• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
3
2
9
7
4
6
Thông tin tổng hợp trong lĩnh vực đất đai 28 Tháng Tám 2015 1:25:00 CH

Tiếp tục, đổi mới nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp

 

 


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang giải trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 
Ngày 27/8, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014. Tham gia giải trình có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai tham dự phiên giải trình cùng Bộ trưởng.
 

Tích cực triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới, sắp xếp các nông, lâm trường, các công ty nông, lâm nghiệp

 

Triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị  về đổi mới, sắp đổi mới các nông, lâm trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đất của các nông, lâm trường, như: Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP,  Nghị định số 181/2004/NĐ-CP; Thông tư số 04/2005/TT-BTNMT, Thông tư số 09/2006/TT-BTNMT, Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/CP ngày 12/3/2014, Bộ đã tiếp tục tham mưu cho Chính phủ thể chế hóa các chủ trương, giải pháp thực hiện tại các Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT.

 

 

Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường. Năm 2012, Bộ đã ban hành Quyết định số 441/QĐ-BTNMT về kế hoạch thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và các công ty được chuyển đổi từ các nông, lâm trường. Trong tổng số 55 tỉnh và thành phố có nông, lâm trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp tổ chức thanh tra tại 04 địa phương là Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng và Kiên Giang; 49 địa phương tự tổ chức thanh tra. Ngoài ra, Bộ còn lồng ghép việc kiểm tra, thanh tra tình hình quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp trong quá trình hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra thi hành pháp luật đất đai nói chung. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất; những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp, các ngành; những hạn chế trong nhận thức pháp luật đất đai của người dân và cán bộ; một số trường hợp tranh chấp, xử lý được nhiều vi phạm chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường được giải quyết kịp thời. Bộ cũng đã kiểm tra trực tiếp việc thực hiện kết luận thanh tra tại 03 tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Kiên Giang, kết quả cho thấy: Ủy ban nhân dân các tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các cấp, các nông, lâm trường thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra; đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm liên quan đến các hạn chế trong công tác quản lý đất đai hoặc vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất. Các địa phương đều khẩn trương thực hiện các kiến nghị, kết luận thanh tra.

 

Việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường đã có chuyển biến, quỹ đất sau sắp xếp đã được chuyển cho địa phương để giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

 

Đến nay, có 447 tổ chức đã được đo vẽ bản đồ, với tổng diện tích 5.942.000 ha, chiếm 74,3%. Tuy nhiên, do bản đồ địa chính chủ yếu được lập với tỷ lệ nhỏ, ít được cập nhật, chỉnh lý nên sau một thời gian không phản ánh đúng hiện trạng.

 

Cả nước hiện có 369 nông, lâm trường, ban quản lý rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 3.660.429 ha (đạt 45,8% diện tích cần cấp); trong đó đã rà soát, xác định diện tích đất để giao lại cho địa phương trên 1.263.000 ha; đã bàn giao 883.012 ha; dự kiến tiếp tục bàn giao khoảng 380.000 ha. Các công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, thực hiện cổ phần hóa đã bàn giao tiếp về địa phương là 5.735 ha; tuy nhiên, việc bàn giao đất cho địa phương còn chậm, còn thấp so với yêu cầu; nhiều nông, lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ mà chưa hoàn thành việc bàn giao trên thực địa; diện tích đất bàn giao cho địa phương chủ yếu là đất các công trình hạ tầng công cộng hoặc đất xa, xấu, khó canh tác, đất đang có tranh chấp.

 

Đã thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất cho 642 nông, lâm trường với tổng diện tích 7.599.580 ha, bằng 95% diện tích thực tế đang quản lý, sử dụng, trong đó: đã thực hiện chuyển đổi sang hình thức giao đất có thu tiền cho 04 nông, lâm trường với diện tích 2.029 ha; thực hiện chuyển đổi sang hình thức thuê đất cho 112 nông, lâm trường với diện tích 472.709 ha; đã xác định 242 nông, lâm trường với diện tích 1.981.189 ha thuộc diện phải chuyển sang thuê đất; đã xác định có 284 ban quản lý, vườn quốc gia, khu bảo tồn tiếp tục được giao diện tích 5.143.653 ha đất theo hình thức không thu tiền. Diện tích còn lại chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất là 396887 ha.

 

Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 

Ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, thành viên đoàn Giám sát và giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Cao Đức Phát và các Bộ ngành đã tập trung làm rõ nguyên nhân các nông, lâm trường, công ty nông lâm nghiệp quản lý diện tích đất đai lớn nhưng quản lý, sử dụng kém hiệu quả; còn để xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, giao khoán sai mục đích, sai đối tượng dẫn đến làm thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai; tình trạng khoán trắng theo kiểu “phát canh thu tô”; kết quả đóng góp cho ngân sách Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực trong khi một số khu vực nông dân, nhất là đông bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất sản xuất. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ về các giải pháp, mô hình quản lý nông, lâm trường hiệu quả, trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương để tiếp tục đổi mới sắp xếp, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, công ty nông lâm nghiệp.

 

Kết luận phiên giải trình, ông Ksor Phước, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cho rằng: các nông, lâm trường nhìn chung đã phát huy tốt vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo. Việc đổi mới, sắp xếp các nông, lâm trường bước đầu có hiệu quả, nhưng cũng còn một số hạn chế như sử dụng kém hiệu quả, còn để xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, giao khoán sai mục đích, sai đối tượng dẫn đến làm thất thoát,....

 

 Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Ksor Phước phát biểu kết luận tại phiên giải trình 

 

Đồng tình và đánh giá cao báo cáo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhất là về thực trạng quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp; những nguyên nhân, tồn tại và hạn chế, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội - Trưởng đoàn giám sát đề nghị “Bước sang giai đoạn mới, nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp cần phải tiếp tục được đổi mới theo cơ chế quản lý mới phù hợp với nền kinh tế thị trường. Bộ Chính trị đã có các Nghị quyết cụ thể về đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất sát với thực tiễn của từng giai đoạn phát triển, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phát huy được hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đảm bảo môi trường sinh thái cho phát triển bền vững đất nước, từng địa phương. Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành hệ thống chính sách khá đồng bộ; thể chế hóa cụ thể, kịp thời các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường. Việc triển khai thực hiện chủ yếu thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các công ty, nông, lâm nghiệp và các cơ quan chủ quản của các nông, lâm trường. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện sắp xếp; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhằm phát huy được nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng của các nông, lâm trường cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

 

 

 

Nguồn: Website Bộ TNMT.

 


Số lượt người xem: 4890    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm