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững các lưu vực sông.
 
Sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước liên quốc gia
 
Mục tiêu cơ bản của Công ước là bảo đảm các nguồn nước liên quốc gia được sử dụng công bằng, hợp lý nhưng không gây hại đáng kể tới các quốc gia liên quan thông qua việc thực hiện các biện pháp, cơ chế thông báo, trao đổi thông tin, số liệu, tham vấn và giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia. Các quy định của Công ước liên quan trực tiếp tới pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai... Về cơ bản, các nội dung của Công ước tương thích với hệ thống pháp luật nêu trên của Việt Nam, nhất là Tài nguyên nước.
 
Các chuyên gia về tài nguyên nước phân tích: Với việc gia nhập Công ước, Việt Nam được hưởng các quyền đồng thời với việc phải thực hiện các nghĩa vụ phát sinh. Tuy nhiên, do chủ yếu nằm ở hạ lưu, phần thượng lưu các lưu vực sông liên quốc gia không đáng kể nên việc gia nhập Công ước trên thực tế sẽ giúp Việt Nam được hưởng nhiều quyền lợi hơn trong việc khai thác công bằng, hợp lý các nguồn nước liên quốc gia.
 
Sông Mê Công – nguồn nước liên quốc gia của khu vực.
 
Mặt khác, gia nhập Công ước tạo ra cơ sở pháp lý thuận lợi cho Việt Nam tiến hành đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương với các quốc gia có chung nguồn nước về hợp tác, giải quyết tranh chấp, bất đồng và xử lý các vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia, nhất là trong điều kiện Việt Nam phụ thuộc vào việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn.
 
Các chuyên gia cho rằng, việc gia nhập Công ước về cơ bản sẽ không làm thay đổi các quyền, nghĩa vụ của Việt Nam trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước liên quốc gia thuộc phạm vi lưu vực sông Mê Công vì các vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia này sẽ tiếp tục được giải quyết trong khuôn khổ các quy định của Hiệp định hợp tác và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, khi tham gia Công ước, Việt Nam thể hiện mong muốn tích cực thúc đẩy hợp tác khai thác, sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước liên quốc gia khác như sông Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Bằng Giang, Kỳ Cùng.
 
Hơn nữa, Việt Nam gia nhập Công ước cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình hình thành khung pháp lý điều chỉnh việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia trong khu vực Châu Á, đồng thời, tiếp tục khẳng định mạnh mẽ hơn cam kết của Việt Nam đối với những nguyên tắc chung của quốc tế trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ và phòng, chống các tác hại do nước gây ra cũng như thúc đẩy việc mở rộng, tăng cường hội nhập quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước.
 
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay là khi các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam vẫn chưa tham gia Công ước thì các quy định của Công ước chưa thể được áp dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước giữa Việt Nam với các nước có chung nguồn nước. Trong khi đó, thời gian gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn có chung nguồn nước với Việt Nam đang tăng cường khai thác lợi ích từ nguồn nước liên quốc gia cho phát triển kinh tế - xã hội và các xung đột lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn với hạ nguồn trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia ngày càng rõ nét, đang làm hạn chế khả năng các quốc gia trong khu vực cùng tham gia Công ước.
 
Vì lẽ đó, Việt Nam cần phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể sẵn sàng thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, nhất là đối với những quy định về tham vấn trước, ứng phó, khắc phục sự cố và giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại theo quy định của Công ước. 
 
                                                                                                                                                                         Minh Trang

Số lượt người xem: 3400    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm