• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
8
2
1
2
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 03 Tháng Hai 2016 8:00:00 SA

Phát triển ngành dệt may hài hòa với lợi ích môi trường

 


 
Với việc Việt Nam trở thành thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương-TPP, ngành dệt may được xem là chiếm nhiều lợi thế phát triển nhất. Tuy nhiên, để các lợi thế này trở thành nguồn lực phát triển, ngành dệt may cần hướng đến tính bền vững, đảm bảo lợi ích môi trường.
 
 

 

Theo các chuyên gia, thỏa thuận TPP sẽ giảm đáng kể thuế nhập khẩu áp dụng cho các hàng may mặc Việt Nam vào thị trường các quốc gia thành viên, qua đó gia tăng cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan. Đây là một trong những ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn đứng trong top đầu các sản phẩm hàng hóa mà Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, sẽ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng rất cao trong thời gian tới đây, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước, tuy nhiên, ngành dệt may cũng vẫn phải đương đầu với những khó khăn.

 

 Theo quy tắc về xuất xứ của sợi, sản phẩm muốn hưởng ưu đãi thuế trong TPP bắt buộc phải có 40% tỷ lệ nội khối trở lên. Trong khi đó, ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may của Việt Nam yếu, nên nguyên phụ liệu, thậm chí một số loại vải phải nhập từ nước ngoài, phần lớn từ các nước ngoài TPP, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... Nguồn thay thế từ các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gần như không có. Vì vậy, yêu cầu điều kiện xuất xứ "từ sợi trở đi" của Hoa Kỳ áp dụng trong TPP sẽ vừa tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển nhưng cũng gây khó khăn ban đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Do năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giầy Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc (nước không tham gia TPP). Vì thế, Việt Nam khó có thể đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP. Năm 2014, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành may mặc và da giầy của Việt Nam là 4,69 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 32,9%; Hàn Quốc 16,97%; EU 5,8%. Trong khi các đối tác trongTPP (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc) chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, tương ứng là 4,76%; 5,59% và 0,87%. Nếu vượt qua và đáp ứng được quy tắc, Việt Nam sẽ sớm thoát khỏi thực trạng là một nước gia công đơn giản, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

 

Thế nhưng, để có thể được hưởng lợi thế này, buộc ngành dệt may phải đảm bảo quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế ngành dệt may Việt Nam rất khó để đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu xuất từ sợi. Bởi một thời gian dài, Việt Nam đã hạn chế, thậm chí không cấp phép đầu tư nhà máy dệt nhuộm vì đây là một trong 17 ngành nghề phát sinh ô nhiễm môi trường. Tương tự, với ngành da giày, nếu không cho phép thành lập phát triển nhà máy thuộc da vì sợ ô nhiễm môi trường thì ngành da giày khó có thể được hưởng lợi thế từ việc giảm hàng rào thuế quan.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về môi trường, chúng ta không nên luẩn quẩn trong tư duy nếu cho phép phát triển những ngành này thì Việt Nam phải đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế mà chúng ta cần phát triển theo định hướng và có kiểm soát về môi trường. Điều này có nghĩa là cần thiết phải quy hoạch phát triển công nghiệp theo vùng phù hợp với sức chịu tải của môi trường và có sự kiểm soát chặt chẽ đầu ra chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất. Đơn cử, với những ngành sử dụng và phát sinh nhiều nước thải nên ưu tiên vào những khu công nghiệp tập trung tại khu vực hạ nguồn nước. Các ngành phát sinh nhiều khí thải thì không được bố trí tại những khu công nghiệp đầu hướng gió… Các nhà máy sản xuất phải xử lý cục bộ chất thải trước khi thải vào hệ thống xử lý chất thải chung của toàn khu công nghiệp. Hệ thống xử lý chất thải tập trung đảm nhiệm khâu kiểm soát và xử lý thêm một bước nữa chất thải ô nhiễm trước khi thải ra môi trường.

 

 

 

Nguồn: Website Bộ TN&MT.


Số lượt người xem: 4098    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm