• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
6
0
3
3
8
3
Thông tin tổng hợp lĩnh vực khác 29 Tháng Bảy 2015 8:20:00 SA

Sạt lở vì… cát lậu

 

 

Mặc dù TPHCM đã đầu tư xây dựng hàng loạt công trình kè chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch, nhưng nhiều nơi vẫn đang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng do nạn khai thác cát lậu.

 

Nạn khai thác cát lậu gây sạt lở nghiêm trọng ở quận 9.

 

Cát lậu “ăn” bờ sông

 

Anh Trần Thanh Hảo, sinh sống ở phường Long Trường (quận 9), cho biết tình trạng sạt lở trên khu đất nơi anh đang sinh sống khá nghiêm trọng do nhiều đối tượng hút cát trái phép trên sông Nhà Bè. Các đối tượng khai thác cát thường hoạt động vào ban đêm. Vì thế mà chỉ trong vòng nửa tháng qua, tình trạng sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra nhiều nơi với chiều sâu (từ mép bờ hiện trạng) khoảng 5m, dài 15m. “Trước đây, trước nhà tôi có một cây cầu để vào nhà, nhưng giờ cây cầu đã bị nước cuốn trôi. Mép nước sông hiện cũng chỉ cách nhà tôi khoảng 1m. Nếu tình trạng hút cát lậu tiếp tục diễn ra, nhà tôi sớm muộn cũng bị trôi sông”, anh Hảo lo lắng. Tương tự, hai bên chân cầu Giồng Ông Tố - nối phường An Phú và Bình Trưng Tây (quận 2) - đang bị sạt lở nghiêm trọng, ở hai bên mố cầu thượng lưu và hạ lưu, nước xoáy khoét thành hàm ếch rất nguy hiểm. Anh Trần Thanh Mạnh, nhà sát chân cầu cho biết, cứ có mưa lớn là lòng sông ở những khu vực bị hút cát trộm bị lõm sâu, khi mưa nước chảy xiết khiến đất bên bờ lở hết xuống lòng sông, ăn sâu vào đất liền. Mặc dù, UBND phường An Phú đã hỗ trợ kinh phí để người dân đóng cọc, kè bờ nhưng hiện nay hàng cọc rệu rã. Được biết, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã có kế hoạch xây dựng 150m bờ kè bên cầu Giồng Ông Tố nhưng chưa có kinh phí để triển khai.


Ngoài chuyện khai thác cát lậu, việc bờ kè, đê bao xuống cấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỗi khi triều cường dâng cao là gây sạt lở. Mới đây nhất là vụ sạt lở trên đường Số 7, thuộc khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Trước đó, vào cuối tháng 6, xưởng vẽ tranh xuất khẩu Cầu Vồng (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) bị sạt lở khoảng 400m² đất cùng nhà cửa, cây cối ra sông. Bà Nguyễn Thị Oanh, ngụ giáp ranh khu vực bị sạt lở trên, cho biết: “Tôi đang ngủ thì giật mình do nhà bị rung lắc mạnh, mọi người vùng dậy bỏ chạy, chỉ trong tích tắc hơn phân nửa căn nhà nghiêng xuống sông. Rất may không có ai bị thương tích”. Cần nói rõ thêm, nhà của bà Oanh đã được xây dựng bờ kè bằng đá hộc và gia cố cừ tràm nhưng vẫn bị sạt lở.

 

 

Thiếu vốn đầu tư

 

Theo Sở Giao thông Vận tải, trên địa bàn TP có 38 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch; trong đó, 18 vị trí sạt lở ở cấp độ đặc biệt nguy hiểm, 11 vị trí sạt lở ở cấp độ nguy hiểm. TPHCM đã tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở tại các tuyến sông, kênh, rạch, kịp thời phát hiện các vị trí xuống cấp, hư hỏng để duy tu, sửa chữa; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình bảo vệ bờ sông, kênh, rạch. Tuy nhiên, công tác phòng, chống sạt lở đang gặp nhiều khó khăn do khâu đền bù giải phóng mặt bằng của một số dự án thực hiện rất chậm. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến địa hình lòng sông thay đổi, tốc độ sạt lở lan rộng do ảnh hưởng của dòng chảy dẫn đến phải điều chỉnh quy mô thiết kế của dự án đầu tư. Ngoài ra, tại một số quận, huyện vẫn còn tình trạng xây dựng lấn chiếm, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch khiến dòng chảy bị thu hẹp, gia tăng lưu tốc dòng chảy, gây xói lở hàm ếch dẫn đến sạt lở.

Trước thực trạng trên, UBND TP giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Khu Quản lý đường thủy nội địa đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa cũng như các dự án xây dựng kè phòng, chống sạt lở khác; ưu tiên đề xuất nguồn vốn cho các công trình cấp bách chống sạt lở nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm; tiếp tục kiểm tra, rà soát và xác định cấp độ sạt lở bờ sông, kênh, rạch để tổ chức cắm biển cảnh báo và đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, TPHCM cần cấp bách phối hợp các đơn vị của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai tăng cường kiểm tra hoạt động nạo vét, khai thác cát trên sông, xử lý kiên quyết các trường hợp khai thác không phép, trái phép… nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả, ngăn chặn nạn sạt lở bờ sông, kênh, rạch.

 

 

 

 

 

Theo Báo SGGP.


Số lượt người xem: 4722    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm