• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
0
9
4
3
7
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực môi trường 10 Tháng Chín 2014 1:15:00 CH

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2014: Trao quyền giám sát cho cộng đồng

(TN&MT) - Theo các chuyên gia môi trường, để Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2014 thực sự đi vào cuộc sống và tạo ra những thay đổi tích cực về chất lượng môi trường và công tác bảo vệ môi trường, vai trò của các tổ chức xã hội và cộng đồng cần được ghi nhận một cách cụ thể, rõ ràng hơn ở các văn bản hướng dẫn dưới luật.

 

Cộng đồng – nhân tố quan trọng BVMT bền vững
 
Thể chế hóa vai trò các tổ chức
 
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2014 đã được Quốc hội thông qua và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Luật BVMT (sửa đổi) 2014 được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong việc nâng cao vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác quản lý, giám sát và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành công trong công tác bảo vệ môi trường suốt những năm qua, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được xem là bước tiến quan trọng để nước ta tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn mới.
 
Theo TS. Dương Thanh An - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Tổng cục Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2014 đã quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường tại Chương XV. Quy định trên đã tạo những cơ chế chính sách ban đầu cho các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia phản biện và giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nội dung này cũng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cộng đồng tại nhiều địa phương đang phải gánh chịu tác động tiêu cực do suy thoái môi trường, vốn là hệ lụy của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng và phụ thuộc tài nguyên trong những thập kỷ qua.
 
Về nguyên tắc, Luật BVMT (sửa đổi) 2014 đã tôn trọng, tạo điều kiện tốt để các tổ chức xã hội nghề nghiệp (TCXHNN) tham gia mọi hoạt động về BVMT: Điều 145, Chương XV của Luật đã quy định chung về  2 trách nhiệm và 5 quyền hạn của các TCXHNN và giao cho cơ quan quản lý môi trường các cấp  tạo điều kiện cho các TCXHNN thực hiện các quyền hạn đó. Trong 5 quyền nói trên, có quyền về “tham vấn đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình”.
 
Cụ thể hơn, những chủ thể trên có thể được tham vấn ý kiến trong quá trình xây dựng các quy hoạch môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và một số nội dung khác.
 
Tham gia tích cực  ngay khi “khởi động” dự án
 
Có thể thấy rằng, bất kỳ dự án phát triển nào cũng gây ra những tác động nhất định tới đời sống người dân và môi trường xung quanh, đặc biệt là những dự án có quy mô liên vùng, liên tỉnh. Việc thực hiện tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án vì vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi cộng đồng là đối tượng chính chịu tác động trực tiếp và gián tiếp từ dự án. Và Luật BVMT sửa đổi đã tạo điều kiện cho người dân tham gia rõ nét hơn trong những bước khởi đầu của việc thực hiện ĐTM này. Điểm nổi bật nhất của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2014 lần này là đã quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM thay vì đối tượng phải lập báo cáo ĐTM như Luật Bảo vệ môi trường 2005. Theo đó, người dân có quyền được thông tin đầy đủ về những tác động ấy và có quyền đưa ra quan điểm đồng tình hoặc phản đối đối với các nội dung cũng như đề xuất của dự án. Nếu quá trình tham vấn không được thực hiện hoặc thực hiện nhưng không đầy đủ thì sẽ rất dễ xảy ra những xung đột môi trường về sau và tất yếu dự án khó có thể phát triển bền vững.
 
Điều này cũng  chứng tỏ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã nhìn nhận rõ hơn công việc của ĐTM phải làm. Các chuyên gia môi trường nhận định, Luật Bảo vệ môi trường 2014 khi có hiệu lực sẽ chấm dứt tình trạng xem nhẹ việc thực hiện đánh giá tác động môi trường nhằm nhanh chóng “hợp thức hóa” dự án đầu tư. Ngoài ra, về công tác thực hiện ĐTM, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nhiều bước đột phá so với Luật Bảo vệ môi trường 2005 trước đó. Cụ thể, Luật quy định 3 nhóm dự án cần phải lập báo cáo ĐTM gồm: Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh được xếp hạng; dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội.
 
Điều 18, Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, ĐTM phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Các chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu, đánh giá nhận dạng tác động môi trường cần được thực hiện trong giai đoạn thiết kế tổng thể và kết quả này sẽ làm cơ sở môi trường cho thiết kế chi tiết. Đầu ra của ĐTM phải có tính dự báo, có khả năng điều chỉnh dự án hướng tới các khu vực ít bị tác động, thân thiện với môi trường hoặc đưa dự án ra khỏi các khu vực nhạy cảm môi trường.
 
Do vậy, những quy định này giúp tránh được tình trạng một số dự án khi xin chủ trương lập dự án và lập dự án tiền khả thi, nhưng sau khi thực hiện ĐTM thấy xuất hiện những bất lợi đối với môi trường, buộc phải điều chỉnh dự án hoặc thậm chí bị đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội.
 
                                                                                                                                               Phương Anh

Số lượt người xem: 3534    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm