• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
6
2
3
1
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 17 Tháng Ba 2017 8:05:00 SA

Đo đạc và bản đồ phải bảo đảm hạ tầng thông tin địa lý cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên và môi trường, đáp ứng yêu cầu quản lý không gian và các quyền chủ quyền của đất nước

 




 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực đo đạc và bản đồ năm 2017

 
Sáng 15/3, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc về triển khai nhiệm vụ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ năm 2017. Cùng tham dự buổi làm việc có các Thứ trưởng: Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Thị Phương Hoa và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu lĩnh vực đo đạc và bản đồ phải bảo đảm hạ tầng thông tin địa lý đáp ứng yêu cầu quản lý không gian, các vùng đặc quyền kinh tế, các vùng lãnh thổ, quyền tài phán quốc gia và các quyền chủ quyền của đất nước. Đẩy mạnh tham gia hợp tác quốc tế để giải quyết các bài toán toàn cầu và khu vực về nghiên cứu khoa học trái đất, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

 

Từng bước đáp ứng yêu cầu của ngành phục vụ phát triển đất nước

Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động lĩnh vực đo đạc và bản đồ (ĐĐBĐ), ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, Cục luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và kịp thời của Lãnh đạo Bộ cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp của các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ. Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra. Cụ thể:

 

Cục đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các đề án, dự án chuyên môn, từng bước đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý của ngành; đã xây dựng được hệ thống bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:10.000, 1:50.000 phủ trùm toàn quốc; bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:2000, 1:5000 các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm phục vụ cho việc quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, dự án thử nghiệm cấp Bộ, đề tài cấp cơ sở luôn được Hội đồng nghiệm thu đánh giá có tính ứng dụng cao, phục vụ tốt cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và ứng dụng trong thực tiễn;

 

Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đặc biệt là việc triển khai các dự án mà Việt Nam hỗ trợ cho Lào, Campuchia đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục ĐĐBĐ Việt Nam với các cơ quan chuyên môn của Lào và Campuchia…

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Phan Đức Hiếu cũng nêu những khó khăn, tồn tại cần được khắc phục như: Việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 33/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn chậm; chưa có Luật Đo đạc bản đồ để tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh trong thực hiện quản lý nhà nước thống nhất hoạt động ĐĐBĐ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ ĐĐBĐ còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; thiếu hụt đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu…

 

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực đo đạc và bản đồ năm 2017


Những vấn đề đặt ra

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị: Cục Viễn thám quốc gia, Tổng Công ty TN&MT, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các đơn vị quản lý trực thuộc Bộ đã có những kiến nghị với lãnh đạo Bộ TN&MT nhằm đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực ĐĐBĐ để đáp ứng yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực ngành TN&MT, của các địa phương, góp phần cho sự phát triển KT-XH của đất nước.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới là hoàn thiện dự án Luật Đo đạc và bản đồ mà Chính phủ đã phân công cho Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, sớm trình Quốc hội xem xét thông qua. Thứ trưởng yêu cầu, song song với việc hoàn thiện dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Cục ĐĐBĐ và Cục Viễn thám Quốc gia cũng cần tích cực phối hợp xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đo đạc và bản đồ, dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động viễn thám để trình Chính phủ ban hành ngay sau khi dự án luật này được Quốc hội thông qua. Cục ĐĐBĐ cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ TN&MT để thực hiện tốt công tác biên giới, địa giới.

 

 

Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam báo cáo tổng kết tại triển khai nhiệm vụ lĩnh vực đo đạc và bản đồ năm 2017


Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 và những năm tiếp theo

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao những hoạt động và kết quả đạt được của lĩnh vực ĐĐBĐ trong những năm qua, từ hoạt động điều tra cơ bản, xây dựng chiến lược phát triển ngành, công tác biên giới địa giới, phân giới cắm mốc góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, biên giới và hải đảo; tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, lĩnh vực ĐĐBĐ còn có những tồn tại, bất cập cần được quan tâm đầu tư phát triển để đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý và hội nhập quốc tế trong thời gian tới, như: Hạ tầng đo đạc bản đồ còn yếu kém, lạc hậu; Hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia không được cập nhật thường xuyên; Hệ thống độ cao quốc gia không được cập nhật thường xuyên; Chưa tiếp cận được hệ ảnh viễn thám mới để phục vụ phủ trùm toàn quốc; Triển khai Chiến lược phát triển ngành còn chậm; Một số dự án triển khai chưa đáp ứng tiến độ đề ra; Lực lượng cán bộ chuyên môn tuy đông nhưng chưa mạnh, thiếu cán bộ chuyên môn sâu có trình độ cao...

 

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Ngành ĐĐBĐ có truyền thống gần 60 năm xây dựng và phát triển, cần phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành TN&MT trong sự phát triển chung của đất nước.

 

Trước hết, cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật lĩnh vực ĐĐBĐ, cụ thể là Luật Đo đạc và bản đồ cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhằm thống nhất quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ĐĐBĐ, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động ĐĐBĐ cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

Thứ hai, rà soát, điều chỉnh Chiến lược phát triển ngành ĐĐBĐ Việt Nam để đạt được mục tiêu phát triển ngành ngang tầm với các nước trong khu vực và tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Rà soát các định mức, đơn giá ĐĐBĐ, điều chỉnh cho phù hợp với mức độ ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động ĐĐBĐ và tình hình thực tiễn hiện nay.

 

Thứ ba, sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật ĐĐBĐ bao gồm hệ tọa độ quốc gia và lưới độ cao quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng trong tình hình mới. Trong đó tập trung vào việc xây dựng hệ thống trạm định vị vệ tinh trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia, mô hình Geoid để công bố. Hoàn thành việc xây dựng các trụ mốc ăng ten trạm CORS; tổ chức mua sắm thiết bị máy móc trạm CORS nhằm sớm đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ quốc gia. Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát tình hình sụt lún khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP.Hồ Chí Minh để trên cơ sở đó tích hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phục vụ chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực.

 

Thứ tư, Thực hiện việc cập nhật, bổ sung hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; dữ liệu địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ lớn tại một số khu vực kinh tế trọng điểm. Sớm ban hành quy định về cập nhật, tích hợp, khai thác, chia sẻ các thông tin địa lý cho các ngành, các cấp trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh nhất là công tác lập quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính các cấp theo chỉ đạo của Chính phủ; triển khai công tác phân định ranh giới hành chính trên biển để giao cho các địa phương quản lý; phối hợp với Bộ Nội vụ giải quyết những điểm tranh chấp về địa giới hành chính do lịch sử để lại.

 

Thứ năm, tiếp tục phối hợp với Ủy Ban biên giới quốc gia, các Bộ ngành, địa phương có liên quan đẩy nhanh công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Campuchia. Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm và huy động nguồn lực quốc tế phục vụ việc phát triển lĩnh vực ĐĐBĐ.

 

Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về ĐĐBĐ nhằm huy động các nguồn lực, tri thức, công nghệ hiện đại phục vụ phát triển ngành. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác chuyển giao đối với các nước trong khu vực, đặc biệt với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Campuchia.

 

Thứ bảy, tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc; tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chuyên môn trình độ cao để phục vụ phát triển lĩnh vực ĐĐBĐ.

 

 Quang cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực đo đạc và bản đồ năm 2017


Kết thúc phần phát biểu, Bộ trưởng yêu cầu ngay sau cuộc họp này, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam rà soát, tổng hợp lại các cơ sở dữ liệu ĐĐBĐ quốc gia mà Bộ TN&MT đang quản lý để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp cận, khai thác sử dụng thống nhất, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

 

Nguồn: CTTĐT 

 


Số lượt người xem: 2573    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm