Là đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ nhưng từ lâu việc kết nối giao thông chính là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển, giao thương kinh tế giữa TP HCM và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP HCM đã và đang nỗ lực thực hiện các dự giao thông, trong đó dự án đường Vành đai 3 như một minh chứng cho quyết tâm trên.

Mong mỏi của 20 triệu người

Dự án đường Vành đai 3 đi qua TP HCM, Ðồng Nai, Bình Dương và Long An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28-9-2011. Ðây là tuyến đường kết nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

TP HCM vững vai trò đầu tàu kinh tế (*): Kỳ vọng đường Vành đai 3 - Ảnh 1.

Một đoạn của tuyến Vành đai 3 ở Bình Dương cho thấy nhiều tín hiệu tích cực tới kinh tế - xã hội liên vùng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Vì nhiều lý do, đến tháng 6-2022, Quốc hội mới chính thức thông qua Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM. Hai tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 triển khai Nghị quyết 57 của Quốc hội. Theo đó, dự án đường Vành đai 3 có tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỉ đồng, chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án thành phần gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Đường Vành đai 3 sẽ được thi công từ tháng 6-2023 và hoàn thành toàn bộ vào tháng 6-2026.

Con đường chỉ dài hơn 76 km nhưng nói như Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, đó là "mong mỏi của 20 triệu bà con trong vùng", đã giúp tháo gỡ điểm nghẽn và mở ra không gian, tạo động lực phát triển mới cho cả vùng phía Nam.

Chủ động, cầu thị và quyết liệt

Khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, TP HCM và các địa phương đã rất quyết tâm, nỗ lực hoàn thiện sớm hồ sơ. Thành phố đã cùng 3 tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Qua đó, tìm kiếm phương án cũng như giải pháp tốt nhất khi triển khai dự án, nhất là trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong quy chế phối hợp với 4 tỉnh, TP HCM là địa phương đầu mối, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Quy chế phối hợp nhấn mạnh sự đồng bộ giải pháp kỹ thuật cho toàn dự án như khung tiêu chuẩn áp dụng, giải pháp kỹ thuật, các hạng mục công trình ảnh hưởng đến mỹ quan chung; đồng bộ về ứng dụng khoa học - công nghệ trong thiết kế thi công, vận hành...

Ngày 15-7, TP HCM tổ chức hội nghị triển khai dự án đường Vành đai 3 dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Đây là hội nghị quan trọng, quán triệt cả hệ thống chính trị từ cơ quan, ban ngành, thành phố, quận - huyện, phường - xã vào cuộc triển khai dự án đường Vành đai 3. Điều này càng cho thấy quyết tâm, sự kỳ vọng của TP HCM đối với dự án.

Về phía các sở, ban, ngành TP HCM cũng tích cực đẩy nhanh các đầu việc như thực hiện công tác bàn giao hồ sơ cho các địa phương, chuẩn bị đo vẽ, kiểm kê, thống kê ranh dự án…

"Kiểu mẫu" về bồi thường, tái định cư

 

Tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP HCM" do HĐND thành phố phối hợp Đài Truyền hình, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Võ Trung Trực đưa ra nhiều thông tin mang tín hiệu tích cực. Cụ thể, từ tháng 3-2022, khi UBND thành phố và các cơ quan trung ương đang tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3 để báo cáo Quốc hội thì 4 địa phương có dự án đi qua đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân. Người dân ủng hộ dự án này rất cao.

Đến tháng 10-2022, chủ đầu tư sẽ giao ranh, cắm mốc tại thực địa cho 4 địa phương để xác định chính xác tọa độ, diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án, một tháng sau, nghiên cứu báo cáo khả thi dự án cũng sẽ được phê duyệt. Đây là 2 mốc quan trọng nhất để thành phố chính thức triển khai thực hiện dự án bồi thường.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM - chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP HCM, cho biết dự án đường Vành đai 3 có 2 đặc trưng lớn có thể phát huy làm hình mẫu cho các dự án sắp triển khai trên địa bàn thành phố. Thứ nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp thành phố, sở - ngành, địa phương đến từng đoàn thể, chủ đầu tư… Thứ hai, đặt người dân vào vị trí trung tâm khi thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết khi triển khai dự án đường Vành đai 3, thành phố sẽ điều tra xã hội học để hiểu đặc điểm sinh kế của người dân nhằm có chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng thời hỏi ý kiến người dân về việc tái định cư. "Chúng tôi mong muốn việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 sẽ tạo ra sự mẫu mực trong công tác này để tiến hành các dự án khác trong thời gian sắp tới" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết đến nay, thành phố và các địa phương đã họp để thống nhất kế hoạch tổng thể, công việc cụ thể để đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 3. Sắp tới, TP HCM sẽ đeo bám các mốc tiến độ như nghị quyết của Chính phủ đề ra. Cụ thể, trong tháng 9-2022 sẽ hoàn tất bàn giao ranh mốc, bảo đảm tháng 11-2022 sẽ thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần. Công tác bồi thường, thu thập thông tin pháp lý hiện đạt 67,5%; công tác đo đạc, kiểm đếm đạt 63%.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM, thời gian triển khai để hoàn thành dự án còn khoảng 3 năm rưỡi. Ở vùng đô thị hóa rất cao thì việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, chưa nói dự án đi qua 4 địa phương. Chính vì thế, nếu không chủ động, không chuẩn bị kỹ thì tiến độ sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiều chuyên gia đánh giá hiện mới chỉ một đoạn của tuyến Vành đai 3 TP HCM được xây dựng tại Bình Dương, song tác động tới kinh tế - xã hội liên vùng rất rõ rệt. Do đó, mọi người có quyền kỳ vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của TP HCM nói riêng và các địa phương có dự án đi qua cùng sự đồng hành của cơ quan trung ương…, tuyến đường huyết mạch này sẽ về đích đúng kế hoạch.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-9

Thủ tướng biểu dương TP HCM

Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải với các tỉnh, thành ngày 17-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương TP HCM đã triển khai ngay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3.

Theo Thủ tướng, giải phóng mặt bằng là công tác gặp nhiều khó khăn, ách tắc lâu nay. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có nghị quyết đầu tư dự án đường Vành đai 3, TP HCM đã triển khai ngay công tác bồi thường và làm rất tích cực.

“Giao thông đi trước, mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, “Hạ tầng giao thông hoàn thiện là một trong những động lực để TP HCM bứt phá và phát triển bền vững”... những quan điểm này của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi được thể hiện sinh động qua quyết tâm thực hiện các dự án giao thông, trong đó có dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Không chỉ cho riêng thành phố

Nhiều chuyên gia cho rằng giao thông đi đến đâu sẽ mở ra không gian cho phát triển đến đó. Do vậy, đường Vành đai 3 có thể mở rộng không gian, tạo lối mở quan trọng cho đầu tàu kinh tế phía Nam, từ đó lan tỏa đến các địa phương lân cận cũng như toàn vùng. Nói rộng ra, việc xây dựng con đường này không phải chỉ cho TP HCM mà còn cho cả vùng, cả nước, như Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi từng nói đầu tư cho đường Vành đai 3 như "chăm sóc cho con gà đẻ trứng vàng".

Là người nhiều năm đau đáu với việc phát triển hạ tầng giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng điểm nghẽn phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hạ tầng giao thông, chậm kết nối giao thông ngày nào là thiệt hại thêm ngày đó. Do đó, đường Vành đai 3 triển khai nhanh sẽ kết nối được các đô thị liên vùng, góp phần giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

 

PHAN ANH

Nguồn: Báo Người Lao động