• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
6
9
9
9
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 14 Tháng Mười 2019 8:25:00 SA

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý nước thải

 


Với tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh, vấn đề xử lý nước thải đô thị đang được xem là một trong những thách thức đối với các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Những khu vực chưa có nhà máy xử lý, nước thải sinh hoạt của người dân trong khu vực thải trực tiếp ra hệ thống kênh rạch gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Thực trạng này đòi hỏi các thành phố lớn phải có giải pháp hữu hiệu để giải quyết kịp thời nhằm bảo vệ môi trường. 

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý nước thải  ảnh 1
Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1. Ảnh: CAO THĂNG
 

Gần 90% nước thải xả thẳng ra môi trường

Theo  Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cả nước hiện có 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đô thị với tổng công suất xử lý gần 1 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ xử lý mới chỉ khoảng 13% tổng lượng nước thải.

Hệ thống thoát nước chung cho tất cả các loại nước thải và nước mưa. Hệ thống thoát nước đô thị được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh cũng như không đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nước thải hầu như chưa được xử lý và xả thẳng vào nguồn tiếp nhận.

Nhiều đô thị đang xây dựng hoặc chưa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại, sau đó theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường. Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn rất thấp.

Nhiều tuyến cống không đủ tiết diện thoát nước; việc bê tông hóa kênh, mương góp phần không nhỏ vào việc hạn chế thoát nước. Tình trạng ngập úng đô thị xảy ra tại TPHCM và mỗi khi mưa lớn tại Hà Nội.

Để đạt được mục tiêu đề ra về thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết thành phố sẽ đầu tư đồng bộ hơn nữa hệ thống thoát nước với hệ thống thu gom của những dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các lưu vực Tham Lương - Bến Cát, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tây Sài Gòn, lưu vực quận Bình Tân và các lưu vực còn lại.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải tỏa nhà ven kênh và thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị đối với việc xây dựng các bờ kè kênh rạch trên địa bàn thành phố.

Tại TPHCM, trong kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020, thành phố đặt mục tiêu 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường (chỉ tiêu này gắn với kết quả thực hiện Chương trình đột phá về giảm ngập nước).

Đến nay đã có gần 22% tổng lượng nước thải đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, do còn gặp khó khăn nên chỉ tiêu 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý khó hoàn thành, Sở TN-MT đã kiến nghị Thành ủy và UBND TPHCM hạ chỉ tiêu này xuống còn 60%.

Dự báo khi Nhà máy Bình Hưng (giai đoạn 2), Nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hệ thống thu gom của Nhà máy Tham Lương - Bến Cát hoàn thành thì lượng nước thải được thu gom xử lý khoảng 1.313.624m3/ngày, đạt tỷ lệ 57,81% (năm 2020). 

Đồng bộ giải pháp 

Việt Nam hiện có hơn 800 đô thị, các chuyên gia môi trường cho rằng khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp là nguyên nhân chính khiến các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường cấp thiết. Một trong các vấn đề nổi cộm là kiểm soát và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt tại các đô thị ven biển. Mức độ gia tăng lượng nước thải tại các đô thị ngày càng cao, điển hình là Hà Nội và TPHCM.

Nước thải đô thị hầu như chưa được xử lý hoặc mới xử lý được một phần nhỏ rồi xả thải trực tiếp ra ao hồ, kênh rạch, sông nội thành gây ô nhiễm môi trường nước mặt.

Vì vậy, đã đến lúc việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở các khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành. Cùng với đó, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững cũng cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. 

Chia sẻ về những cấp bách trong việc xử lý nước thải sinh hoạt đô thị ở Việt Nam, ông Yutaka Matsuzawa, chuyên gia môi trường của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho rằng nước thải sinh hoạt chính là tác nhân đáng sợ nhất gây ô nhiễm nguồn nước.

Không những thế, nước thải sinh hoạt là hiểm họa môi trường hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Trong vòng 10 - 15 năm nữa, Việt Nam sẽ phải hứng chịu các tác động nặng nề do nước thải sinh hoạt không được xử lý. Chúng ta có thể đếm được số nhà máy thải ô nhiễm ra môi trường và có thể xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh.

Nhưng nếu thờ ơ và để nước thải sinh hoạt từ hơn 90 triệu người làm ô nhiễm môi trường thì vấn đề sẽ là rất lớn, nhất là với môi trường cho thế hệ tương lai. Vì vậy, cần phải đầu tư, có lộ trình về xử lý nước thải sinh hoạt, đặc biệt là nước thải sinh hoạt ở các đô thị có xả thải trực tiếp ra sông.

 

 

Nguồn: SGGPO


Số lượt người xem: 2815    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm