• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
7
4
0
3
2
0
Tin tức sự kiện 07 Tháng Mười Hai 2018 11:05:00 SA

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia

 

 





Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại Hội thảo

 
Xây dựng hạ tầng không gian quốc gia (NSDI) được quy định trong Luật Đo đạc và Bản đồ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Đối với các nước phát triển trên thế giới NSDI là công cụ quan trọng trợ giúp cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
 

Để chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng NDSI của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các các cơ quan, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như: Viện thông tin không gian địa lý Nhật Bản (GSI), Cục Bản đồ Vương quốc Anh (OS), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) để tổ chức Hội thảo: “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia”, sáng 06/12 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì Hội thảo.

 

Tham gia Hội thảo có các chuyên gia quốc tế; về phía Việt Nam có đại diện Văn phòng Chính phủ; Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử; các Bộ, ngành và Sở Tài nguyên và Môi trường các thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Hải Phòng.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh đến vai trò và tầm quan trọng của hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI), Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng “Đây là là giải pháp, công cụ hiệu quả để tiết kiệm chi phí sản xuất thông tin, tránh trùng lặp, tạo điều kiện tăng nguồn lực thông tin; tạo cơ sở để thu hút mọi nguồn lực từ cộng đồng trong cập nhật, quản lý, tiếp cận và sử dụng, khai thác thông tin không gian. Đồng thời NSDI tạo điều kiện để con người chung tay thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, mục tiêu thiên nhiên kỷ, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

 

Luật Đo đạc và Bản đồ vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 đã dành 6 Điều quy định các nội dung về xây dựng, quản lý và điều phối các hoạt động liên quan đến NSDI. Để cụ thể hóa các nội dung trên, dự thảo Nghị định về hoạt động Đo đạc và Bản đồ cũng đã có nhiều nội dung quy định chi tiết về việc xây dựng chiến lược, kế hoạch triển khai, cơ chế điều phối liên quan đến xây dựng NSDI.

 

Bà Kathrine Kelm – Worl Bank giới thiệu về Khung tích hợp thông tin không gian địa lý toàn cầu

 

Tháng 8/2018, Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng mới, nâng cao năng suất lao động, tính minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

 

“Việc xây dựng NSDI sẽ góp phần xây dựng Chính phủ điện tử thành công cũng như đóng góp cho chương trình phát triển bền vững của nước ta. Tuy nhiên, việc xây dựng NSDI đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, trong giai đoạn đầu xây dựng và vận hành NSDI ở Việt Nam, sự giúp đỡ của các cơ quan tổ chức quốc tế có kinh nghiệm là vô cùng quý báu. Những kinh nghiệm của các bạn sẽ giúp Việt Nam định hướng cho công tác xây dựng NSDI của Việt Nam. Việc tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của các bạn sẽ rất hữu ích trong quá trình xây dựng khung chiến lược, kế hoạch phát triển NSDI cũng như trong quá trình thực hiện kế hoạch này” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nêu lên thách thức và mong muốn nhận được sự chung tay của các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong triển khai NSDI tại Việt Nam.

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Viện Thông tin không gian địa lý Nhật Bản (GSI), Cục Bản đồ Vương quốc Anh (OS) đã giới thiệu thông tin về chuẩn thông tin không gian địa lý toàn cầu; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và vận hành NSDI; thông tin về dữ liệu không gian địa lý - cuộc cách mạng phục vụ ra quyết định và dịch vụ, quản lý hoạt động mạng lưới trạm CORS, GEONET...

 

Ông Phan Đức Hiếu – Cục trưởng Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

 

Giới thiệu về khung tích hợp thông tin không gian địa lý toàn cầu, bà Kathrine Kelm, Đại diện WB và bà Rumyan Tonchovska, đại diện FAO cho biết, tháng 8/2018, Khung tích hợp thông tin không gian địa lý toàn cầu được đưa ra với mục tiêu cung cấp mẫu tham khảo cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình xây dựng cơ sở dữ liệu không gian quốc gia. Việc xây dựng Khung tích hợp thông tin không gian địa lý toàn cầu phục vụ cho tất cả các mục tiêu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ở mức độ quốc gia, Khung tích hợp thông tin không gian địa lý toàn cầu là công cụ trợ giúp trực tiếp vào xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở mỗi quốc gia, NSDI là cơ sở để xây dựng SDI (hạ tâng dữ liệu không gian) toàn cầu - công cụ thông tin trợ giúp tích cực cho con người quyết định chính xác về những bước phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Trái đất.

 

Khung tích hợp thông tin không gian địa lý toàn cầu còn có các chiến lược nhỏ, phục vụ cho các cơ quan khác nhau trong Chính phủ; nhất là phục vụ cho việc ra quyết định các mô hình quản trị quốc gia. Hiện nay, WB đang chuẩn bị những tài liệu hướng dẫn để các cơ quan tham khảo xây dựng dữ liệu hạ tầng không gian cho từng quốc gia của mình.

 

Tại Hội thảo, đại diện Viện Thông tin không gian địa lý Nhật Bản, TS. Hiromachi Tsuji, Chuyên gia cao cấp về Đo đạc và Bản đồ quốc gia đã chia sẻ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản sau 20 năm quản lý hoạt động mạng lưới trạm CORS, GEONET. Theo TS.Hiromachi Tsuji, Nhật Bản là quốc gia có công nghệ đo đạc và bản đồ phát triển, có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành mạng lưới trạm CORS cũng như xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý. Với 1.318 trạm CORS phủ khắp cả nước được xây dựng từ năm 1996 đến nay, mạng lưới trạm định vị vệ tinh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cung cấp số liệu định vị độ chính xác cao, đáp ứng việc xây dựng dữ liệu không gian, thành lập bản đồ, đo đạc địa chính, dẫn đường và nhiều ngành khác, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng-an ninh. Trong thời gian tới, Viện Thông tin không gian địa lý Nhật Bản sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản với Việt Nam trong những vấn đề liên quan cùng đóng góp cho sự phát triển chung của mỗi Quốc gia.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

   

Tổng hợp, tóm tắt và ghi nhận các kết quả của Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và thông tin Địa lý Việt Nam – đại diện cho đơn vị chủ trì được giao xây dựng NSDI của Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh tới vai trò  của NSDI - một trong những nhiệm vụ then chốt trong việc thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, đô thị thông minh… đồng thời cũng để  xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia của Việt Nam. Chính vì vậy, các tham luận, phát biểu tại Hội thảo sẽ là những cơ sở, nền tảng quan trọng để các cơ quan, bộ, ban, ngành của Việt Nam có thêm các thông tin, định hướng trong xây dựng và triển khai chiến lược phát triển NSDI quốc gia. Ông Phan Đức Hiếu mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực, thiết thực của các cơ quan, tổ chức quốc tế để Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam hoàn thành được nhiệm vụ tham mưu, phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam trình Chính phủ Chiến lược phát triển NSDI, cũng như tổ chức triển khai tốt nhiệm vụ này trong thời gian tới.

 

Nguồn: CTTĐT


Số lượt người xem: 1220    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm