• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
3
0
1
2
8
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 10 Tháng Mười Hai 2018 10:25:00 SA

Ứng xử có tâm với kênh rạch

 

 

 

Kênh Mười Xà, Q.Bình Tân ngập ngụa rác - Ảnh: BÙI TRƯỜNG

TTO - Chính ý thức của người dân sẽ quyết định "số phận" kênh rạch thành bãi rác, ao tù hôi thối, ô nhiễm hay xanh trong. Chỉ khi người dân có ý thức việc khơi thông dòng chảy thoát nước của kênh rạch mới mong hậu quả mưa ngập giảm thiểu.

Ứng xử có tâm với kênh rạch - Ảnh 1.

Công nhân vớt rác tại kênh A41 - kênh thoát nước sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: BÙI TRƯỜNG

Những tuyến cống, hầm ga ngập ngụa, tích tụ dày đặc đủ loại rác từ gối nệm, rác sinh hoạt đến đồ điện tử, xác động vật, gạch đá... Những dòng kênh, con rạch vốn là đường thoát nước chính cho các khu dân cư nay bị "bức tử" bởi những biệt thự, nhà ở và những công trình đua nhau lấn chiếm.

Dòng chảy thoát nước bị chặn đứng dẫn đến những hậu quả ngập nước trầm trọng đã thấy ngay trước mắt.

Cơn mưa lịch sử 400mm từ bão số 9 hồi cuối tháng 11 khiến nhiều tuyến đường, ngõ hẻm của TP.HCM ngập sâu trong nước một lần nữa cho thấy chúng ta phải trả một cái giá đắt khi dòng chảy của kênh rạch bị ngăn chặn.

Toàn TP hiện có hơn 200 kênh rạch, tuyến cống, hầm ga và cửa xả bị lấn chiếm. Đó là chưa kể đến rất nhiều kênh rạch bị lấp, san phẳng nhường đất cho các dự án, công trình mọc lên.

Nhiều người thản nhiên xả thải, chiếm dụng kênh rạch mà coi thường những hiểm họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Hành xử này trái hẳn với những ứng xử coi trọng, bảo vệ từng mét kênh rạch của cha ông từ thuở khai hoang vùng đất đô thị ven sông nước, chằng chịt kênh rạch như Sài Gòn.

Đã có những cảnh báo từ các chuyên gia cho rằng những trận mưa kỷ lục như đợt bão số 9 vừa rồi, hay những đợt ngập khiến TP chìm sâu trong nước sẽ không còn hiếm trong tương lai và mức độ rủi ro do thiên tai ngày càng cao.

Nếu người dân vẫn thờ ơ, không có ứng xử đúng mực để bảo vệ và khơi thông lại dòng chảy cho kênh rạch thì sớm muộn cũng phải trả giá.

Chính ý thức của người dân sẽ quyết định "số phận" kênh rạch thành bãi rác, ao tù hôi thối, ô nhiễm hay xanh trong, nước chảy thông dòng.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 TP sẽ hoàn thành di dời 10.000 căn nhà trên và bên kênh rạch, đến năm 2021 là 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025. Tuy nhiên với điều kiện ngân sách hiện nay, TP rất khó để thực hiện nhanh các dự án di dời, trong khi thiên tai lại ngày càng khó lường.

Nếu cứ để tình trạng lấn chiếm, xả rác trên kênh rạch, cống thoát nước, hố ga như hiện nay, một khi có mưa lớn thì không biết chuyện gì sẽ còn xảy ra.

Trước mắt, khi chưa có chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho từng dự án di dời nhà dân trên và bên kênh rạch, TP cần ghi nhận hiện trạng sử dụng của các hộ dân bên kênh rạch. Nhưng cũng phải ấn định một ranh kỹ thuật để xác định tạm thời phạm vi lấn chiếm mà người dân được sử dụng, phần còn lại sẽ phải xử lý, dỡ bỏ.

Phải đảm bảo một phần không gian kênh rạch được phục vụ lợi ích công cộng, không thể để nhà dân ngày càng lấn chiếm hết lòng kênh rạch.

Đồng thời với việc tuyên truyền người dân nâng cao ý thức gìn giữ môi trường, phải có quy định để quản lý, xử phạt quyết liệt những hộ dân cố tình xả thải, lấn chiếm kênh rạch.

Chỉ khi người dân có ý thức, ứng xử văn minh để bảo vệ, khơi thông dòng chảy thoát nước của kênh rạch, cống rãnh mới mong hậu quả mưa ngập được giảm thiểu.

Phải ứng xử có tâm với từng dòng sông, con kênh, nơi chúng ta vẫn sống và hít thở không khí từ đó mỗi ngày...

 

 

Nguồn: Tuoitre.vn


Số lượt người xem: 2418    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm