• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
4
2
9
3
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 17 Tháng Tư 2017 10:00:00 SA

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về tích tụ đất đai

 

 




 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trinh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

 
“Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến đất đai, tập trung vào các vấn đề như giao đất lâu dài, kéo dài thời hạn thuê đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng chế tài bảo đảm quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất…”. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp diễn ra sáng 14/4 tại Vĩnh Phúc.
 

Hội nghị do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.

 

Sử dụng đất manh mún khó phù hợp với nền nông nghiệp quy mô lớn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân là khu vực mà được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chúng ta luôn coi phát triển nông nghiệp trong nhiều thời kỳ có ý nghĩa nền tảng đảm bảo ổn định phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nông dân, đảm bảo đất nước phát triển bền vững.

Sau khi phân tích quá trình phát triển nông nghiệp của đất nước từ năm 1976 đến nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong tất cả bước đổi mới thì nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp là lĩnh vực đầu tiên được quan tâm thực hiện. Trong ưu tiên đó, việc giao đất cho các hộ gia đình có thời hạn và lấy kinh tế hộ gia đình làm động lực phát triển đất nước đã đem lại thành tựu. Đưa đất nước từ thiếu đói, thiếu lương thực thành nước đủ và thừa lương thực, xuất khẩu lớn của thế giới. Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình và đất nước ta có nền tảng cơ sở quan trọng bước vào thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng sang thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước lấy thị trường làm nguyên tắc phát triển đất nước hiệu quả thì mô hình kinh tết hộ gia đình với việc quản lý sử dụng đất, những mảnh đất nhỏ lẻ, manh mún khó phù hợp với nền nông nghiệp yêu cầu quy mô lớn, chất lượng hàng hóa cao, năng suất hiệu quả đảm bảo khả năng cạnh tranh nội địa, khu vực và quốc tế. “Do đó yêu cầu phải tích tụ tập trung ruộng đất để có mảnh đất lớn đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, chuyên canh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn, nâng cao năng lực, chất lượng, sức cạnh tranh của nền ông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung… Đây là yêu cầu cấp bách” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

 

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

 

Đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp

Sau khi nêu rõ những hạn chế, khó khăn do sản xuất nông nghiệp manh mún, Phó Thủ tướng đã nêu những nhiệm vụ để đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất tạo điều kiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đảm bảo yêu cầu sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, phát triển ngành nông nghiệp có năng suất, hiệu quả cao và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Về quan điểm này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Tích tụ tập trung cần thực hiện trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải gắn với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp nói riêng và tái cơ cấu ngành kinh tế nói chung có sử dụng đất đai, tránh tình trạng sử dụng đất đai vào nông nghiệp nhưng thời gian sau sử dụng vào ngành khác.

Tích tụ đất đai cần tránh hình thức và tránh phong trào. Việc tích tụ phải phù hợp từng vùng, khu vực mỗi địa phương, đặc điểm về đất đai, địa hình, thời tiết, văn hóa và truyền thống. Tích tụ phải đảm bảo theo nhiều hình thức phù hợp với yêu cầu tổ chức sản xuất; phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích người dân tham gia tích tụ đất đai, chủ yếu là nông dân.

Bên cạnh đó, tích tụ và tập trung ruộng đất phải lấy doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác và hợp tác xã, chủ trang trại là động lực… vì những chủ thể đó là những người có vốn hỗ trợ người dân, là người chuyển giao khoa học công nghệ,  tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào và là người tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên  hộ gia đình và cá nhân là thành viên quyết định thành công của quá trình tích tụ đất đai. Do đó họ được quyền bình đẳng trong thực hiện tích tụ đất đai và tổ chức sản xuất” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Ngoài ra, vẫn theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tích tụ ruộng đất, tập trung ruộng đất đi đôi với đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ nói chung và kinh tế ngành nghề nông thôn nói riêng nhằm tạo nhiều việc làm mới; giảm nông dân, lao động trong nông nghiệp,… thì mới thực hiện được mục tiêu tích tụ đất đai. Giảm lao động trong nông nghiệp phải tìm việc làm mới cho họ, không chỉ ở khu công nghiệp, đô thị mà phát triển kinh tế ngay tại nông thôn; đưa kinh tế, dịch vụ ngành nghề về nông thôn, phát triển nông thôn mới. “Tích tụ ruộng đất phải đạt mục tiêu cuối cùng đó là người nông dân phải là người được nhiều lợi ích trong quá trình phát triển” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị. Ảnh: Việt Hùng

 

Từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về tích tụ đất đai

Về những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến đất đai, tập trung vào các vấn đề như giao đất lâu dài, kéo dài thời hạn thuê đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp… trong đó nhiệm vụ cần thiết nhất, đó là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai như các chính sách liên quan đến giao đất nông nghiệp lâu dài, kéo dài thời hạn thuê đất, mở rộng hạn mức nhượng chuyển quyền sử dụng đất,... Cụ thể:

Thứ nhất, phải xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách nhằm đảm bảo hài hòa quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân trong tích tụ ruộng đất và sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp sai thì xử lý doanh nghiệp, người dân sai thì xử lý người dân chứ không phải nương nhẹ cho doanh nghiệp hay cho người dân.

Thứ hai, xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân trong tích tụ đất đai, xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Thứ ba, tiếp tục tập trung tái cấu trúc kinh tế nói chung trong đó có tái cơ cấu kinh tế nông thôn. Phải xem khu vực nông thôn có ngành kinh tế gì ngành nào là truyền thống, làng nghề nông nghiệp như thế nào, cơ cấu mỗi ngành kinh tế chiếm bao nhiêu phần trăm cân đối với đất đai để có kế hoạch sử dụng đất phù hợp.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế nông thôn và nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, coi trọng thị trường trong nước hoặc không bị thất bại trong "sân nhà" nhưng lấy mục tiêu xuất khẩu. Nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu, có thể là cứu cánh của nền nông nghiệp như gạo, cao su... Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và gắn với đặc điểm mỗi vùng, khu vực địa phương.

Thứ tư, tổ chức lại hình thức tổ chức cho phù hợp. Các hình thức là hộ gia đình – không thể coi nhẹ vì là lực lượng chủ lực của nông thôn Việt Nam. Tiếp theo là chủ trang trại, tổ hợp tác xã; rồi doanh nghiệp. “Nhiều doanh nghiệp lớn đang quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo ra sự thay đổi quan trọng, tuy nhiên vai trò của những doanh nghiệp nhỏ hơn cũng là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu chủ trương này. Phó Thủ tướng khẳng định việc tích tụ, tập trung ruộng đất phải đặt hiệu quả là mục tiêu cuối cùng, không làm nếu không hiệu quả, không làm với bất cứ giá nào.

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT


Số lượt người xem: 2797    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm