• Sống thân thiện với môi trường
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
9
5
9
5
9
1
7
Tin tức sự kiện 23 Tháng Ba 2017 8:05:00 SA

Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải – giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững

 




 
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu kết luận tại Hội thảo

 
Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học nằm trong chuỗi những sự kiện hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2017 diễn ra chiều ngày 21/3 tại Bắc Ninh. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển và Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường đồng chủ trì.
 

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; đại diện Lãnh đạo các tỉnh và các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh Bắc Ninh; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các doanh nghiệp và đông đảo các phóng viên của cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

 

Hội thảo khoa học “Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải - giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững” là một diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước, quốc tế trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những nghiên cứu trong công tác quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý an toàn và tái sử dụng nước thải, kiểm soát ô nhiễm, biến nước thải thành một nguồn tài nguyên. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, cập nhật, nghiên cứu các ý kiến của các đại biểu để tiếp tục có những khuyến nghị, giải pháp, ý tưởng nhằm nâng cao công tác quản lý và xử lý nước thải để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước tại tỉnh.

 

Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ, thách thức lớn từ ô nhiễm nguồn nước thải

Theo báo cáo, hiện nay, các sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm. Hiện tượng ô nhiễm chủ yếu ở các vùng trung và hạ lưu các lưu vực sông, nhiều khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp hiện tương ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tại các con sông tăng cao vào mùa khô khi lượng nước chảy vào các con sông giảm.

 

Chất lượng nước suy giảm mạnh, phần lớn lượng nước thải sinh hoạt (khoảng 600.000 m3 /ngày) và công nghiệp (khoảng 240.000 m3 /ngày) không được xử lý đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng Châu Thổ sông Hồng và sông Mê Kông. Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất như các lò mổ và ngay cả bệnh viện (khoảng 7.000 m3 mỗi ngày, chỉ 30% là được xử lý) cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải.

 

Không những thế, nguồn nước dưới đất ở nước ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như bị nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác... Việc khai thác quá mức và không có quy hoạch đã làm cho mực nước dưới đất bị hạ thấp, đặc biệt là ở các khu vực đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Khai thác nước quá mức cũng sẽ dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển. Nhiều tổ chức, cá nhân nhân khoan khai thác nước dưới đất không thực hiện việc trám lấp giếng không sử dụng theo quy định gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất nguồn nước ngầm. Ngoài ra, nước dưới đất còn bị ô nhiễm do việc chôn lấp gia súc, gia cầm bị dịch bệnh không đúng quy cách.

 

Theo Tổng cục Môi trường, hiện nay Việt Nam có trên 200 khu công nghiệp, nhưng phần lớn đều chưa có giải pháp xử lý nước thải một cách bền vững. Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, hàng ngày có hơn một triệu mét khối nước thải được xả từ các khu công nghiệp và khoảng 75% trong số này không được xử lý, mà xả thẳng ra môi trường, gây nguy hại cho con người và sinh vật. Nước thải từ tất cả các hoạt động của con người xử lý, xả thẳng ra các nguồn ngày càng lớn đang dẫn đến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước mặt và nước ngầm và dẫn đến nguy cơ mất an ninh nước quốc gia và gây nên nhiều vấn đề môi trường, sức khỏe con người.

 

Ngày Nước thế giới 2017 có chủ đề là “Nước thải” hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tái sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả. Bởi hiện nay toàn cầu, hơn 80% nước thải xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý và không được tái sử dụng. Nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng bỏng của không riêng một địa phương, quốc gia nào mà đã trở thành vấn đề lớn trên toàn cầu.

 

Ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội thảo

 

Cần có những giải pháp xử lý an toàn và tái sử dụng nước thải, biến nước thải thành một nguồn tài nguyên

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến nay tỉnh Bắc Ninh cơ bản là một tỉnh công nghiệp, có nhiều làng nghề truyền thống, kinh tế có sự phát triển nhanh. Bên cạnh sự phát triển kinh tế, Bắc Ninh cũng đang là một trong các địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước, với nguồn nước thải đa dạng trong quá trình sản xuất. Vì vậy, vấn đề tái sử dụng nước thải, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm nguồn nước và môi trường đang trở thành thách thức cần sớm được giải quyết trong tiến trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề môi trường, những năm qua tỉnh Bắc Ninh cũng đã tiến hành nhiều giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và môi trường như tiến hành quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề, di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư; chủ trương hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thị xã, thành phố đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp làng nghề và lựa chọn một số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để tổ chức triển khai thí điểm công nghệ xử lý phù hợp.

 

Về quản lý tài nguyên nước, Bắc Ninh thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất và nước mặt; quy hoạch, điều tra chi tiết về tài nguyên nước đối với từng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng lên bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp thiết thực như tái sử dụng nước, lắp đặt các trạm quan trắc online đối với các khu công nghiệp có lưu lượng nước thải lớn, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung, tăng cường khai thác, sử dụng nước mặt, hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất … Nhờ đó, tình hình thoát nước và xử lý nước thải ở đây đã được cải thiện, môi trường của các đô thị trong tỉnh ngày càng sạch đẹp, hướng tới đô thị xanh.

 

Tại Hội thảo khoa học, đã có 10 bài tham luận được lựa chọn trình bày của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp. Các bài trình bày tập trung vào các vấn đề do ô nhiễm nước thải gây ra cho môi trường và cộng đồng cũng như những tồn tại trong công tác quản lý nước thải ở Việt Nam, phản ánh đa dạng các góc nhìn, quan điểm về quản lý, xử lý nước thải. Ở mỗi góc độ khác nhau, các bài tham luận đều tập trung nêu lên thực trạng ô nhiễm nguồn nước để từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ nước thải, biện pháp tái sử dụng nước, quản lý bảo vệ nguồn nước bền vững….

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đánh giá cao kết quả của Hội thảo. Hội thảo được tổ chức vào thời điểm mà vấn đề ô nhiễm nước thải đang là một trong những vấn đề nóng của Việt Nam, nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ quan truyền thông và người dân. Ô nhiễm nước thải là thách thức lớn ở nước ta hiện nay, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị trong bối cảnh của nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế và xu hướng đô thị hóa. Các ý kiến từ hội thảo đã phần nào chỉ ra hiện trạng, các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, những thách thức và tầm quan trọng của việc xử lý nước thải. Các ý tưởng, biện pháp, các giải pháp đã được đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao công tác quản lý và xử lý nước thải để kiểm soát ô nhiễm tài nguyên nước, đồng thời biến nước thải thành nguồn tài nguyên.

 

Thông qua Hội thảo này, Thứ trưởng hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều sáng kiến được đưa ra gắn liền với thực tiễn cuộc sống, các biện pháp, giải pháp trong hoạt động quản lý nhằm góp phần tích cực trong việc bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng cạn kiệt và suy thoái nguồn nước hiện nay. Đồng thời, sự gắn kết hợp tác giữa cơ quan trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước sẽ ngày càng khăng khít hơn, các mối quan hệ đối tác sẵn có càng thêm sâu sắc và nhiều mối quan hệ đối tác mới được xây dựng đóng góp quan trọng trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững, góp phần bảo vệ an ninh xã hội, phát triển kinh tế của đất nước.

 

 


Nguồn: CTTĐT


Số lượt người xem: 1669    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm