• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
3
1
9
8
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 04 Tháng Mười 2016 9:40:00 SA

TP.HCM chung tay cùng doanh nghiệp xử lý rác thải đô thị

 

 

.

(TN&MT) - Ông Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết quan điểm như vậy tại buổi họp báo trưa ngày 29/9/2016 khi ông thông tin về các giải pháp khắc phục hiện tượng mùi hôi xuất hiện ở khu Nam TP.HCM thời gian vừa qua, được xác định phát sinh tại khu vực ô chôn lấp đang tiếp nhận rác trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư.

 

Được biết, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng rất quan tâm vụ việc này và đích thân đã đi kiểm tra thực tế tại Công ty VWS ngày 06/9/2016.  “Buổi kiểm tra có Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng đi. Anh em cơ sở cũng rất chủ động, đã có hướng xử lý và gần đây đã có giảm hẳn mùi hôi. UBND TP.HCM khẳng định Thành phố và doanh nghiệp sẽ cùng bắt tay nhau thực hiện bằng được các cam kết để dự án đạt được hiệu quả” – ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp báo trưa ngày 29/9/2016.

 

Một góc Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước
Một góc Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước

 

Không phải là sự cố môi trường!

Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước bắt đầu chính thức vận hành từ tháng 11/2007 để tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP.HCM. Dự án sử dụng công nghệ chôn lấp hiện đại, hợp vệ sinh, sản xuất phân compost và phân loại rác; tổng diện tích 128 ha. Hiện nay, mỗi ngày bãi chôn lấp tiếp nhận rác sinh hoạt khoảng 5.400 tấn/ngày từ 16/24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

 

Tính từ lúc hoạt động đến nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đã tiếp nhận khoảng 11 triệu tấn rác, được chôn lấp trên diện tích các ô chôn lấp dự kiến khoảng 88 ha. Chiều cao của bãi rác hiện nay khoảng 25 m. Tổng công suất dự án 24 triệu tấn rác (dự kiến chiều cao bãi rác trên 40 m); tổng thời gian hoạt động của dự án là 50 năm (trong đó 24 năm vận hành tiếp nhận rác, 26 năm đóng bãi).

 

Quy trình tiếp nhận, vận hành chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt được Công ty VWS thực hiện thông qua các biện pháp kỹ thuật như: phun xịt chế phẩm khử mùi song song với quá trình san ủi, đầm nén rác; phun xịt Poshishell (hỗn hợp gồm xi măng, vôi bột, phụ gia); phủ bạt nhựa đen để tạm thời ngăn chặn mùi hôi phát tán; đến chiều cao tạm thời, dùng tấm nhựa HDPE để phủ kín.

 

Về quy trình xử lý nước thải: Nước thải tập trung tại các hồ chứa (tổng dung tích các hồ chứa theo báo cáo ước khoảng 300.000 m3) gồm: hồ chứa nước rỉ rác, hồ chứa nước mưa trên bề mặt các ô chứa chất thải; sau đó được đưa về trạm xử lý nước thải hiện hữu của Khu liên hợp để xử lý với công nghệ lọc màng MBR, RO với công suất xử lý các trạm dao động khoảng 2.000 - 3.000 m3/ngày.

 

Cùng với đó, hệ thống thu khí được thiết kế xung quanh các ô chôn lấp và được thu về, đốt bỏ nhằm đảm bảo an toàn môi trường và phòng tránh cháy nổ. Hiện Công  ty VWS cũng đang xây dựng thêm hệ thống xử lý nước 2.000 m3/ngày, dự kiến hoàn tất đưa vào hoạt động trong tháng 4/2017.

 

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết: Qua giám sát hoạt động của các nguồn phát thải trong khu Liên hợp xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước, điều kiện thời tiết, hướng gió và các vị trí bị ảnh hưởng trên bản đồ, UBND TP.HCM nhận định khả năng phát tán mùi hôi ảnh hưởng đến khu vực dân cư một số phường của quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè từ khu vực ô chôn lấp đang tiếp nhận rác và khu vực hồ chứa nước thải của Công ty VWS. Dự án của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công ty Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình cũng phát tán mùi hôi không đáng kể.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của Lãnh đạo UBND TP.HCM, đây không phải là sự cố môi trường do mức độ phát tán mùi hôi xảy ra không liên tục (theo mùa và hướng gió), ở vào từng thời điểm thời tiết nhất định. Qua làm việc với Công ty VWS, được biết Công ty đã tăng cường áp dụng các biện pháp cần thiết nên trong thời gian gần đây tình trạng phát tán mùi hôi đã giảm hẳn. Qua một quá trình triển khai giám sát liên tục tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, các cơ quan chức năng của Thành phố cũng đều đã kết luận như vậy.

 

Các giải pháp cấp bách cần triển khai

Ngay sau khi xác định được nguyên nhân gây ra mùi hôi, Lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, các quận huyện và Công ty VWS thực hiện khẩn trương một số giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài, để có thể giải bài toán xử lý rác thải một cách hiệu quả nhất cho một đô thị có gần 10 triệu dân sinh sống, với khối lượng rác hiện đang phát sinh khoảng 8.000 tấn/ngày trên địa bàn Thành phố.

 

Về những biện pháp khắc phục trước mắt, Lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị hoạt động xử lý chất thải trong Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ môi trường, điều chỉnh và giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy trình vận hành, thắt chặt công tác kiểm soát mùi trong quá trình hoạt động xử lý chất thải, nhất là bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt của Công ty VWS hiện là nguồn tiếp nhận xử lý chất thải có quy mô lớn. Mục tiêu là không để phát tán mùi hôi trong không khí, giảm thiểu tối đa ô nhiễm theo đúng tiêu chuẩn các dự án đã được phê duyệt.

 

Lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các quận, huyện liên quan tiếp tục tăng cường nhân sự trực 24/24 tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và các khu vực dân cư được phản ánh là có mùi hôi để giám sát, ghi nhận diễn biến tình hình; tiếp tục thực hiện khảo sát diện rộng trên các địa bàn liên quan, tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu làm tư liệu tiếp tục theo dõi diễn biến môi trường của các khu vực; tiến hành khoanh vùng, rà soát các nguồn bao gồm tự nhiên (sông, rạch).

 

Và đặc biệt là nhân tạo (các trạm trung chuyển chất thải, các cơ sở chăn nuôi, nhà máy sản xuất, nhà máy xử lý nước thải,...) có khả năng phát sinh mùi hôi ô nhiễm đến khu dân cư để đánh giá khả năng, phạm vi có thể ảnh hưởng, có biện pháp xử lý kịp thời; kiểm tra toàn bộ các phương tiện chuyên chở rác, kiên quyết loại bỏ những phương tiện không đủ điều kiện theo quy định hiện hành; điều tiết giao thông tại Khu liên hợp xử lý chất thải Thành phố trong những ngày, giờ cao điểm.

 

Đặc biệt, Lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo phải khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi diện tích đất 322 ha để thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly theo đúng quy hoạch theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm, hạn chế đến mức có thể việc di dời, huy động sức dân tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, giảm bớt chi phí từ ngân sách, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nghiên cứu thực hiện Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 50 theo hình thức BOT.

 

Đối với Chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước là Công ty VWS, UBND TP.HCM đã yêu cầu phải triển khai ngay 46 ha trồng cây xanh tạo vành đai cách ly để thanh lọc không khí, kéo giảm phát tán mùi hôi trong quá trình tiếp nhận rác.

 

Đồng thời, Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu Công ty VWS thực hiện một số biện pháp khắc phục như sau: Bố trí thời gian, nhân sự, trang thiết bị, phương tiện tiếp nhận và xử lý chất thải hợp lý sao cho đảm bảo chất thải được tiếp nhận, xử lý nhanh nhất. Bố trí các khu vực tiếp nhận chất thải di động ưu tiên ở các vị trí thấp, để hạn chế khả năng khuếch tán mùi hôi theo chiều gió. Cô lập diện tích mở bãi (để tiếp nhận chất thải) nhỏ lại ở mức tối thiểu để hạn chế phát tán mùi hôi; che phủ bằng bạt và liner nhanh hơn ngay tức thì sau khi chất thải được ủi và đầm nén...

 

Mô hình dự án Khu công nghệ môi trường xanh Long An
Mô hình dự án Khu công nghệ môi trường xanh Long An

 

Đẩy nhanh tiến độ Khu Công nghệ môi trường xanh Long An

Tại buổi họp báo trưa ngày 29/9/2016, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết: “Chỉ còn 5-7 năm nữa thì bãi rác ở TP.HCM sẽ đầy, khi đó chúng ta biết đi đâu? Do đó phải làm nhanh và tính toán các hướng khác”.

 

Về lâu dài, ông Võ Văn Hoan cho biết Thành phố đề nghị đẩy nhanh tiến độ Khu Công nghệ môi trường xanh, thuộc xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, quy mô 1.760 ha, cải tiến công nghệ xử lý rác (hạn chế chôn lấp), là Khu xử lý chất thải cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng do Công ty VWS làm chủ đầu tư.

 

Được biết, ngay sau khi đi thị sát Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng đã đôn đốc, chỉ đạo UBND TP.HCM khẩn trương làm việc với UBND tỉnh Long An để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Công nghệ môi trường xanh tại Long An, đưa vào hoạt động vào năm 2020, khi đó các khu xử lý rác của Thành phố đều phải đóng cửa.

 

Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thêm: Thành phố sẽ sớm tiến hành sơ kết, đánh giá và nhân rộng công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn tại các quận, huyện nhằm tăng thêm chất thải có khả năng tái chế, hạn chế chôn lấp trong thời gian tới.

 

Đồng thời, chỉ đạo các ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng các biện pháp đồng bộ, nâng cấp về mặt công nghệ trong hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải, tiến tới hiện đại hóa các trạm chung chuyển, phương tiện máy móc, thiết bị và điều chỉnh các quy trình kỹ thuật phù hợp.

 

“TP.HCM đang kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng các công nghệ cao theo hướng tái sinh năng lượng, chứ không phải hài lòng với công nghệ chôn lấp hiện tại” - ông Võ Văn Hoan nói.

 

Hưởng ứng chủ trương lớn và quan trọng nêu trên của Lãnh đạo TP.HCM, ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty VWS cho biết: Theo Quyết định của UBND TP.HCM đến năm 2020, toàn bộ khối lượng rác của Thành phố sẽ chuyển về Khu công nghệ môi trường xanh Long An do Công ty VWS làm chủ đầu tư.

 

Tại đây, Công ty VWS sẽ áp dụng công nghệ mới với quy trình khép kín nhằm đảm bảo xử lý, tái chế, tái sinh và đốt tái tạo năng lượng sạch toàn bộ khối lượng rác sinh hoạt phát sinh với tỷ lệ chôn lấp chỉ còn dưới 10% cho TP.HCM, Long An và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

 

Nguồn: Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường

 


Số lượt người xem: 2019    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm